Do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức, một cuộc triển lãm độc đáo vừa khai mạc vào hôm qua 11/1 với tên gọi Thưởng - phạt: Chuyện xưa chưa cũ.
Vắn tắt, triển lãm gắn với nội dung của 80 châu bản (những văn bản hành chính) được hình thành trong quản lý nhà nước) xuất hiện trong vương triều Nguyễn (1802 - 1945). Mang chủ để về chuyện "thưởng - phạt", đây đều là những châu bản lần đầu tiên được công bố.
Và theo dõi triển lãm, chúng ta có thể nhận ra: Chuyện thưởng phạt của người xưa rất sinh động và thú vị với triết lý "người có công phấn khởi mà người có tội biết răn chừa" như lời vua Minh Mạng.
Chẳng hạn, để đảm bảo công minh, việc thưởng phạt các quan chức thời Nguyễn được xây dựng trên những nguyên tắc nghiêm ngặt: Chuyện "ra quyết định" khen thưởng hay xử phạt của triều đình dựa vào kết quả thi hành nhiệm vụ; Việc thăng, giáng, lưu… các chức quan sẽ phụ thuộc những lần thực hiện khảo khóa (đánh giá quan lại); Việc hạn chế lạm quyền của quan lại thì sẽ có Đô sát viện để giám sát riêng.
Đặc biệt, đối với tội tham nhũng, các hoàng đế triều Nguyễn luôn chủ trương trừng trị rất nặng. Điển hình, Châu bản ngày 12/3 năm Minh Mạng 19 (1838) ghi lại việc xử phạt viên quan Trần Văn Quang đem… 15 tấm liếp trúc về làm của tư, với chỉ dụ: "Loại đó tuy đã mối mọt nhưng vẫn là của công, há được dùng riêng? Truyền phạt 50 roi để răn".
Nhưng cũng ở không ít trường hợp, các vua Nguyễn và quan xét án lại cho thấy sự cân nhắc về việc phạt đúng tội nhưng vẫn mở ra con đường sống hoặc chuộc lỗi cho những người già cả hoặc có công lao.
Chẳng hạn, Châu bản ngày 7/12 năm Minh Mạng 14 (1833) ghi lại việc phóng thích một viên quan can án đã ở độ tuổi ngoài 70 với chỉ dụ: "Tình cảnh cũng đáng được xem xét lượng thứ". Rồi, ngày 8/10 năm Thiệu Trị 4 (1844), có viên Bố Chánh sứ Tuyên Quang mắc tội bị giáng một cấp nhưng được vua gia ân, tạm cho lưu nhậm để chuộc tội với chỉ dụ:"Nếu hết hạn vẫn không có công trạng gì thì tội càng thêm nặng, lại nghiêm trị không tha".
Trong khi đó, việc xét thưởng của vương triều Nguyễn cũng được thực hiện trên nhiều phương diện. Ngoài các quan lại, người dân cũng được ban thưởng nếu đạt các tiêu chuẩn về phẩm giá như trung, trinh, hiếu, tiết, nghĩa. Những phần thưởng cho người dân có thể là mũ áo, tiền bạc, vật dụng hoặc đôi khi chỉ là những món quà nhỏ như hoa quả, nhưng vật phẩm của triều đình luôn được ban với nghi thức rất long trọng.
Dù vậy, việc xét thưởng này cũng luôn được cân nhắc để tránh tùy tiện. Điển hình, vào ngày 8/7/1834, Châu bản cho thấy vua Minh Mạng trách một số quan ở Hưng Hóa: "Việc liên quan ban thưởng quân công mà tâu báo mơ hồ như vậy sao có thể tin, truyền chỉ khiển trách". Rồi, ngày 13/4 năm Tự Đức 36 (1883), Thành thủ úy Lê Trọng bắt chém được 3 tên trộm cướp trên sông, nhưng vua truyền chỉ dụ rằng đó "là phận sự, không cần xét thưởng, tránh tràn lan".
***
Tất nhiên, những Châu bản tại triển lãm chưa thể mang lại những đánh giá toàn diện về hệ thống - cũng như hiệu quả trên thực tế - của chuyện thưởng, phạt trong một giai đoạn lịch sử dưới thời quân chủ. Nhưng, đó cũng là điểm sáng lớn về tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật, cách trọng dụng người tài, tư tưởng nhân văn khi xét án hay việc đề cao chuẩn mực trung hiếu, tiết, nghĩa… từ tiền nhân.
Và như chia sẻ từ phía tổ chức - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - việc ngược dòng lịch sử để tìm hiểu những bài học về việc dùng người, về thuật trị quốc… đều là những câu chuyện mang tính thời sự, trong bối cảnh chương trình kỳ họp Quốc hội khóa XV từng bàn về vấn đề trọng dụng nhân tài và thưởng, phạt nghiêm minh, coi đây là thuật dùng người và cũng là quy luật trị quốc muôn đời.
Chắc chắn, những bài học ấy cũng góp phần để củng cố một tất yếu lịch sử: Theo thời gian, vai trò của vương triều Nguyễn cũng bắt đầu được giới nghiên cứu và cộng đồng nhìn nhận, đánh giá lại với sự bao dung, đa chiều hơn trước.
Tags