Tháng Giêng của năm mới Giáp Thìn vừa chấm dứt được vài ngày. Và cùng với nó, hầu hết các hội Xuân trên cả nước đã diễn ra, trong sự háo hức pha lẫn chút… e dè của cộng đồng.
Háo hức, bởi như tập tục truyền thống, việc "chơi hội" ở tháng Giêng từ lâu đã được mặc định trong tâm lý của chúng ta và luôn "đánh thức" mỗi cá nhân vào dịp Xuân về.
Còn e dè lại càng dễ hiểu: Nhiều năm qua, những hạn chế, biến tướng của lễ hội trong xã hội hiện đại vẫn là câu chuyện thường trực và chưa bao giờ khiến giới quản lý lẫn cộng đồng ngừng… cảnh giác.
Dù vậy, nhìn lại, có thể thấy "tháng lễ hội" của năm mới vừa trôi một cách khá yên bình - khi hầu hết những lễ hội Xuân lớn nhỏ đã diễn ra trong không khí du Xuân vui tươi của người dân bản địa và du khách.
Tại đó, trên cả mặt báo lẫn… không gian mạng, chúng ta gần như không bắt gặp những câu chuyện hay hình ảnh ghi lại cảnh biển người chen lấn, giẫm đạp nhau để xin lộc - cũng như cảnh các thanh niên địa phương suýt ẩu đả với nhau trong những trò chơi "cướp lộc" lấy may. Rộng hơn, sự xuất hiện của những bức tượng thờ hoặc kiệu rước bị phủ kín bằng tiền lẻ, hay những màn đốt khói hương, vàng mã mù mịt tại những cơ sở tín ngưỡng rõ ràng cũng giảm hơn so với trước.
Không thể phủ nhận, sự yên bình tương đối ấy đến từ nỗ lực của ngành quản lý trong suốt vài năm qua, với hàng loạt giải pháp được đưa ra quanh các vấn đề xử lý triệt để vi phạm, tuyên truyền vận động cả du khách và các chủ dịch vụ, công bố đường dây nóng...
Ở một góc độ khác, đó còn là những sáng kiến cụ thể của từng lễ hội, chẳng hạn như các giải pháp phân luồng giao thông tách bạch ra - vào, bán vé tại bãi để xe (thay vì cổng di tích) và đặc biệt là việc nhận công đức qua mã QR để giảm thiểu tiền lẻ…
Riêng người viết còn muốn nhắc tới một câu chuyện khác.
Nhiều năm qua, trước những bất cập của lễ hội, chúng ta đã nói nhiều về tâm lý a dua, ham vui cũng như sự mê tín kém hiểu biết của không ít người muốn đổ xô tới các hội Xuân nhằm thỏa mãn khát vọng trần tục của mình. Sự ồn ào mang xu thế "hướng ngoại" ấy cần được cân bằng bởi sự "hướng nội", tự soi chiếu về nhu cầu tín ngưỡng của mỗi khách hành hương.
Để rồi, trong dịch Covid-19 vài năm trước, khi rất nhiều lễ hội phải ngừng tổ chức vì dịch bệnh, một khoảng lặng đã xuất hiện, khi hầu hết cộng đồng phải ngồi nhà hoặc du Xuân "online" qua internet. Quãng thời gian đó, dường như cũng là dịp để mỗi cá nhân tự vấn về việc vãn cảnh hoặc gửi gắm nguyện cầu đầu Xuân - thậm chí là tìm kiếm sự yên bình tĩnh lặng - theo cách riêng, thay vì bị cuốn theo xu thế cầu tài, cầu lộc từng phổ biến.
Sự ổn định của mùa lễ hội Xuân vừa qua hẳn ít nhiều cũng đến từ những "khoảng lặng" làm thay đổi nhận thức theo cách ấy. Và cho dù sẽ còn cần thêm nhiều thời gian, sự đi lên về nhận thức và tri thức của xã hội luôn là điều được trông đợi đầu tiên để những lễ hội của chúng ta được đặt đúng vị trí giữa cộng đồng.
Tags