Yêu cầu các tour du lịch không đưa khách tới "cà phê đường tàu" và sẽ kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm - đó là nội dung chính của văn bản mà Sở Du lịch Hà Nội vừa gửi tới các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên thành phố.
Văn bản được đưa ra sau khi dư luận và báo giới từng phản ánh tình trạng một số quán cà phê tại "phố đường tàu" vẫn cố tình kinh doanh dù đã bị cấm. Đồng thời, bất chấp việc không gian này đã bị rào chắn cả 2 đầu, nhiều du khách vẫn tìm cách vượt rào hoặc men theo các ngách nhỏ để vào đây.
Động thái từ ngành du lịch một lần nữa cho thấy sự kiên quyết của phía quản lý, trước một câu chuyện đã nhùng nhằng kéo dài suốt mấy năm nay.
Hình thành từ những khu nhà lụp xụp cạnh đoạn đường sắt trên phố Lê Duẩn, cụm cà phê đường tàu trong 5- 6 năm qua thu hút một lượng khách khổng lồ, tới mức nó được nhiều trang web quốc tế coi là một địa chỉ khám phá đặc thù tại Hà Nội. Và, cho dù từng bị đóng cửa vài năm trước theo những quy định về hành lang an toàn đường sắt, không gian ấy vẫn "tranh thủ" hồi sinh rất nhanh, ở giai đoạn sau đại dịch Covid-19, khi lượng khách du lịch bắt đầu trở lại Thủ đô.
Để rồi, mỗi lần vấn đề đóng cửa cà phê đường tàu được dư luận nhắc lại, những lập luận mang nặng cảm xúc - thậm chí là sự cảm tính - của khá nhiều người vẫn được đưa ra. Đó là những ý kiến về sự thông cảm với cách kiếm sống của những hộ dân nghèo bên đường tàu, về lợi ích kinh tế, về tiềm năng lan tỏa của một điểm du lịch mới tại Hà Nội.
Như luồng ý kiến ấy, phía quản lý cần "linh hoạt" cho cà phê đường tàu tồn tại, trong khi ngành đường sắt cũng cần "hỗ trợ" bằng cách cho các đoàn tàu…. giảm tốc và chạy thật chậm để đảm bảo an toàn du khách trên đoạn phố này.
***
Cần nhìn rõ, sức hút của xóm cà phê đường tàu không chỉ gắn với việc phục vụ nhu cầu sống ảo, theo những trend độc, lạ… của giới trẻ - như định kiến của một số người. Bên cạnh những điểm đáng chú ý về việc khai thác không gian xưa cũ của đô thị hay các kiến trúc tưởng như là phế tích, cà phê đường tàu còn gắn với những giải pháp chủ động được đưa ra từ cư dân tại chỗ.
Đó là điều không dễ thực hiện, khi thực tế luôn cho thấy: Việc tạo lập các điểm đến hấp dẫn trong đô thị không thể hình thành đơn thuần bởi sự áp đặt chủ quan, cũng như những hoạch định từ phía quản lý. Đáng tiếc, sự "sáng tạo tự phát" của người dân ở đây khá thành công, ngoại trừ một điều duy nhất: Xung đột với các yêu cầu về hành lang an toàn đường sắt.
Thẳng thắn, nếu bình tâm suy xét, chúng ta đều hiểu: Với mọi lý do để biện minh, sự tồn tại của xóm cà phê đường tàu vẫn cứ là sai so với hành lang pháp lý hiện hành. Đặc biệt, khi câu chuyện còn chạm tới sự an toàn về tính mạng của cộng đồng, tất cả chữ "tình" ở đây cũng không thể thay thế cho tính pháp lý trong hành động.
Việc dẹp bỏ xóm cà phê đường tàu là cần thiết, cả về sự an toàn và tinh thần thượng tôn pháp luật. Sự nuối tiếc với nó có lẽ cần được "chuyển hóa" bằng việc khảo sát, tìm hiểu về cách mà không gian này ra đời và hút khách, để từ đó áp dụng phần nào cho những không gian, địa điểm có cấu trúc tương đương nhưng ở vị trí phù hợp hơn. Và chắc chắn, tại những điểm đến ấy, không thể bỏ qua vai trò và quyền lợi của cộng đồng bản địa.
Tags