Góc nhìn Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Phim đặt hàng chi nhiều tiền nhưng hiệu quả ít, vì sao?

Thứ Tư, 24/09/2014 08:01 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Năm 2012, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã từng chia sẻ suy nghĩ về việc Nhà nước đặt hàng làm phim trong điện ảnh. Nhân sự việc bộ phim đặt hàng: Sống cùng lịch sử “thất bại” khi chiếu thương mại, được sự đồng ý của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Thể thao & Văn hóa giới thiệu tới độc giả trích đăng bài viết này.

Đã từ hơn 10 năm nay từ khi xóa bỏ bao cấp trong điện ảnh, Nhà nước có chế độ đặt hàng để làm các phim nhằm phục vụ những nhiệm vụ chính trị đặc biệt, kỷ niệm những ngày lễ lớn... với những khoản kinh phí không nhỏ (tổng cộng có tới hàng trăm tỷ đồng) nhưng hiệu quả rất ít. Từ đó mới có một thành kiến trong khán giả rằng những phim do Nhà nước đặt hàng là những phim “cúng cụ”, “những phim làm để cất vào kho”. Ấy vậy mà Nhà nước vẫn tiếp tục rót tiền vào lĩnh vực này mà không hề có một cuộc tổng kết rút kinh nghiệm nào.

Xin nêu ra ở đây những bất cập tồn tại trong việc đặt hàng làm phim của Nhà nước bấy lâu nay:

Đấu thầu hình thức

Bấy lâu nay đối tượng đấu thầu để nhận đơn đặt hàng làm phim của Nhà nước là các Hãng phim, đứng đầu là các Giám đốc (nếu trúng thầu sẽ trở thành người chủ tài khoản). Nhưng chất lượng cũng như giá thành của bộ phim tương lai tùy thuộc vào tài năng của người đạo diễn cùng các cộng sự của người đó, chứ không phải chỉ là các giám đốc các Hãng phim. Bởi bộ phim là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt có tính chất sáng tạo chứ không phải là một sản phẩm hàng hóa thông thường.


Theo thông tin đạo diễn Thanh Vân cung cấp cho báo chí, khoảng 13 - 14 tỉ đồng được dùng trực tiếp vào việc làm phim “Sống cùng lịch sử”

Khi áp dụng chế độ đấu thầu vào lĩnh vực điện ảnh người ta đã quên đặc thù đó của sản phẩm điện ảnh, quên ai là người sẽ thực hiện bộ phim đó (tức đạo diễn).

Công việc đấu thầu bấy lâu nay diễn ra giữa Giám đốc các Hãng phim với nhau một cách rất hình thức và đa số là chỉ định thầu. Thường thì khi đã thắng thầu rồi Hãng phim mới vội tìm đạo diễn và lúc đó ai nhận cũng được, miễn sao có người nhận để kinh phí được rót về. Đây chính là nguyên do dẫn đến việc chất luợng các phim đặt hàng không cao.

Cơ chế Xin - Cho

Thực tế, quá trình sản xuất phim như hiện nay là một quá trình XIN và CHO. Người XIN là đạo diễn, quay phim, hoạ sỹ, nhạc sỹ, thu thanh… tóm lại là những người làm công việc sáng tác, và người CHO là người làm chủ tài khoản, người nắm tiền của nhà nước để tổ chức sản xuất bộ phim.

Lợi ích của hai nhóm người này thường mâu thuẫn với nhau vì động cơ của họ khác nhau. Trong cuộc đấu tranh này thì phần thắng bao giờ cũng thuộc về người nắm đồng tiền, người chủ tài khoản. Họ muốn chi tiêu thế nào tùy ý, không cần có sự bàn bạc với đạo diễn, miễn sao hợp lý hóa được chứng từ để quyết toán với tài chính.

Thực tế cho thấy trong quá trình sản xuất một bộ phim, đạo diễn mới là người nắm vững hơn ai hết những khoản chi tiêu nào phục vụ cho chất lượng của bộ phim và những khoản chi tiêu nào nằm ngoài mục đích đó. Thậm chí đạo diễn trong giai đoạn quay bằng cách linh hoạt điều chỉnh nội dung mà không ảnh hưởng đến chất lượng của bộ phim, có thể tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách của nhà nước. Ấy vậy mà đạo diễn không được đóng vai trò gì trong hoạt động tài chính của bộ phim?

Các đại diện của Bộ VH,TT&DL và Bộ Tài chính khi quyết định cấp kinh phí, rồi quyết toán sau khi phim làm xong không cần có sự có mặt của đạo diễn, giải ngân trên những chứng từ không có chữ ký xác nhận của người đạo diễn. Đây là một kẽ hở rất lớn trong việc làm phim do Nhà nước đặt hàng.

Phớt lờ vai trò của đạo diễn

Trên thực tế những thành phần quan trọng để làm nên một bộ phim như đạo diễn, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ... chỉ được coi như những người làm công cho ông chủ là người chủ tài khoản nắm tiền của Nhà nước đặt hàng.

Trước khi làm phim, người ta lập ra một Hội đồng gồm đại diện của Bộ VH,TT&DL, Bộ Tài chính, Ủy ban vật giá họp bàn để quyết định cấp kinh phí cho bộ phim tương lai. Hội đồng này còn quy định trước các khoản tiền cụ thể dành cho các hạng mục trong quá trình sản xuất bộ phim mà không cần tham khảo ý kiến của đạo diễn, người quyết định chủ yếu tư tưởng nội dung, chất lượng và cả giá thành của bộ phim.

Ngoài ra, họ còn đánh đồng tất cả các đạo diễn như nhau với một khoản tiền cố định để trả nhuận bút. Trong khi Nghị định của Chính phủ về việc này quy định rất cụ thể, không đánh đồng phim có chất lượng và phim kém chất lượng. Nhưng tất cả những quy định đó đều được bỏ qua không một lời giải thích.

Có nên tiếp tục như cũ?

Nếu cứ để việc nhà nước đặt hàng làm phim như hiện nay thì có đổ thêm bao nhiêu tiền của cũng vô ích, chỉ làm béo bở thêm cho khâu trung gian. Kết cục chúng ta vẫn không có những tác phẩm xứng đáng với sự mong đợi của khán giả, xứng đáng với đồng tiền mà Nhà nước bỏ ra.

Vì thế, đã đến lúc những người có trách nhiệm với ngành điện ảnh cần suy nghĩ nghiêm túc về những việc sau: 1- Sửa đổi quy chế về việc đấu thầu làm phim do Nhà nước đặt hàng. Nhà nước cần đặt hàng làm phim với cả đạo diễn (chứ không phải chỉ với Giám đốc Hãng phim). Nhà nước xét đặt hàng không chỉ xuất phát từ ý nghĩa chính trị mà phải xuất phát từ chất lượng nghệ thuật của bộ phim tương lai; 2- Thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả điện ảnh Việt Nam để giám sát việc chấp hành các văn bản pháp luật về bản quyền tác giả do Nhà nước ban hành; 3- Bộ VH,TT&DL cần sớm tổ chức một cuộc tổng kết việc Nhà nước đặt hàng làm phim trong vòng 10 năm trở lại đây (tổng kết về nghệ thuật, về tài chính, về sản xuất…) với sự tham dự của cả các nghệ sĩ, những người tổ chức sản xuất, đại diện Bộ VH,TT&DL, Bộ Tài chính, Cục Điện ảnh và các cơ quan hữu quan.

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›