Góc nhìn 365: Từ góc phố Hàng Khay

Thứ Ba, 13/09/2022 18:30 GMT+7

Google News

Câu chuyện về “show ban công” của ca sĩ Tuấn Hưng đã thu hút sự quan tâm của dư luận suốt tuần qua, cho tới khi chính quyền địa phương có thông báo chính thức về vụ việc.

Tuấn Hưng: 'Quốc có Quốc pháp - Gia có gia quy'

Tuấn Hưng: 'Quốc có Quốc pháp - Gia có gia quy'

Sau khi UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt Tuấn Hưng 12,5 triệu đồng vì tổ chức live show tại ban công nhà riêng nhưng không xin phép, nam ca sĩ đã nghiêm chỉnh chấp hành.

Vắn tắt, dù hoan nghênh việc biểu diễn miễn phí phục vụ cộng đồng, Tuấn Hưng vẫn bị chính quyền xử phạt hành chính vì vi phạm các quy định hiện có trong lĩnh vực biểu diễn. Trước đó, ca sĩ này đã có một số lần biểu diễn tự phát tại ban công nhà riêng trên phố Hàng Khay (Hà Nội) - vốn là một phần của không gian đi bộ quanh Hồ Gươm vào Cuối tuần - và thu hút khá đông người xem…

Câu chuyện có thể khép lại tại đây, nhưng hãy nói sang một thực tế khác: Dù Tuấn Hưng có xin phép để tiếp tục “show ban công” trong tương lai hay không, đoạn phố Hàng Khay hiện tại cũng đang rất cần những hoạt động văn hóa để thu hút khán giả vào dịp cuối tuần. Đơn giản, trong tổng thể tại không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, đây chính là nơi... kém hấp dẫn và ít thu hút du khách nhất.

Chú thích ảnh
 Ca sĩ Tuấn Hưng tổ chức show tại ban công nhà riêng

Chỉ dài hơn 100 mét, con phố này có không gian tiếp xúc với mặt Hồ Gươm ở mức thấp nhất, và cũng không sở hữu một điểm nhấn kiến trúc - văn hóa nào quá đặc sắc về tổng thể. Để so sánh, phía Đông Hồ Gươm là một loạt các kiến trúc và không gian văn hóa như nhà Bưu Điện, phố sách Đinh Lễ, vườn hoa Lý Thái Tổ; phía Bắc là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nối thông sang khu phố cổ của khách du lịch, còn phần phía Tây tuy có không gian hẹp nhưng lại trải dài hơn 600 mét, với cây xanh và các điểm nghỉ suốt dọc hồ.

Bởi thế, không có gì lạ khi hầu hết các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại phố đi bộ Hồ Gươm vào dịp cuối tuần luôn bị hút về các phần phía Đông và phía Bắc của không gian này. Để rồi, sau khi đi hết các khu vực ấy, du khách thường tản bộ, thư giãn dọc theo bờ Tây và ít khi dừng lại ở đoạn phố ngắn Hàng Khay nếu có rẽ vào. Và cũng do vậy, vài năm qua, khu vực này thường trở thành nơi chỉ để cho trẻ em thuê những chiếc ô tô điện mini và chơi đùa trên mặt phố.

***

Ít người biết, vào thế kỷ trước, phố Hàng Khay đã từng được coi là không gian mang tính biểu trưng của Hồ Gươm, khi người Pháp cho xây tại đây một dãy ki-ốt bán hoa tươi hàng ngày, kèm theo một đài phun nước nhỏ. Thậm chí, sau ngày giải phóng Thủ đô, những ki-ốt này vẫn được sử dụng làm nơi bán hàng hoa của hợp tác xã Ngọc Hà, cho tới khi bị phá bỏ vào thập niên 1980.

Để rồi những năm gần đây, việc thiết lập lại những điểm nhấn đặc biệt cho không gian này cũng được tính đến. Điển hình, vào năm 2010, phố Hàng Khay phần bên phía Hồ Gươm được chọn là nơi đặt chiếc đồng hồ Thụy Sĩ - do thành phố Bern tặng cho Hà Nội nhân dịp Đại lễ ngàn năm. Tuy nhiên, sau một thời gian, chiếc đồng hồ này lại được di dời vì không phù hợp. Tiếp đó, khu vực này cũng từng được đề xuất chọn là nơi đặt cột mốc số 0 của Hà Nội, nhưng điều này cũng chưa xảy ra.

Như chia sẻ của các chuyên gia, hướng phát triển văn hóa khả thi nhất của phố Hàng Khay là việc kết nối với phố Tràng Tiền - vốn cũng đã được quận Hoàn Kiếm quy hoạch là phố đi bộ trong tương lai. Trục không gian này dự kiến sẽ được phát triển theo hướng dành chỗ cho các hoạt động thương mại, biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Và nếu được triển khai quy hoạch này sớm, có lẽ “show ban công” của Tuấn Hưng lại được mong chờ - khi mà phía địa phương khẳng định: Trong trường hợp ca sĩ làm đầy đủ các thủ tục cần thiết để được phép biểu diễn, các cơ quan chức năng sẵn sàng có phương án hỗ trợ, đảm bảo an ninh trật tự để những buổi diễn miễn phí như vậy trở thành một nét đẹp của không gian đi bộ Hồ Gươm.

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›