(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang chuẩn bị đón ngày Hội sách trực tuyến Quốc gia lần thứ 2. Cụ thể, sự kiện đặc biệt này sẽ khai mạc vào 17/4 và diễn ra suốt một tháng sau đó tại địa chỉ Book365.vn.
Nói đặc biệt, bởi dù từng diễn ra một lần vào năm 2020, hội sách trực tuyến này vẫn khác rất nhiều so với hàng trăm hội sách truyền thống vẫn diễn ra trên khắp Việt Nam trong những năm qua. Và, chỉ hơn một năm trước, hẳn rất nhiều người cũng không nghĩ tới việc sẽ có ngày chúng ta tổ chức một hội sách dài tới cả tháng và kết nối mọi độc giả, mọi đơn vị xuất bản trên cả nước qua mạng internet.
Thẳng thắn, sự ra đời của Hội sách trực tuyến Quốc gia vào năm ngoái ít nhiều gắn với những diễn biến của dịch Covid-19, trong bối cảnh phải hạn chế tụ tập đông người. Nhưng, nếu nhìn xa hơn, những tiền đề để nó ra đời đã hình thành từ tầm hai chục năm trước, khi internet phát triển tại Việt Nam và thúc đẩy giao dịch trực tuyến bùng nổ.
Nếu quan tâm tới đời sống xuất bản, chúng ta sẽ thấy: từ rất lâu trước hội sách trực tuyến năm ngoài, hầu hết các đơn vị xuất bản đều đã tiến hành mua bán, giao dịch sản phẩm qua các sàn thương mai hay hệ thống website hoặc fanpage của mình. Để rồi, đều đặn nhiều lần trong năm, tại những địa chỉ này, người ta có thể bắt gặp tất cả các hoạt động kích cầu, quảng bá vốn thường có ở những hội sách truyền thống. Đó là các chương trình mua sách đồng giá 1.000 đồng, giảm giá sâu theo ngày, mua sách kèm phiếu quà tặng, miễn phí vận chuyển sách theo những giờ nhất định.... Thậm chí, nhiều buổi livestream giới thiệu sách hoặc giao lưu với tác giả cũng được đưa lên để độc giả theo dõi.
Còn bây giờ, khi mà dịch Covid-19 được khống chế về cơ bản, việc tổ chức Hội sách trực tuyến Quốc gia trong năm nay chính là lời khẳng định cho xu thế này, với sự mở rộng về quy mô, công nghệ hỗ trợ, tiện ích hay những sự kiện tương tác. Và cũng rất chính đáng, nếu chúng ta hi vọng những hội chợ thế này sẽ được tổ chức thường xuyên, thay vì mỗi năm một lần vào thời điểm quanh Ngày Sách Việt Nam (21/4).
***
Nhưng, cũng phải nói rõ, dù diễn ra trên mạng internet, nhưng phần lớn xuất bản phẩm tại Hội sách trực tuyến Quốc gia – cũng như tại trang web, fanpage của các đơn vị xuất bản – vẫn là sách truyền thống. Số lượng ebook (sách điện tử) tại đây chiếm một tỷ lệ khá hạn chế so với quy mô của sự kiện. Và chắc chắn, đó là một điều đáng tiếc, bởi ebook luôn có khả năng phát huy thế mạnh trong những sự kiện như thế này.
Cần nhắc lại, khi xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều năm trước người ta từng kỳ vọng loại hình này sẽ là bước đột phá để có thể đem tri thức tới bạn đọc một cách nhanh, nhiều và rẻ nhất – khi mà so với nó, quy trình làm sách giấy kéo dài hơn cả tháng trời với hàng loạt công đoạn khác nhau, chưa kể riêng phí in ấn đã chiếm 40-50% giá thành của một cuốn sách.
- Hội sách trực tuyến quốc gia thêm hàng ngàn đầu sách mới trước ngày kết thúc
- Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 kéo dài thời gian tổ chức
Thực tế, ebook tại Việt Nam hiện cũng đang nở rộ, dưới đủ mọi định dạng và hình thức. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó hoặc là những “tác phẩm” được tự sáng tác, tự công bố của một số cá nhân, hoặc là những bản ebook được “chế” trái phép từ sách giấy của các đơn vị xuất bản và tự lưu hành trên mạng. Như lời những người trong cuộc, với sự vi phạm bản quyền rất nghiêm trọng, những bản ebook lậu không chỉ “tiêu diệt” sách giấy mà còn chôn vùi dự định kinh doanh ebook của rất nhiều đơn vị.
Không có gì lạ, khi nhiều đơn vị xuất bản từng hào hứng nhưng rồi vỡ mộng, hoặc rất rụt rè trong việc triển khai hệ thống ebook của mình. Và, câu chuyện vẫn lại quay về vấn đề muôn thủa quanh hành lang pháp lý, cũng như những chế tài xử phạt đủ mạnh để dẹp bỏ nạn xâm phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm như hiện tại.
Ebook sẽ là một phần quan trọng của văn hóa đọc trong tương lai. Đón bắt xu thế ấy một cách nhanh hay chậm, đó là cách chúng ta tự lựa chọn.
Trí Uẩn
Tags