Góc nhìn 365: Tình cha

Thứ Ba, 25/08/2020 07:15 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện anh Phan Văn Tâm, 38 tuổi ở gần núi Bà Đen (Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa cắn vẫn đang thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Góc nhìn 365: Học trực tuyến để… học gì?

Góc nhìn 365: Học trực tuyến để… học gì?

Có lẽ, chưa bao giờ, chúng ta được nghe nhiều tới các khái niệm “dạy trực tuyến”, “học trực tuyến” như thời điểm vừa qua. Hai cụm từ ấy xuất hiện thường trực không chỉ trong câu chuyện của các giáo viên, học sinh hoặc các bậc phụ huynh mà còn là khởi điểm của khá nhiều cuộc bàn luận - thậm chí là tranh luận - trong đời sống hàng ngày.

Sự chú ý ấy không chỉ gắn với việc anh gặp phải một tai nạn thương tâm. Nó còn đến từ lý do khiến anh phải "liều mạng" bắt rắn: như chia sẻ của chị vợ, anh muốn có thêm thu nhập phụ vợ nuôi hai con nhỏ 9 và 2 tuổi rưỡi đang tuổi đi học, trong đó có cả việc "đóng học phí cho con".

Câu chuyện của anh diễn ra khi mà chỉ còn một hai tuần nữa là đến ngày khai giảng năm học mới.

Chuyện lo học phí và các khoản chi tiêu đầu năm học không phải là chuyện mới. Cái thời tôi còn cắp sách đến trường, cứ vào tầm tháng 8 Dương lịch là bố mẹ lại căng thẳng chuẩn bị tiền mua sách vở, lo cái quần, manh áo mới cho mấy chị em. Thu nhập của cả nhà tôi khi ấy chỉ trông vào đồng lương công nhân nghỉ hưu của bố mẹ, cho nên với mấy chị em tuổi cách nhau năm 1, các khoản chi đầu năm học mới cộng lại cũng là một khoản tương đối.

Bố tôi khi ấy hết tham gia bốc vác gạo, lại xoay qua làm than tổ ong bán. 2 chị lớn ngày nào cũng đạp xe vào Đình Bảng cuốn thuốc lá thuê. Tôi thì học về là trần lưng đi cắt cỏ thỏ, lấy rau lợn…Tất cả đều mục đích thêm thắt vào cái khoản thu không đủ chi của cả nhà.

Chuyện lo chi phí học hành còn theo tôi mãi đến tận lúc học đại học. 4 năm trời kể từ khi có giấy gọi nhập học cho đến thời điểm tốt nghiệp là thời gian tôi luôn căng thẳng từng tuần lo tìm việc kiếm tiền, kể cả làm đêm.

Chú thích ảnh
Anh Phan Văn Tâm điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Internet

Đó là câu chuyện từ nhiều năm trước. Giờ đây cần phải thấy là chính sách học phí của chúng ta đã có những sự thay đổi rất tích cực. Bắt đầu từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực. Theo đó, học sinh tiểu học trong các trường công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh phải theo học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ học phí (mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định). Trẻ mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.

Luật cũng nêu rõ, Chính phủ quy định lộ trình miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS.

Song điều mà chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy: Dù chính sách học phí đã được miễn, giảm như thế, nhưng các gia đình vẫn phải chuẩn bị rất nhiều những chi phí khác như mua sách vở, bút mực, tiền bán trú, rồi đồng phục… Với những gia đình lao động nghèo thì các chi phí này đúng là rất đau đầu, bởi tất cả đều là “tiền tươi thóc thật”.

Năm nay mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn đối với người nghèo - khi mà cho đến lúc này, dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Mặc dù xã hội đã có những chính sách hỗ trợ và vẫn có những tấm lòng hảo tâm, những mạnh thường quân, tuy nhiên cũng chẳng thấm tháp là bao so với nhu cầu của cuộc sống, của 1 năm học kéo dài những 9 tháng, vắt qua những giai đoạn “giáp hạt”, khó khăn vẫn còn rất nhiều…

Chính vì thế, các gia đình phải gồng mình lên để lo đủ tiền cho con ăn học đầy đủ. Chuyện của anh Tâm hay là những việc làm của bố tôi trước đây không phải là điều gì quá “đặc biệt”. Chỉ tiếc là giá như anh chọn cách kiếm tiền nào đó an toàn hơn thay cho cách đánh liều sinh mạng mình với con rắn độc. Nhưng đó là cái tình, là đức hy sinh của những người làm cha mẹ trong những gia đình nghèo. Mong sao cái tình này sẽ được các em học sinh cảm nhận, biến nó thành ý chí, động lực trong học tập. Đấy có lẽ là sự đền đáp tình cha mẹ thiết thực nhất.

Xuân An

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›