Tuần qua, nhạc Việt đại chúng chứng kiến nhiều sự kiện lớn. Bên cạnh chung kết các cuộc thi Vietnam Idol, Thanh âm Hà Nội và những vòng cuối của cuộc thi Tiếng hát Hà Nội, sự chú ý còn dồn vào "ngày hội" của giới làm nghệ thuật trong quân đội - Hội diễn chuyên nghiệp về đề tài quốc phòng toàn dân năm 2023.
Diễn ra từ 9 đến 21/10 tại Nhà hát Quân đội (Hà Nội), hội diễn thu hút 21 đơn vị nghệ thuật. Có duyên chứng kiến gần như trọn vẹn hội diễn, tôi ấn tượng với Ánh sao thành đồng của Đoàn Văn công Quân khu 7.
Bức tranh đa sắc
Lẽ thường, khi tiếp cận một sự kiện nghệ thuật trong quân đội, người viết mặc định sẽ thấy những âm hưởng hào hùng, hoành tráng đan xen cùng khúc ca bi tráng, tiếp đến là sự hân hoan chiến thắng và những thế hệ tương lai tiếp bước cha anh. Nhưng, màn trình diễn của Đoàn Văn công Quân khu 7 với Ánh sao thành đồng đã phá tan mặc định kia trong tôi.
Chương trình kéo dài trong 80 phút, bao gồm 12 tác phẩm ca nhạc, song tấu, hòa tấu dàn nhạc, múa, thơ múa được kết cấu thành 3 phần. Phần 1 có chủ đề Đất thép nở hoa, phần 2 là Chiến sĩ và phần 3 là Thành đồng.
Chủ ý của Ánh sao thành đồng, như cảm nhận của người viết, là hướng tới hình ảnh người lính thời bình. Và đã là người lính thì không bao giờ được quên đi lịch sử, quên đi những năm tháng hào hùng, những chiến công vang dội. Tất cả được gửi gắm vào trong phần 1. Phần này chỉ có 3 tác phẩm nhưng cho thấy sự phong phú với 3 thể loại khác nhau: Mở đầu là thơ múa Đất lửa thành đồng hoành tráng, tiếp đến là đơn ca nữ Mùa hoa trắng và cuối cùng là bản hòa tấu Đối thoại địa đạo.
Chủ đề Chiến sĩ của phần thứ 2 là hình ảnh những người chiến sĩ trẻ tuổi mười tám đôi mươi. Không hoàn toàn giống với một tác phẩm đi thi - vốn thiên về trưng trổ kỹ thuật - phần này mở màn bằng bài Lính hát do tốp ca nam thể hiện với tinh thần trẻ trung. Tiếp đó là tiết mục đơn ca nam Tôi yêu đời chiến sĩ trẻ trung, phù hợp với tai nghe của lính trẻ. Ấn tượng nhất ở phần này là tứ ca nữ Tình yêu chiến sĩ. Cũng trên tinh thần trẻ trung của người lính mười tám, đôi mươi, tiết mục múa duy nhất của phần 2 Mơ đời chiến sĩ như truyền thêm năng lượng tươi trẻ cho người xem.
Sau phần 2 thiên về giải trí, phần 3 với tên gọi Thành đồng là hành trình của người lính thời bình, tưởng bình yên nhưng cũng đầy thử thách và hiểm nguy. Phần 3 mở đầu bằng tiết mục song tấu Đối thoại thành phố. Trong phần này còn có đơn ca nữ Bông hoa ánh thép do Trương Thùy Dương - giải Nhất Sao Mai - thể hiện và tốp ca nam nữ với Tiếp bước đầy tinh thần trách nhiệm. Tiết mục gây nhiều cảm tình nhất ở phần này, cũng như trong cả chương trình, là tác phẩm múa Đêm trắng tái hiện những tháng ngày cam go tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ trong dịch Covid-19. Ở đó, ta thấy hình ảnh những người chiến sĩ áo xanh, người chiến sĩ áo trắng sát cánh cùng nhân dân vượt qua bệnh dịch.
Ánh sao thành đồng kết thúc bằng tiết mục ca múa nhạc cùng tên chủ đề chương trình, giống như sự tổng kết trọn vẹn vì tiết mục có liên quan đến tất cả các bài trong chương trình.
Có thể nói, Ánh sao thành đồng đã dám thoát ra khỏi "vùng an toàn" của mô-típ quen thuộc để đưa lại cho khán giả nhìn thấy một góc nhìn mới về người chiến sĩ trong thời bình.
Sao Mai 2019 Trương Thùy Dương là quân số của Đoàn Văn công Quân khu 7 thể hiện ca khúc “Bông hoa ánh thép” (tác giả Hoàng Hồng Ngọc)
Một vài điểm nhấn
Ở chất liệu văn học cũng như hình ảnh bao quát toàn bộ chương trình, đó là người chiến sĩ trẻ trong thời bình. Việc xác định nhân vật trung tâm cho tác phẩm, từ đó khai thác các nội dung xoay quanh nhân vật, là một trong những yếu tố khiến chương trình có kết cấu chặt, có sự kết nối giữa các nội dung lớn và giữa từng tiết mục với nhau.
Chất liệu hình ảnh cũng được thực hiện một cách có chủ đích và có "gu". Gam màu chủ đạo của chương trình là giản dị nhưng được xử lý khá tinh tế. Trang phục người chiến sĩ Quân đội Nhân dân được khai thác là chủ đạo, có những cách tân nhất định để tăng thêm phần hấp dẫn.
Đặc biệt, hình ảnh chiếc khăn rằn của người phụ nữ Đông Nam Bộ đã được khai thác một cách khéo léo, không chỉ trong hình ảnh cụ thể về chiếc khăn quàng trên cổ được các mẹ, các chị trao cho người chiến sĩ trẻ. Nó còn là những phá cách, lúc thì như một chiếc nơ, lúc lại như dải lụa mềm được xử lý ở nhiều vị trí khác nhau trên trang phục của nghệ sĩ nữ và ở các vị trí trên sân khấu. Điều đó cho thấy sự kết hợp khéo léo giữa hiện đại và truyền thống, cũng như sự gắn kết giữa người chiến sĩ với nhân dân là không thể tách rời.
Thời của công nghệ bùng nổ, màn hình LED có thể choáng ngợp hết sân khấu nhưng công nghệ không che lấp, không thay thế nghệ sĩ mà chỉ dừng ở mức hỗ trợ cho tiết mục hiệu quả hơn. Người ta vẫn thấy trong các tiết mục múa, người nghệ sĩ có "đất" để thể hiện các động tác kỹ thuật khó, nhằm thể hiện thực lực của chính họ.
Chương trình có dành nhiều thời gian để các nghệ sĩ trong dàn nhạc thể hiện tài năng. Bên cạnh những tác phẩm hòa tấu dàn nhạc, tiết mục song tấu với hai cây guitar điện cũng tạo được hiệu ứng hấp dẫn người nghe. Cũng phải nhắc tới phần trình bày của dàn nhạc với việc dành "đất" cho cây đàn kìm thể hiện những âm hưởng của nhạc tài tử đất phương Nam. Khá thú vị, "đối thoại" lại với tiếng kìm, không phải cây đàn cò như cổ truyền mà lại là cây violon. Về cơ bản giữa cây violon và đàn cò có nhiều điểm tương đồng với nhau nhưng cũng có những khác biệt. Chính những điều này tăng thêm sức hấp dẫn cho chương trình.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất trong dàn nhạc là âm hưởng nhạc trẻ hiện hữu rất rõ ràng, kết hợp cùng với âm hưởng cổ nhạc Nam Bộ được khai thác theo cách rất riêng. Điển hình như ở trường hợp tốp ca nam Lính hát, âm nhạc cổ truyền được khai thác và sử dụng theo cách gần gũi với nhạc đại chúng dành cho giới trẻ hiện nay.
Một chi tiết nữa khiến khán giả trầm trồ, đồng thời tăng thêm chất lượng cho tiết mục: Toàn bộ các tiết mục múa trong chương trình đều được ban nhạc thể hiện trực tiếp, chứ không sử dụng bài nhạc beat.
Như thế, Ánh sao thành đồng lấy nét chủ đạo là sự trẻ trung, khai thác hình ảnh giản dị từ người lính nhưng có một vài họa tiết tạo điểm nhấn cá tính cho nghệ sĩ. Với sự nhiệt huyết ấy, người diễn viên được thể hiện hình ảnh của chính mình và đồng đội cùng trang lứa trong giai đoạn hiện này.
"Khá thú vị, "đối thoại" lại với tiếng kìm, không phải cây đàn cò như cổ truyền mà lại là cây violon. Về cơ bản giữa cây violon và đàn cò có nhiều điểm tương đồng với nhau nhưng cũng có những khác biệt. Chính những điều này tăng thêm sức hấp dẫn cho chương trình" - nhà phê bình, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.
Vĩ thanh
Với những gì đã thể hiện tại Hội diễn, Đoàn Văn công Quân khu 7 đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc như: HCV toàn đoàn, 4 HCV và 3 HCB cho các tiết mục xuất sắc, 3 bằng khen cho 3 tiết mục. Toàn đoàn còn nhận được giả Khán giả yêu thích nhất do chính khán giả bình chọn. Trong khi đoàn trưởng - Thượng tá NSƯT Nguyễn Xuân Hùng - nhận được danh hiệu Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc.
Các tác phẩm múa với sự kết hợp chặt chẽ với âm nhạc do ban nhạc chơi trực tiếp cũng tạo nên một ấn tượng đẹp về Đoàn Văn công Quân khu 7 với công chúng
Người viết đã tìm gặp trưởng đoàn Đoàn Văn công Quân khu 7 để đặt một câu hỏi đơn giản: "Sau hội diễn các anh định làm gì với Ánh sao thành đồng? - "Đi đến các đơn vị biểu diễn", câu trả lời rất nhanh. "Thế biểu diễn cho ai xem?" - "Chiến sĩ".
"Các anh có tính đến "gu nghe' của lính trẻ bây giờ"? Tới câu hỏi này, như "gãi đúng chỗ ngứa", vị đoàn trưởng chia sẻ: "Đây chính là trăn trở nhất của chúng tôi khi thực hiện chương trình. Làm sao để dung hòa được giữa nghệ thuật chính thống với yếu tố giải trí, làm sao để vừa đạt được mục đích chính trị lại gần gũi và mang lại yếu tố giải trí cho người nghe, đó là điều khiến chúng tôi đau đầu nhất".
Vâng, trên thực tế, nhóm đối tượng chính mà các đoàn văn công quân đội cần phải hướng đến không phải ban giám khảo, không phải các liên hoan, hội diễn, mà chính là khán giả. Phục vụ tốt cho khán giả, đem tới những chương trình khán giả yêu thích mới là nhiệm vụ hàng đầu.
Chỉ khi hài hòa được cả yếu tố về nhiệm vụ chính trị lẫn nhu cầu thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật mới đồng hành cùng người lính trẻ trong đời sống tinh thần. Và vì thế, hướng đi và quan điểm của Đoàn Văn công Quân khu 7, theo người viết, là một gợi mở.
Ê kíp chính "Ánh sao thành đồng" - Đoàn Văn công Quân khu 7
Chỉ đạo nghệ thuật - Tổng đạo diễn: Thượng tá, NSƯT Nguyễn Xuân Hùng
Kịch bản, lời bình: TS. Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc
Chủ nhiệm chương trình, chỉ huy đêm diễn: Thiếu tá Huỳnh Thanh Khiết
Gi ám đốc âm nhạc: Đặng Tiến Đạt (Đạt Kìm)
Biên đạo: NSND Nguyễn Hữu Từ, NS ƯT Đỗ Văn Hiền
Dàn dựng thanh nhạc: NS ƯT Hà Thủy
Hòa âm, phối khí: Trần Quang Duy, Đỗ Bảo, Đạt Kìm, Vũ Huyền Trung, Anh Khoa
Thiết kế mỹ thuật: Thiếu úy Nguyễn Văn Nam
Biểu diễn: Tập thể diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 7
Không cho điểm
Tags