Góc nhìn vật chất về tấm huy chương Olympic

Thứ Bảy, 02/07/2016 05:56 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Khả năng có huy chương Olympic Rio với TTVN, dù chỉ một tấm, mới chỉ dừng lại ở mức hi vọng, phấn đấu. Một chiến tích trên đất Brazil khó và quý như vậy, song thưởng cho một tấm huy chương Olympic của Việt Nam đứng ở đâu so với thế giới.

Cựu Á quân Olympic từng nhận được những gì?

Qua 8 lần dự tranh Olympic, TTVN mới chỉ có hai tuyển thủ giành được huy chương Olympic, đều là màu bạc, với võ sĩ Trần Hiếu Ngân năm 2000 và đô cử Hoàng Anh Tuấn năm 2008.

Trong đó, thành quả của Hiếu Ngân được đánh giá như một cột mốc thay đổi cả nền tảng và diện mạo của một nền thể thao, cũng như góp phần quan trọng nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Sau kỳ tích ấy, nhà Á quân  Oympic nhận được thưởng của nhà nước, địa phương, nhà tài trợ, rồi cộng thêm cả việc làm đại sứ cho một thương hiệu tất cả được gần 300 triệu đồng.


Mới chỉ có bắn súng hứa treo thưởng tiền tỉ cho tấm HCV

Ngân ngày ấy không đặc cách trong tuyển dụng biên chế, ưu tiên về công việc, đào tạo hay tặng nhà đất. Sau một thời gian đầu ngợp trong những cuộc tôn vinh chủ yếu về tinh thần, ngôi sao quê Phú Yên đã trở lại ngay với muôn nỗi gian khó của nghiệp đấu và cuộc sống.

8 năm sau, một nhà Á quân Olympic khác, Hoàng Anh Tuấn, cũng chỉ có được tổng cộng 300 triệu đồng tiền thưởng. Đây là mức thưởng thấp nhất là khi vừa tính trượt giá lại thấy thể thao đã xã hội hóa tốt hơn nhiều, cho dù thành tích của Tuấn không thể so với đàn chị về giá trị và sức lan tỏa.

Năm nay sẽ thưởng thế nào?

Qua 16 năm kể từ trường hợp của người hùng Trần Hiếu Ngân, dường như là vì cơ hội chiến thắng không khác nên chuyện thưởng cũng thế. Giả dụ một tuyển thủ có giành huy chương trên đất Brazil, điều mà ai cũng thừa nhận là vô cùng quý hiếm và khó khăn, thì tiền thưởng cũng chỉ nhỉnh hơn so với ASIAD hay SEA Games.

Cho đến thời điểm này, khoản thưởng mà người chiến thắng chắc chắn lĩnh mới dừng lại ở mức 160 triệu đồng/HCV, 80 triệu đồng/HCB và 60 triệu đồng/HCĐ, theo quy định của nhà nước, và thêm 60 triệu đồng nếu phá được kỷ lục Đại hội. Hiện tại, ngành thể thao cũng đang tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ, với lời hứa hẹn về một con số tiền tỷ. Kết quả như thế nào hãy còn phải chờ song có thể tin tưởng mức thưởng sẽ tăng lên, chí ít cũng không dừng lại ở vài trăm triệu đồng như hai lần trước.


Hai VĐV cử tạ mới là những người có khả năng giành huy chương

Mới đây, các VĐV bắn súng được hứa thưởng lên tới hơn 2 tỉ đồng cho một tấm HCV nếu họ giành được ở Rio. Đó là một minh chứng.

Tuy nhiên, các nước ngay cùng khu vực còn mạnh dạn hơn rất nhiều trong việc đặt ra những mức thưởng kỷ lục. Bên cạnh khoản thưởng khoảng 8 tỷ đồng, Indonesia còn áp dụng việc hỗ trợ suốt đời cho VĐV đoạt HCV 1.500 USD/tháng.

Thấy “treo” tiền tỷ mà chạnh lòng

Nhưng vấn đề lớn nhất ở đây là không phải môn nào, VĐV cũng được treo thưởng như thế. Môn có nhiều khả năng nhất giành huy chương là cử tạ, với hai mũi nhọn Thạch Kim Tuấn và Vương Thị Huyền, hiện vẫn chưa có mạnh thường quân nào “treo” thưởng. Điều đó phần nào cũng tréo ngoe như Olympic 2008 khi môn được “treo” taekwondo thì thảm bại còn cử tạ thành công ngoạn mục lại “tay trắng”.

Vận động tiền thưởng cho VĐV giành huy chương Olympic: Phấn đấu vượt mức 1 tỷ đồng 1 HCV

Vận động tiền thưởng cho VĐV giành huy chương Olympic: Phấn đấu vượt mức 1 tỷ đồng 1 HCV

Sau hơn 2 thập kỷ không có được tấm HCV nào tại Olympic, mới đây Bộ Thể thao & Thanh niên Indonesia đã treo thưởng 5 tỷ rupiah (khoảng hơn 8 tỷ đồng) cho VĐV giành 1 HCV tại Thế vận hội 2016.


Có thể câu chuyện ở đây phụ thuộc vào sự quan tâm riêng, cũng như năng lực quan hệ, vận động của từng môn. Tuy nhiên, mặt bằng chung và nền tảng chung thì vẫn phải từ chính sách và những quy định cụ thể mang tính phổ biến chung đối với tất cả. Đặc biệt là tạo nên một sự khác biệt rõ ràng giữa những tấm huy chương ở khu vực, ở những giải mà chỉ 4-5 người thi thì 3 người có huy chương, với những tấm huy chương làm nên lịch sử.   

 Trong những năm vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước về thể thao đã tích cực đề xuất để ra được nhiều quy định về chế độ đầu tư, đãi ngộ cho VĐV trọng điểm. Thế nhưng, ở đó không hề có quy định riêng, cụ thể cho những VĐV giành huy chương Olympic, hay HCV ASIAD, đối tượng được thừa nhận về sự khác biệt, đặc thù về cả tài năng, quy trình tập huấn thi đấu, thành tích... Có chăng chỉ  là việc có một mức thưởng cao hơn không đáng kể.

Theo chuyên gia kỳ cựu Nguyễn Hồng Minh, phải có một chế độ đãi ngộ, khen thưởng đặc biệt cho những VĐV đoạt huy chương Olympic, thông qua một quy định riêng, và đây mới là cách giải quyết cơ bản. Vì bên cạnh danh dự và tự hào, sự tưởng thưởng công lao xứng đáng thì thưởng còn tạo nên động lực.

Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›