Gần một tháng qua, thông tin về việc các cơ quan chức năng đang nghiên cứu việc mở một phần hàng rào tại công viên Thủ Lệ (Hà Nội) đang liên tục xuất hiện trên mặt báo, cũng như mạng xã hội.
Cụ thể, theo gợi ý của lãnh đạo thành phố, khu vực hàng rào dự kiến được mở thông thuộc tuyến đường Cầu Giấy, giáp với phần ga metro S8 của tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sắp vận hành.
Có nghĩa, nếu được thông qua, không gian tại công viên lâu đời này sẽ được "giải phóng" một phần khỏi hệ thống tường rào bao bọc, như trường hợp của công viên Thống Nhất vào cuối năm 2022.
Xây dựng từ năm 1975, công viên Thủ Lệ thuộc loại hình công viên chuyên đề, với gần 600 động vật đang được nuôi. Với tính chất ấy, không có gì lạ khi không gian này có hệ thống hàng rào bao quanh vừa để giữ an ninh, vừa tạo điều kiện cho việc kiểm soát khách ra vào.
Dù vậy, với diện tích gần 19 ha (trong đó có gần 9 ha mặt nước) và hệ thống cây xanh, công viên Thủ Lệ đồng thời cũng là một "lá phổi" đặc biệt của Hà Nội, trong bối cảnh thành phố đang thiếu nghiêm trọng những không gian dành cho cộng đồng. Nói cách khác, nếu được khai thác hợp lý, nơi đây rõ ràng có thể phục vụ một lượng lớn người dân thành phố, với điều kiện tự nhiên và bề dày lịch sử từng có.
Nhìn từ góc độ ấy, ý tưởng phá bỏ một phần hàng rào của công viên Thủ Lệ là cần thiết để tạo thêm sự thuận lợi, thân thiện cho khả năng tiếp cận từ người dân. Đặc biệt, khi khu vực dự kiến "mở rào" chính là nơi liền kề nhà ga metro S8, có thể thấy trong tương lai, thay vì dùng phương tiện cá nhân, một lượng lớn du khách sẽ sử dụng loại phương tiện công cộng này để tới công viên một cách dễ dàng.
***
Cũng cần nhắc lại, ý tưởng "phá rào" tại công viên Thủ Lệ gắn với chủ trương của thành phố Hà Nội về việc cải tạo 3 công viên Thủ Lệ, Bách Thảo và Thống Nhất trong thời gian sắp tới. Đây là ý tưởng được cộng đồng và nhiều chuyên gia tán thành - khi mà bên cạnh việc xây dựng những không gian công cộng mới, Hà Nội cũng đang rất cần tôn tạo và phát huy hết tiềm năng của những công viên từng là một phần lịch sử thành phố.
Thực tế, theo thời gian, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại công viên Thủ Lệ đã xuống cấp khá nghiêm trọng. Cộng thêm vào đó, nhiều chuồng thú trong không gian này được thiết kế và tổ chức vận hành theo tư duy cũ nên không còn tạo được sức hút với du khách như trước kia. Chắc chắn, để thay đổi những điều này, công viên sẽ cần một nguồn đầu tư lớn, cộng cùng những thay đổi trong tư duy điều hành, để nâng cấp chất lượng dịch vụ.
Đặt trong bối cảnh ấy, cũng đã có những băn khoăn chính đáng được nêu ra về vấn đề quản lý công viên Thủ Lệ sau khi phá bỏ một phần hàng rào. Rõ ràng, dù tạo điều kiện cho du khách dễ tiếp cận, thay đổi này cũng đặt thêm gánh nặng cho phía tổ chức về vấn đề giữ an ninh trật tự và đảm bảo vệ sinh cho cả quần thể.
Bởi thế, câu chuyện "mở rào" ở công viên Thủ Lệ cũng có nhiều điểm tương đồng với công viên Thống Nhất, hoặc một trường hợp cũng từng được gỡ bỏ hàng rào là công viên Cầu Giấy. Tại đó, việc chính quyền địa phường dùng ngân sách để vận hành, giữ an ninh trật tự sau khi "mở rào" chỉ nên xem là bước khởi đầu. Về lâu dài, đó phải là sự vận hành dựa trên các nguồn lực xã hội hóa - và đánh đổi bằng việc doanh nghiệp được đầu tư kinh doanh dịch vụ tại công viên, thậm chí là hưởng những nguồn lợi về mức thuế hoặc kinh doanh tại những khu vực khác được hoán đổi theo quy định.
Phá bỏ hàng rào là một giải pháp hợp lý ở các công viên trong bối cảnh hiện tại. Nhưng để tiến hành một cách lâu dài, bền vững, cách tiếp cận ấy cần được hoàn thiện bằng những giải pháp đồng bộ, trong sự đồng thuận và hưởng ứng từ cộng đồng.
Tags