(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu Thủ đô đang bắt đầu được “hâm nóng” trở lại sau một thời gian dài đóng băng vì đại dịch Covid-19. Và cột mốc cho sự chuyển mình ấy vừa diễn ra vào cuối tuần trước, khi Bệnh sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội cuối tuần qua.
Như những gì được ghi nhận, đó là một đêm diễn đặc biệt, với 600 chỗ ngồi tại đây đều được lấp kín. Khán giả nườm nượp tới nhà hát từ sớm, say sưa dõi theo những gì diễn ra trên sân khấu trong suốt 90 phút đồng hồ - để rồi không chịu ra về sau vở diễn. Thay vào đó, họ muốn nán lại tặng hoa, khen ngợi hoặc chụp ảnh cùng diễn viên…
Bệnh sĩ được dàn dựng tại Nhà hát kịch Việt Nam từ 6 năm trước và từng khá thành công với cả trăm đêm diễn. Nhưng, không vì vậy mà câu chuyện của cố tác giả Lưu Quang Vũ bớt đi sức hút với khán giả Hà Nội trong những ngày này. Bên cạnh chiều sâu và sự dí dỏm vốn có trong vở diễn, đó còn là một khoảng trống đang được lấp đầy: Suốt chuỗi ngày chống dịch Covid -19, họ không được xem kịch nói.
Thực ra, “khoảng trống” ấy không chỉ đặt ra với khán giả. Nó còn là câu chuyện của tất cả những người làm nghề. Rơm rớm nước mắt trước sự đón nhận của người xem, NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam, chia sẻ một thông tin thú vị: Trong số hơn 600 vé bán tại Nhà hát Lớn, có một lượng không nhỏ được mua bởi các nghệ sĩ từ các nhà hát khác tại Hà Nội. Người 5 vé, người 10 vé, họ sẵn sàng bỏ tiền để tới ủng hộ đồng nghiệp trong ngày sân khấu “tái xuất” cùng khán giả.
Và nói rộng ra hơn, những gì đang có còn là nỗ lực của toàn ngành văn hóa. Từ Bệnh sĩ, chuỗi chương trình khởi động trở lại sau đại dịch của 12 nhà hát thuộc Bộ VH,TT&DL cũng sẽ bắt đầu được mở ra trong thời gian tới với hàng loạt đêm diễn trải đều đến giữa tháng 8: Chương trình xiếc Cướp biển (tại Rạp xiếc Trung ương), vở chèo Vân dại (Nhà hát Chèo Kim Mã), các vở rối Thân phận nàng Kiều, cải lương Chuyện tình Khâu Vai, vũ kịch Hồ Thiên Nga (đều tại Nhà hát Lớn)... Để hỗ trợ các đêm diễn này, ngành quản lý văn hóa sẽ tạo điều kiện bố trí các địa điểm biểu diễn tốt cho chương trình. Đồng thời, hiện tại nhiều đơn vị thuộc Bộ VH,TT&DL cũng đã rất nhiệt tình lên kế hoạch mua vé ủng hộ cho các đêm diễn.
Ai cũng rõ, sân khấu và nghệ thuật biểu diễn nói chung là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Nhưng thẳng thắn, ngay từ trước đại dịch, bản thân lĩnh vực này cũng đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm khán giả cho mình, giữa bối cảnh ngành công nghiệp giải trí đang phát triển mạnh như hiện nay.
Bởi thế, sự trở lại của những vở diễn sân khấu đầu tiên không chỉ là câu chuyện của những hiệu ứng tích cực của khán giả, khi quãng thời gian vừa qua vô tình lại giúp họ ý thức về khoảng trống mà sân khấu để lại từ sự vắng mặt của mình.
Xa hơn, những tín hiệu vui vừa được nhen lên ấy còn phải được tiếp sức bằng nỗ lực của người làm nghề, cả về nghệ thuật lẫn cách tiếp cận khán giả. Bởi chắc chắn, người ta không thể hy vọng sự háo hức sau đại dịch Covid-19 sẽ đủ kéo dài mãi để vực dậy cả một nền sân khấu đang xuống dốc.
Khoảng lặng của sân khấu vừa qua có thể sẽ không trở nên lãng phí, nếu các Nhà hát biết tận dụng nó để suy ngẫm, cân nhắc và tiếp tục có những bước đi phù hợp với lộ trình cần có của mình. Nói cách khác, những tín hiệu lạc quan vừa qua chỉ là bước khởi đầu cho quãng đường dài tiếp theo của một nền sân khấu.
Nhưng, hãy cứ lạc quan, như cách mà các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam giải thích về việc chọn một vở hài kịch để “khởi động” lại: Chẳng có lý gì mà sân khấu và khán giả không trao cho nhau nụ cười vào lúc này - khi ai cũng cần niềm tin và niềm vui sau mùa dịch.
Sơn Tùng
Tags