Một sự kiện tưởng nhỏ, nhưng lại được cộng đồng rất chú ý trong tuần qua: Công viên Thiên văn học tại quận Hà Đông (Hà Nội) vừa mở cửa và lập tức thu hút đông đảo người dân tới tham quan, vui chơi.
Rộng 12 hecta với vốn đầu tư 260 tỷ đồng, công viên này nằm trong khu đô thị Dương Nội và cơ bản hoàn thiện từ năm 2020. Tuy nhiên, do một số vướng mắc, công viên này vẫn phải đóng cửa trong 4 năm qua, và chỉ tạm thời được đưa vào khai thác theo nguyện vọng của nhân dân địa phương.
Như những gì đang được chia sẻ trên không gian mạng, công viên Thiên văn học có lượng cây xanh và mặt nước khá lớn, với vị trí trung tâm là hồ Bách Hợp rộng 6 hecta. Hầu hết các hạng mục trong công viên đều được triển khai theo chủ đề thiên văn học, như quảng trường Big Bang, bể hố đen, đài phun nước ánh sáng, UFO Zone. Đây cũng là công viên đầu tiên tại Việt Nam xây dựng theo chủ đề này, với diện tích gần bằng Cung thiên văn Kazan (Nga) - công viên thiên văn học đầu tiên của thế giới.
Tại đó, nếu người lớn có thể đi dạo, hóng mát hay nghỉ chân tại các trục cây xanh hoặc 4 quảng trường tại 4 cổng ra vào thì trẻ em có thể tham dự các trò chơi như ống trượt, đu dây, xếp hình trên bồn cát trắng... Và khá thú vị, các khu vực vui chơi này được thiết kế với ý đồ gợi mở cho các em những kiến thức về khoa học, chẳng hạn như các cấu trúc địa hình mô phỏng kiến tạo địa chất trên bề mặt của Mặt trăng, sao Hỏa, hoặc khu vườn danh nhân có dựng tượng của các nhà khoa học như Stephen Hawking hay Albert Einstein.
Rõ ràng, quyết định đưa công viên này vào sử dụng tạm thời là một động thái tích cực và hợp lý từ chính quyền địa phương. Và tất nhiên, sau những ngày mở cửa đầu tiên, cộng đồng lại càng mong những vướng mắc pháp lý của nó sớm được giải quyết, để Hà Nội chính thức có thêm một cái tên mới trên "bản đồ công viên" của mình.
***
Nhìn lại, công viên Thiên văn học cũng không phải là trường hợp công viên "mới mà cũ" đầu tiên tại Hà Nội.
4 tháng trước, công viên Long Biên (quận Long Biên) với diện tích gần 16 hecta cũng vừa được hoàn thành, trên cơ sở cải tạo và chỉnh trang lại công viên Việt Hưng (được xây dựng từ năm 2016 nhưng xuống cấp và gần như bị bỏ hoang sau nhiều năm).
Xa hơn, vào cuối năm 2022, việc Hà Nội gỡ bỏ một phần hàng rào công viên Thống Nhất tại khu vực trông ra hồ Thiền Quang cũng đã bước đầu cho thấy tác dụng, khi tạo ra một quần thể không gian sinh thái khá hấp dẫn tại quần thể cây xanh - mặt nước này.
Cần nhắc lại, những thống kê hiện tại cho thấy Hà Nội có hơn 60 công viên hoặc vườn hoa lớn nhỏ để phục vụ gần 9 triệu dân. Có nghĩa, trung bình cứ hơn 13 vạn người dân thành phố sẽ thụ hưởng chung một không gian này. Con số đó rõ ràng không lớn nếu nhìn vào nguyện vọng, cũng như nhu cầu thực tế, của một đô thị lớn.
Như nhiều chuyên gia phân tích, trong lúc đang xây dựng thêm những công viên lớn theo quy hoạch, thành phố hoàn toàn có thể "tối ưu hóa" những công viên chưa được khai thác hết tiềm năng để phục vụ cộng đồng. Và, sau trường hợp của những công viên Long Biên hay công viên Thống Nhất, sự xuất hiện của công viên Thiên văn học lại cho thấy tính hợp lý và thực tế của hướng tiếp cận ấy…
Tags