Chùa Cầu từ lâu được xem là một danh thắng nhất định phải đến mỗi lần ghé qua phố cổ Hội An. Gần một năm nay, Chùa Cầu được hạ giải để tiến hành trùng tu. Tuy vậy, gần đây đến Hội An, tôi mới biết: Việc hạ giải công trình không ảnh hưởng đến chuyện du khách có thể tham quan Chùa Cầu.
Xưa nay, chuyện trùng tu di sản kiến trúc không phải chuyện hiếm. Trăm năm bia đá thì mòn mà, huống chi một di tích bốn trăm năm tuổi như Chùa Cầu. Vậy mà Chùa Cầu vừa trùng tu, vừa cho phép du khách tham quan. Đúng là một cách làm can đảm và hiếm có.
Thực tế, từ trước đến nay việc trùng tu di tích ở ta thường nhận về khá nhiều tranh cãi trong dư luận. Những thứ thuộc về cảm quan như màu sơn, cho đến chất liệu, cấu trúc bên trong… vốn được công chúng quan tâm rất nhiều. Cho nên không phải lúc nào công trình được trùng tu xong cũng nhận được sự đồng tình của mọi người
Chùa Cầu hiện tại được "trùm" một nhà tôn bao quanh công trình để phục vụ trùng tu, trông "chỏi" hẳn với những bức tường gạch vàng ở xung quanh, vốn là đặc trưng của phố cổ Hội An. Bên trong nhà tôn ấy, danh thắng nổi tiếng đang trải qua một cuộc "đại phẫu", công trình hạ giải, ngổn ngang gạch đá, một lối đi được mở ra để du khách có thể mua vé vào xem "xương cốt ruột gan" của Chùa Cầu.
Bán vé cho du khách ngay lúc di sản được trùng tu vừa thỏa mãn trí tò mò của khách tham quan muốn thấy tường tận kết cấu của công trình, cũng là một cách để cộng đồng giám sát xem các chuyên gia trùng tu đang làm việc thế nào với di sản kiến trúc mang tính biểu tượng. Làm được việc ấy phải là những chuyên gia không ngại nhận ý kiến góp ý của dư luận. Thiết nghĩ, nếu một số di sản trước đây có đôi mắt "giám sát" của du khách ngay từ lúc đặt những nét cọ sơn đầu tiên lên tường, lắng nghe, điều chỉnh cho hợp lý, có lẽ đã tránh được những ồn ào sau khi công trình được trùng tu xong.
Ở những di tích có bán vé tham quan, tiền vé là một nguồn thu quan trọng đối với phát triển du lịch, tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng như phục vụ công việc bảo trì, trùng tu di tích sau này. Tuy nhiên, việc trùng tu di tích thường kéo dài, trong quá trình đó các địa điểm này vì lý do an toàn lẫn mỹ quan thường không mở cửa đón khách, ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu. Mô hình tham quan mà Chùa Cầu đang triển khai có thể được nhân rộng, học hỏi, như một hoạt động du lịch mới mẻ.
Dự kiến Chùa Cầu sẽ hoàn tất việc trùng tu vào cuối năm 2023. Kể từ lần cuối vào năm 1996, Chùa Cầu mới trải qua một đợt tu bổ. Cơ hội để du khách thấy được tường tận kết cấu, những điều "ẩn khuất" với một di sản kiến trúc không phải lúc nào cũng có.
Dĩ nhiên, không phải công trình đang trùng tu nào cũng đủ tiêu chuẩn để mở cửa đón du khách tham quan. Người làm du lịch ở các di tích đang trùng tu phải cẩn trọng, du khách cần được hướng dẫn vì sự an toàn của mình lẫn di tích, nên có người thuyết minh để du khách hiểu hơn công việc trùng tu, bảo vệ di sản và có sự lắng nghe, phản hồi (tốt nhất là trực tiếp) nếu du khách có những thắc mắc về cách thức trùng tu.
Tags