(Thethaovanhoa.vn) - Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được trình lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Và trong dự thảo ấy, đề xuất đổi mới chính sách thu tiền rác thải sinh hoạt từ bình quân đầu người sang khối lượng (và thể tích) đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Như những gì được giải thích, thời điểm hiện tại, Nhà nước đang chi trả phần chính trong kinh phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt – trong khi người dân chỉ chịu phần nhỏ. Tuy nhiên, khi điều kiện sống tăng lên, cách thu cũ sẽ được điểu chỉnh, để người dân trả cả chi phí này. Đặc biệt, các hộ gia đình (hoặc cá nhân) càng xả nhiều rác thải sinh hoạt thì sẽ phải trả thêm tiền, thay cho cách “cào bằng” như đang có.
Chắc chắn, chẳng có gia đình nào tại Việt Nam không có thói quen đổ rác mỗi ngày. Chúng ta có thể quên bất cứ chuyện gì, nhưng rất khó để quên thao tác ấy trong thời gian vài ngày - chứ chưa nói đến vài tuần.
Và thực tế, thao tác đổ rác cũng không chiếm dụng nhiều thời gian của mỗi gia đình. Nhất là khi, theo thời gian, nó lại càng được “chuyên môn hóa” để trở nên dễ dàng và thuận tiện.
Điển hình, tại các đô thị lớn, nếu trước đây rác thải thường được gom tại các bãi rác chung của từng khu vực dân cư thì bây giờ, các điểm “tập kết” ấy đã lan tỏa mạnh hơn nhiều tới nhiều ngõ ngách, với hệ thống thùng rác được bố trí khá dày đặc. Chưa kể, tại nhiều chung cư, rác thải chỉ cần tống vào hệ thống đường ống được bố trí mỗi tầng. Rồi, những thùng rác của mỗi nhà cũng dần có xu hướng được thay bằng túi nylon nhẹ, để vứt luôn cùng rác thải và bớt đi công đoạn cọ rửa.
Ai cũng hiểu, đằng sau đó sẽ còn là một chuỗi những thao tác phức tạp khác, từ vận chuyển khỏi thành phố cho tới khâu phân loại và xử lý rác để chôn lấp, tiêu hủy. Nhưng công việc của những người dân bình thường chúng ta thì chỉ dừng ở đổ rác là xong.
Thực ra, sự “chuyên nghiệp” trong xử lý rác ấy cũng mới phát triển mạnh cùng với lịch sử đô thị hóa tại Việt Nam.
Như những gì được ghi lại, ở giai đoạn mô hình tổ chức xã hội theo các cụm làng xã nông nghiệp còn chiếm ưu thế, lượng rác thải hàng ngày của các gia đình nông dân là không nhiều - khi mà những mặt hàng mua ở chợ thường được gói bằng các loại lá khác nhau. Còn lại, nếu mua những mặt hàng phức tạp như dầu hỏa, nước mắm, mỗi cá nhân phải mang theo vật đựng của mình, thay cho việc được cung cấp các loại bịch đóng sẵn.
Tương ứng với cách tiếp cận ấy, lượng rác tại các gia đình nông dân cũng thường xuyên được tận dụng theo những tập quán riêng của mình. Ở đó, những gì phát sinh khi nấu ăn như nước gạo, vỏ khoai, cọng rau... sẽ được dùng cho nồi cám lợn, thức ăn hoặc cơm thừa còn lại được sử dụng cho vật nuôi, những gì thuộc về chất hữu cơ như lá khô, vải vụn, dây leo... được dùng để ủ phân xanh hoặc đun bếp...
Để rồi, trong những năm trở lại đây, lượng rác được xả ở các đô thị lớn mỗi lúc một nhiều hơn - và cũng phức tạp hơn. Đơn cử, thống kê của các cơ quan chức năng vào cuối năm 2019 cho biết: Chỉ riêng thành phố Hà Nội đã thải ra môi trường khoảng 4.000 - 5.000 tấn rác mỗi ngày từ các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh hay sản xuất. Và trong lượng rác ấy, không khó để tìm thấy những loại vật liệu khó phân hủy và có hại nghiêm trọng với môi trường, điển hình là nhựa, chất dẻo hoặc nylon...
Cùng với những nhu cầu ngày càng thay đổi của cuộc sống hiện đại, rõ ràng sự “đơn giản” trong quá trình đổ rác đã được chuyên nghiệp hóa ấy cũng là một lý do khiến chúng ta... thoải mái xả rác ra môi trường.
Bởi thế, dù còn những tranh luận, không thể phủ nhận: Đề xuất mới về rác thải cũng là một cơ hội để chúng ta tự điều chỉnh hành vi của mình.
Đó không chỉ là câu chuyện hạn chế xả rác để tiết kiệm một phần kinh phí của mỗi cá nhân. Xa hơn, khi việc xử lý rác thải là một vấn đề lớn, đòi hỏi công sức, thời gian và tiền bạc của xã hội (chứ không đơn giản như nó đang diễn ra một cách... tất lẽ dĩ ngẫu mỗi ngày), mọi thứ cần bắt đầu từ sự chủ động của mỗi cá nhân về việc phân loại rác, hoặc tự hạn chế thói quen sử dụng nylon, nhựa tái chế...
Sơn Tùng
Tags