Hôm nay 21/4, chúng ta đang đón Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất như một cột mốc mới của hành trình phát triển văn hóa đọc.
8 năm trước, năm 2014, ngày đặc biệt này từng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để trở thành Ngày Sách Việt Nam trong bối cảnh xã hội đang phát triển và rất cần khuyến khích cộng đồng đọc sách cũng như tôn vinh giá trị của hình thức tiếp cận tri thức ấy.
Thực tế, kể từ đó, Ngày Sách Việt Nam 21/4 đã cho thấy những hiệu ứng tích cực với cộng đồng - mà điều dễ nhận thấy nhất là sự phát triển của những hội chợ sách, đường sách, phố sách hay những phong trào đọc sách khác nhau.
Còn bây giờ, với việc bổ sung thêm 3 chữ “văn hóa đọc”, rõ ràng câu chuyện đã được nâng lên ở một tầm mức mới, khi mà trong vài năm qua, khái niệm này đã được đưa vào Luật Thư viện, Luật Xuất bản sửa đổi và thật sự được toàn xã hội quan tâm.
Thẳng thắn, các chỉ số hiện có về văn hóa đọc của chúng ta vẫn không phải là tích cực - khi mà thống kê gần nhất năm 2019 cho thấy: Ngoại trừ sách giáo khoa, mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc khoảng 1,4 cuốn sách/năm. Tương tự, doanh thu bán sách của Việt Nam chỉ đạt khoảng 2 USD/người/năm, trong khi con số đó ở Thái Lan cao gấp 5 lần, dù quốc gia này có dân số chỉ bằng già nửa chúng ta.
Như nhiều phân tích, tạm bỏ qua những yếu tố về lịch sử, văn hóa đọc tại Việt Nam cũng gặp phải vấn đề chung như nhiều quốc gia trên thế giới: Sự cạnh tranh từ các phương tiện giải trí, nghe nhìn trong thời buổi công nghệ phát triển. Thậm chí, trong một chừng mực, đó còn là sự cạnh tranh giữa những dòng sách mang giá trị cung cấp kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn với những dòng sách đơn thuần giải trí và ít nhiều dễ dãi, hời hợt về nội dung.
Và để phát triển, vun đắp văn hóa đọc theo đúng nghĩa, rõ ràng câu chuyện không thể chỉ là viết sách, in sách hay... mua bán sách. Chắc chắn đó phải là một hành trình rất dài, cần nhiều thời gian, nhiều hành động của tất cả các thành phần tạo nên văn hóa đọc, trong đó có Nhà nước, giới xuất bản, tác giả và cộng đồng - những độc giả tiềm năng.
Bất cứ ai trong số chúng ta đều không xa lạ với khái niệm “khuyến học” trong giai đoạn kinh tế tri thức đang được chú trọng nhiều năm nay. Ở mức độ thấp hơn, cụm từ “khuyến đọc” cũng bắt đầu được sử dụng rộng rãi mỗi khi nhắc tới các khía cạnh khác nhau của văn hóa đọc.
Từng có những ý kiến từ giới chuyên gia, rằng Việt Nam đã tới lúc cần thành lập một Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc, với các chính sách “khuyến đọc” đặc thù như Nhật Bản và Hàn Quốc từng làm.
Đó là một ý tưởng tích cực. Nhưng rõ ràng, trong lúc chờ những đạo luật “khuyến đọc” trở thành hiện thực, chúng ta cũng không thể thụ động và đặt tất cả trách nhiệm lên phía Nhà nước.
- Nhiều hoạt động hấp dẫn trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất
- Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022: Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc
- Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 có chủ đề 'Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc'
Trào lưu “khuyến đọc” ấy có thể - và cần phải - được khởi nguồn từ ngay từ mỗi gia đình, khi mà nhiều phân tích chỉ rõ: Trong độ tuổi còn nhỏ, gia đình là thành tố quan trọng nhất giúp trẻ xây dựng tình yêu sách, trước khi kể tới vai trò của nhà trường, câu lạc bộ, hội nhóm đọc sách... ở những giai đoạn phát triển tiếp sau.
Cũng giống như, ở mức giản đơn, việc phát triển văn hóa đọc hoàn toàn có thể bắt đầu từ những yếu tố cơ bản: Môi trường có đủ sự gợi ý, tần suất lặp đi lặp lại, và cuối cùng là phần thưởng để khích lệ.
Khuyến đọc phải bắt đầu từ sự kiên trì ấy, trước khi chúng ta muốn hái quả ngọt ở tương lai. Bởi, khi con người không được chỉ dẫn để thấy những thế giới tốt đẹp hơn, họ sẽ dễ bám vào những lựa chọn đơn giản nhất, gần với bản năng nhất và được hưởng thụ theo cách lười biếng nhất - mà việc một bộ phận giới trẻ từng chúi mũi vào những cuốn sách theo kiểu ngôn tình là ví dụ.
Cúc Đường
Tags