Ngày 25và 26/7/2024, Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện chi phối toàn bộ sự quan tâm, cũng như cảm xúc của chúng ta, trong hai ngày tới và dài hơn thế.
Và cũng trong những ngày này, khi nói về Tổng Bí thư, chúng ta cũng thường xuyên được đọc lại những chỉ đạo, phát biểu và chia sẻ của Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khi nói về một lĩnh vực có nội hàm rất lớn: văn hóa - và văn hóa Việt Nam.
Nhìn theo dòng chảy lịch sử, những vấn đề về văn hóa đã được đặt ra rất sớm, gần như gắn liền với sự ra đời của một nước Việt Nam hiện đại. Đơn cử, một cột mốc vẫn thường xuyên được nhớ tới là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào tháng 11/1946, với luận điểm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của Hồ Chủ tịch.
Như phân tích từ các chuyên gia, luận điểm ấy "đề cao ý nghĩa cách mạng của văn hóa trong việc cải biến xã hội, đánh thức tiềm năng và khát vọng vươn tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong nhân dân, để ánh sáng của trí tuệ, của tình yêu thương, các giá trị nhân bản sâu sắc trong nhân dân được phát huy cao độ".
Và thực tế cho thấy, luận điểm ấy đã được quán triệt trong các quan điểm, đường lối văn hóa của chúng ta trong suốt những năm sau đó - để rồi những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam đã tiếp tục được bồi đắp nội lực, xây dựng và phát huy sáng tạo trong một dòng chảy lịch sử dài.
Để rồi, kế thừa, bổ sung và phát triển luận điểm này, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã yêu cầu tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Và tại mốc son Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn".
Với vai trò "soi đường cho quốc dân đi", văn hóa đúng nghĩa là những giá trị tinh túy nhất được chưng cất trở thành những giá trị cao đẹp, đặc sắc nhất, nhân văn và tiến bộ nhất. Người có văn hóa là người có đời sống tâm hồn phong phú, không phải chỉ có ăn ngon, mặc đẹp mà phải được sống trong tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng... Ngược lại, những thói hư, tật xấu, sự bỉ ổi chính là vô văn hóa, sự đớn hèn, vị kỷ, lòng tham, sự vô cảm trước cuộc sống, trước đồng loại chính là sự phi văn hóa, phản văn hóa.
Tổng Bí thư nhắc lại, lịch sử cho thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng chính là phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, cần phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của mỗi người Việt Nam, của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ nhằm tạo ra những nguồn lực nội sinh cho phát triển đất nước lâu dài; xây dựng con người Việt Nam với những chuẩn mực đạo đức của thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế...
***
Như phân tích của PGS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, những tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và truyền thống đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và, bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc đã nêu lên nhiều thông điệp và thực sự truyền cảm hứng để đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa nước nhà.
Ở đó, tinh thần "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi", hay "Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn" đã thể hiện sâu sắc nhất mong muốn của Tổng Bí thư về vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước của văn hóa, cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn những giá trị của văn hóa dân tộc.
Và như thế, trong những ngày này, chúng ta nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ ở cương vị Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là nhớ về một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mang tính dẫn dắt và định hướng cho lĩnh vực văn hóa.
Tags