Khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giữa tuần trước, triển lãm Gốm cổ Bát Tràng là thước phim tua lại dòng lịch sử của gốm Bát Tràng từ thế kỷ XIV - khoảng thời gian vùng đất này xuất hiện sớm nhất trong sử liệu với cái tên xã Bát trong Đại Việt sử ký toàn thư. Triển lãm sẽ còn kéo dài tới tháng 9 năm nay.
1. Điểm nhìn tại triển lãm xuất phát từ những sản phẩm tiêu biểu của thế kỷ XIV. Vào giai đoạn này, các đồ gốm chủ yếu là các loại bát, đĩa, thạp, chậu,… sử dụng trong sinh hoạt thường nhật. Đề tài trang trí chưa phong phú, chủ yếu là các họa tiết hoa lá, nét vẽ chưa thực sự tinh tế, điêu luyện.
Theo TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Thăng Long trong các triều đại phong kiến đều có quan xưởng chuyên cung cấp đồ gốm cho triều đình. Vì thế mà Bát Tràng dù có vị trí thuận lợi, nằm ở ngay sát kinh thành, nhưng cũng bị đẩy ra ngoài rìa, đồ gốm sản xuất tại đây hầu hết đều là đồ dùng trong cuộc sống thường nhật của tầng lớp dân chúng. Như nhiều làng nghề khác, những người thợ lành nghề nhất tại đây được chiêu mộ cho quan xưởng, ở lại làng nghề là những người thợ có kinh nghiệm và tay nghề thấp hơn, chủ yếu làm ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua bán của dân chúng.
Vì tính chất phục vụ thường dân, làng Bát Tràng phải sản xuất với số lượng lớn, tốc độ nhanh để kịp đáp ứng cho thị trường. Và cũng bởi sản xuất lượng lớn đồ dùng cho dân chúng, nên cho đến nay, vẫn còn không ít người có cái nhìn chưa toàn diện, và đôi khi còn lầm tưởng đồ gốm Bát Tràng trong lịch sử chỉ hướng đến tầng lớp dân chúng.
Thực tế, thế kỷ XV là thời kỳ bắt đầu hình thành và phát triển mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Thời điểm này đánh dấu việc gốm Bát Tràng bước chân vào nền văn minh gốm sứ không chỉ trong khu vực. Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm gốm sứ với đề tài trang trí đa dạng, các hoa văn rồng được đắp nổi tinh xảo, không chỉ phục vụ cho hoạt động buôn bán trong nước, mà còn hướng đến trao đổi hàng hóa với thương nhân nước ngoài.
Việc giao thương với các thương lái Trung Hoa ngày càng được đẩy mạnh nên sang đến thế kỷ XIX - XX, do yêu cầu của bạn hàng, cũng như tiếp thu những nét văn hóa mới, nhiều điển tích của Trung Hoa như Ngư ông đắc lợi, Tam quốc chí, Bát tiên quá hải… xuất hiện trên gốm Bát Tràng. Bằng đôi bàn tay tài hoa và tư duy tạo hình độc đáo của nghệ nhân, các điển tích ấy không sao chép nguyên mẫu phong cách Trung Hoa, mà lại được thể hiện một cách rất khéo léo, đầy sáng tạo, để các sản phẩm gốm vẫn giữ được nét vẽ phóng khoáng của gốm Bát Tràng và mang ngôn ngữ biểu đạt của đồ gốm Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Bá Thanh Long, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cổ vật Hải Phòng, dù thể hiện trên sản phẩm sự giao thoa với văn hóa nước ngoài, nhưng các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng vẫn kế thừa được tính truyền thống từ đời này sang đời khác. Điều này giúp gốm Bát Tràng tạo được dấu ấn riêng biệt trên trường quốc tế.
Như thế, qua cuộc trưng bày lần này, công chúng có được cái nhìn toàn diện, bao quát hơn về gốm Bát Tràng. Gốm Bát Tràng xưa không chỉ xoay quanh những sản phẩm nhật dụng như nhiều người lầm tưởng trước đó, mà còn có những tác phẩm đạt đến trình độ đỉnh cao, có thể kể đến các vật phẩm trong thờ cúng như lư, đỉnh, chân đèn… được các quan lại về tận làng nghề đặt hàng để cung tiến vào các đền chùa hay biếu tặng nhau.
2. Làng Bát Tràng xưa, dưới nhận định của TS Nguyễn Việt, cũng có vai trò vô cùng to lớn, bởi nơi đây gần như cung cấp toàn bộ các sản phẩm gốm sứ xung quanh kinh thành Thăng Long. Điều này được minh chứng qua các cuộc khai quật khảo cổ xung quanh khu vực Thăng Long, khi nhiều đồ gốm có xuất xứ từ Bát Tràng được phát hiện.
Trò chuyện, TS Nguyễn Việt bày tỏ niềm vui mừng khi hiện nay, nhiều đồ inox, nhôm hay nhựa được sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày, nhưng làng gốm Bát Tràng không bị "chết chìm" như nhiều làng nghề khác. Các sản phẩm gốm sứ của địa phương này vẫn được tiêu thụ và tiếp tục có nhiều mẫu mã mới. Vì vậy, ông đánh giá, diện mạo của Bát Tràng chúng ta nhìn thấy hiện nay là niềm tự hào của cả Hà Nội, bởi vẫn gìn giữ được nghề truyền thống, đồng thời tạo ra sức mạnh về kinh tế cho vùng ngoại thành Thủ đô.
Thực tế, trên thị trường hiện nay, xuất hiện nhiều sản phẩm gốm từ làng Bát Tràng nhưng mẫu mã, kiểu dáng, phong cách trang trí không còn giống với đồ gốm ta được biết trước đây. Cũng theo ông Việt, giữ gìn truyền thống không đồng nghĩa với việc phải "rập khuôn" sản xuất những mẫu mã theo mô-típ từ thời xưa, hay sử dụng những phương pháp chế tác lạc hậu với sản lượng thấp.
Với quan điểm của ông, truyền thống có nhiều khía cạnh, không thể chỉ dựa vào mẫu mã, công cụ chế tác làm tiêu chuẩn. Bởi nhu cầu sử dụng, thẩm mỹ ở mỗi thời đại là khác nhau, nên mẫu mã cũng cần có sự thay đổi để chiều lòng người mua. Điều cốt yếu trong giữ gìn truyền thống là người nghệ nhân cần phải lưu giữ được cách thức tạo hình, chế tác, những nét đặc trưng như nước men, xương gốm, màu gốm,… để sản phẩm truyền thống của làng nghề mình dễ dàng được nhận diện trên thị trường.
Sức sống đặc biệt
Có lẽ vì phần lớn là sản xuất vật phẩm sinh hoạt hàng ngày mà hơn 7 thế kỷ qua, gốm Bát Tràng vẫn là một trong số ít các trung tâm sản xuất gốm truyền thống còn tồn tại và phát triển. Trong khi đó, nhiều dòng gốm của Việt Nam như gốm Chu Đậu (Hải Dương) biến mất hoàn toàn vào thế kỷ XVII, mãi đến những năm 1980 mới được phục dựng lại, hay gốm Cây Mai phía Nam thất truyền vào đầu thế kỷ XX và vẫn trong quá trình khôi phục.
Tags