Dưới sự dẫn dắt của Luis de la Fuente, Tây Ban Nha đã trở thành một đội bóng hoàn toàn khác biệt, và điều này dựa trên một hàng tiền vệ chơi rất khác phong cách thường thấy của nền bóng đá này.
1. Những người đã từng thống trị bóng đá quốc tế 15 năm trước với sự cam kết mạnh mẽ vào lối chơi chậm rãi, cầm bóng và kiên nhẫn mở ra các khoảng trống, giờ đây đã thay đổi, dù không hoàn toàn phá bỏ bản sắc cốt lõi. Đây vẫn là một đội bóng chơi 4-3-3, sử dụng hàng thủ dâng cao, có trung vệ giỏi cầm bóng, tiến lên phía trước và một tiền vệ phòng ngự vững chắc biết điều tiết ở giữa sân.
Tuy nhiên, họ đã thêm vào các điểm mạnh cố hữu này một tinh thần hoàn toàn mới: Quyết tâm đưa bóng lên nhanh hơn, tấn công với chiều rộng đội hình thực sự, sử dụng một tiền đạo mục tiêu (target man) để tận dụng các pha bóng bổng hiệu quả hơn.
Các tiền đạo của Tây Ban Nha đã nhận được những lời khen ngợi vang dội trong vòng bảng. Nhưng chiến thắng 2-1 sau hiệp phụ trước Đức ở tứ kết, cuộc chạm trán giữa hai đội mạnh nhất giải đấu, nằm hoàn toàn ở giữa sân.
Pedri là điểm sáng của hệ thống này, với vai trò một số 8 cơ động trong hệ thống 4-3-3 của TBN. Trong đội hình TBN đã vô địch World Cup 2010 và EURO 2012, những cầu thủ giữ vai trò tương đương là Xavi và Xabi Alonso. Chi tiết hơn, Xavi chơi dâng cao hơn còn Alonso lùi sâu phòng ngự, nhưng họ sẽ không làm điều Pedri hay làm: Dâng lên sát rìa vòng cấm và đe dọa đối phương bằng những cú sút xa.
Đáng tiếc là Pedri đã phải rời sân sau khi va chạm với Toni Kroos. Nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến sức mạnh của Tây Ban Nha. Người thay thế anh là Dani Olmo, cầu thủ đã chơi xuất sắc trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng, thắng Albania 1-0. Xét về màn trình diễn đó và tính linh hoạt của Olmo, anh có lẽ là lựa chọn dự phòng đầu tiên của Tây Ban Nha nếu Morata hoặc bất kỳ cầu thủ cánh nào bị chấn thương. Nhưng khi Olmo vào sân với vai trò số 8 linh hoạt, Tây Ban Nha càng trở nên mạnh mẽ hơn.
2. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của các tiền vệ chơi theo phong cách như thế nói lên một thay đổi cốt lõi của đội TBN hiện tại: Họ đã không còn quá chú tâm vào lối chơi định hướng vị trí được xây dựng trước đây nữa.
Trong đội hình TBN vô địch World Cup 2010 và EURO 2012, Xavi và Xabi Alonso thường đóng vai trò điều tiết nhịp độ, chống phản công và giữ bóng là chính, để có thể mở ra các khoảng trống mới. Họ chính là những ngọn hải đăng ở giữa sân, để đội TBN có thể chơi đúng vị trí và đạt được trạng thái tối ưu về cự ly đội hình cũng như nhịp độ trên sân.
Tây Ban Nha hiện tại không cần chỉn chu như vậy, và nguyên nhân là sự thay đổi phong cách ở hàng tiền vệ: Không ưu tiên cầm bóng, đập nhả và luân chuyển liên tục để tạo ra các khoảng trống. Các tiền vệ của TBN ưu tiên mở bóng ra hai biên rất nhanh, chơi trực diện và sẵn sàng "nhập thành" để tự mình dứt điểm, giải quyết trận đấu.
3. Hãy nhớ lại rằng dưới thời HLV Luis Enrique, lối chơi truyền thống đã được đẩy lên mức cực đoan như thế nào: TBN không bao giờ vội vàng đưa bóng lên phía trước, rất ít tấn công chiều sâu nếu chưa tạo ra khoảng trống, và cách chơi này thực sự đã gặp bế tắc trước những đối thủ chủ động đổ bê tông, giống như cuộc chạm trán Ma-rốc ở World Cup 2022.
Ấn tượng về sự cực đoan ấy và những thành công trong quá khứ với lối chơi này của đội TBN lớn đến nỗi người ta nghĩ rằng đây là cách chơi duy nhất phù hợp với TBN, cho đến khi ông De la Fuente đến và tiếp cận đội bóng với một triết lý hoàn toàn khác.
Sự thay đổi và thành công này cho thấy rằng ở cấp độ đội tuyển, triết lý là một câu chuyện rất linh hoạt. Đến TBN còn thay đổi và thành công một cách chóng vánh, với một HLV mà lý lịch chẳng có gì trước đó, thì triết lý thi đấu chỉ là một cái gì đó rất mong manh ở cấp độ đội tuyển?
Phạm An
Tags