Một thông tin đáng chú ý: Vài ngày trước, lãnh đạo UBND TP Hà Nội vừa thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đó là các cây cầu Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo và đặc biệt là Tứ Liên, cây cầu sẽ vắt qua vùng bãi giữa sông Hồng.
Khá thú vị, cũng chỉ 2 tuần trước, tại lễ trao giải cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại Khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng", cây cầu Tứ Liên này cũng đã xuất hiện trong cả 3 phương án đoạt giải, như một điểm nhấn mang tính biểu tượng.
Nhìn lại, ý tưởng về cây cầu Tứ Liên, nối từ quận Tây Hồ sang Đông Anh của Hà Nội, đã được nhắc tới từ khá nhiều năm trước.
Gần nhất, năm 2020, các cơ quan chức năng của thành phố cũng đã công bố phương án thiết kế được tuyển chọn của cầu Tứ Liên, với hình dáng chắc khỏe và bắt mắt của một cây cầu dây văng kết hợp dây xoắn, 2 hệ trụ cầu vươn cao và được tạo hình. Có nghĩa, ngoài tính chất mở ra một trục giao thông mới cho Hà Nội, đây còn là một công trình hiện đại, mang tính biểu tượng cho thành phố trong kỷ nguyên mới.
Và từ đó, cũng không có gì lạ khi nhiều phương án quy hoạch khu bãi giữa sông Hồng vừa qua đều đưa ra sự gắn kết với cây cầu này. Cụ thể, các đề xuất về kiến trúc, hạ tầng, công năng... đều được chú ý để có sự ăn nhập và hài hòa với vị trí dự kiến của cầu Tứ Liên, đồng thời khai thác các điểm nhìn hợp lý, để du khách mở rộng cơ hội được chiêm ngưỡng cầu một cách trọn vẹn.
Thêm nữa, như một sự bổ sung cần thiết, có những phương án đưa ra cả những cây cầu nhỏ và hướng kết nối khác để tạo thêm sự liên kết cho cả không gian rộng lớn của khu vực này.
Chẳng hạn, các phương án"Công viên Rồng bên bờ sông Hồng" giành giải Ba và phương án "Công viên Quai vạc xanh" giành giải Nhì tại cuộc thi vừa qua (không có giải Nhất) đều sử dụng các cầu đi bộ trên cao chạy dọc theo bãi giữa để gắn kết các điểm đến, đồng thời kết nối bãi giữa với phần bờ Tây. Trong đó, nếu phương án đầu tiên chọn màu đỏ cho hệ cầu cạn, với kết cấu gợi mở liên tưởng về hình ảnh một con rồng trong văn hóa phương Đông thì phương án thứ hai lại thiết lập một cây cầu đi bộ uốn lượn dài tới gần 6km, trong đó trọng tâm là đường tròn trung tâm cao 3 tầng, mở ra các chức năng khác nhau để kết nối đô thị với thiên nhiên, cây xanh với con người...
Ở một góc độ khác, cầu Tứ Liên vẫn được coi là "mảnh ghép" quan trọng để nối liền trục Hồ Tây - Cổ Loa, một trục không gian đậm tính văn hóa lịch sử của Hà Nội. Tương ứng với tính chất đó, hầu hết các phương án quy hoạch bãi giữa (và bãi ven) sông Hồng đều ưu tiên cảnh quan tự nhiên và hệ thống sinh thái tại khu vực này, với rất nhiều ý tưởng về việc hạn chế "can thiệp" vào thiên nhiên, tổ chức các công viên hệ thực vật phù sa, trồng lại rừng hay các loại hoa theo mùa, bảo tồn cảnh quan ngập nước, bố trí các hoạt động khám phá sinh thái hoặc du lịch nông nghiệp...
***
Cần nhắc lại, từ gần chục năm qua,"khoảng trắng" dài hơn 7 km giữa cầu Nhật Tân và cây cầu Chương Dương đã hạn chế rất nhiều tới sự phát triển và kết nối giữa đôi bờ sông Hồng trong Hà Nội. Cùng với đó, dải bãi giữa sông Hồng chạy dọc không gian này cũng vẫn chưa được khai thác đúng mức, dù nằm liền kề ngay phần trung tâm văn hóa - lịch sử của thành phố.
Còn bây giờ, khi đã được xác định đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, rõ ràng hơn bao giờ hết, việc xây dựng cầu Tứ Liên đang có cơ hội rất lớn để sớm trở thành hiện thực. Và cùng với đó, dù đang là ý tưởng, rất nhiều tiềm năng đã mở ra với bãi giữa sông Hồng - để rồi không gian ấy sẽ "đồng hành"cùng cầu Tứ Liên và giúp Hà Nội sớm "ôm trọn" một không gian sinh thái - văn hóa đặc sắc cho cả cộng đồng.
Sẽ còn một chặng đường dài cho quần thể ấy, nhưng vẫn là điều đáng mừng - khi người dân thành phố đã chờ đợi quá lâu.
Tags