Góc nhìn chuyên gia: Maroc, chiến thắng từ bên kia eo biển

Thứ Năm, 08/12/2022 16:16 GMT+7

Google News

Ceuta và Melilla là hai thành phố cảng thuộc bờ biển phía Bắc châu Phi, hiện là một phần của Tây Ban Nha, nhưng bị Maroc bao quanh. Melilla bị quân đội chiếm đóng vào năm 1497, còn Ceuta lọt vào tay người Bồ Đào Nha, trước khi nằm trong quyền kiểm soát của Tây Ban Nha vào năm 1640, thời điểm Liên minh bán đảo Iberia tan vỡ.

Giữa hai thế giới

Nửa đầu thế kỷ 20, Tây Ban Nha và Pháp cùng nhau cai trị một khu vực rộng lớn phía Tây Bắc châu Phi, bao gồm phần lớn Maroc ngày nay. Tuy nhiên, Ceuta và Melilla không được đưa vào danh sách "bảo hộ" này. Thay vào đó, chúng được coi là những thành phố thuộc lãnh thổ TBN. Khi Maroc giành được độc lập vào năm 1956, TBN vẫn sở hữu hai thành phố này, nơi đa phần dân số nói tiếng TBN. Luật pháp TBN coi chúng là các thành phố tự trị, tương tự các vùng Catalonia hoặc Andalusia.

Là khu vực duy nhất của Liên minh châu Âu nằm trên lục địa châu Phi khiến Ceuta và Melilla thành mục tiêu của bất kỳ ai từ châu Phi muốn xâm nhập vào châu Âu. Chính quyền TBN đã xây dựng các công sự xung quanh cả hai khu vực này, nổi tiếng nhất là hàng rào cao sáu mét ngăn cách Melilla với một trại tị nạn gần núi Gurugu.

Rất nhiều người đã chết xung quanh hàng rào này, kèm theo những cáo buộc vi phạm nhân quyền của quân đội hai phía. Tháng 6/2022, chính quyền TBN công bố một sự kiện bi thảm: 23 người đã chết khi cố gắng di cư vào EU thông qua Melilla. Các nhóm nhân quyền cho biết con số thực sự lên tới 37. Không ai thực sự biết chuyện gì đã xảy ra, vì chính phủ TBN và Maroc đều phản đối các cuộc điều tra độc lập.

Munir, thủ môn dự bị của đội tuyển Maroc, đã chứng kiến những sự kiện bi thảm, nhưng diễn ra như cơm bữa này. Khi còn là một thiếu niên, Munir đã chơi cho cả đội trẻ của Ceuta lẫn Melilla. Anh thậm chí còn bắt cho Ceuta khi đội U-18 của thành phố này chạm trán CLB trẻ quê hương Melilla, một trận derby mà các đội sẽ phải đi qua khoảng 400km lãnh thổ Maroc để gặp nhau.

Munir đã chơi cho đội một Melilla, rồi bắt ở giải hạng ba TBN từ 2010 – 2014, chạm trán các đối thủ đóng quân khắp vùng ven Địa Trung Hải thuộc Andalusia, bao gồm Cadiz, Murcia, đội B của Sevilla và Real Betis. Anh cũng từng chạm trán Levante trong khuôn khổ Cúp nhà Vua vào tháng 1/2012, trận đấu mà anh đã giữ sạch lưới, giúp đội nhà chiến thắng 1-0 tại Estadio Alvarez Claro, sân nhà có sức chứa chỉ tám ngàn người. Sau này, Munir chơi cho Malaga, và từng giành giải Zamora cho thủ môn xuất sắc nhất giải hạng Hai mùa 2019-2020.

Góc nhìn chuyên gia: Maroc, chiến thắng từ bên kia eo biển - Ảnh 1.

Achraf Hakimi sinh ra ở Madrid, nhưng đã lựa chọn Maroc

 "Tôi không thuộc về nơi đây"

Hakimi, người đá quả penalty loại Tây Ban Nha, sinh ra ở Madrid, đã chọn chơi bóng cho đội tuyển Maroc vì cha mẹ anh, những người Maroc nhập cư hợp pháp vào TBN nhiều năm trước. Anh được tuyển vào học viện trẻ của Real Madrid khi mới 7 tuổi, và bất chấp việc được vào sân Bernabeu miễn phí để xem các ngôi sao Raul, Sergio Ramos thi đấu, thần tượng của Hakimi lại là tuyển thủ chạy cánh người Maroc Abdelaziz Barrada.

Vào năm 2015, Hakimi từng ghi một hat-trick cho đội U18- Real Madrid vào lưới U-18 Barcelona. Anh cũng từng được gọi vào đội U-19 TBN, đóng quân tại trụ sở Liên đoàn bóng đá TBN tại Las Rozas, gần khu ngoại ô dành cho giới thượng lưu, nơi cha anh đang bán hàng ở một chợ cóc gần đó.

"Tôi đã ở Las Rozas vài ngày và thấy rằng đấy không phải nơi phù hợp với tôi, tôi không cảm thấy như ở nhà" – Hakimi nói với Marca. "Không có lý do đặc biệt, chỉ là những gì tôi cảm thấy. Đó không phải những gì đã trưởng thành cùng với tôi ở nhà, là văn hóa Ả-Rập, và của người Maroc".

Và Hakim đã không hề do dự khi liên đoàn bóng đá Maroc triệu tập. Anh chỉ mới 17 tuổi khi ra mắt đội tuyển quốc gia nước này trong trận gặp Canada tại Marrakech vào tháng 10/2016. Tại World Cup 2018, Hakimi chơi cả ba trận cho Maroc, bao gồm trận hòa 2-2 với đội tuyển TBN, nơi anh chạm trán các đàn anh cũ ở Real Madrid là Sergio Ramos và Daniel Carvajal.

Ở cấp CLB, anh cũng nhanh chóng cảm thấy rằng mình không thuộc về Real Madrid. Hakimi đã bị phân biệt chủng tộc vì cái tên và diện mạo của anh: "Ngay cả khi tôi có căn cước và hộ chiếu TBN, tôi vẫn bị phân biệt. Họ nhìn thấy khuôn mặt Maroc của bạn". Trước thềm World Cup, Hakim và vợ, một nữ diễn viên gốc Tunisia, đã xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Vogue tiếng Ả-Rập, một dấu hiệu cho thấy họ là người nổi tiếng khắp thế giới Ả-Rập. Anh nói trong cuộc phỏng vấn: "Giống như bạn chơi cho cha ông mình vậy. Bạn đá bóng vì hàng triệu người Maroc". 

 Hakim không nói chơi. Rạng sáng qua, đội tuyển Maroc đã chơi bóng như thể đấy là trận cuối của cuộc đời, và các ngôi sao đắt đỏ của TBN đã phải bất ngờ. Giữa hai đất nước đã và đang chia sẻ rất nhiều điểm chung này, chỉ cách nhau một eo biển 13km, lại có những hố sâu ngăn cách lớn như thế, và đôi khi, chúng trở thành động lực tuyệt vời trong một trận đấu bóng đá, nơi lòng tự hào vì Tổ quốc lúc nào cũng có đất để lên tiếng.

Phạm An

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›