GS Trần Quốc Vượng - Tinh anh để lại cho đời

Thứ Ba, 18/08/2015 11:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Người bạn đồng môn Phan Huy Lê, người học trò Dương Trung Quốc cùng hàng chục bạn bè, đồng nghiệp, học trò hội tụ trong tọa đàm khoa học Còn là tinh anh nhân 10 năm ngày mất của cố GS Trần Quốc Vượng.

Tọa đàm Còn là tinh anh được tổ chức tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội trong cả ngày 17/8. Dự hội thảo có GS Phan Huy Lê, GS Dương Trung Quốc, GS Nguyễn Quang Ngọc, PGS Tống Trung Tín, PGS Trần Kim Đính, PGS Nguyễn Thị Minh Thái, TS Nguyễn Thị Hậu, TS Trần Đức Anh Sơn… và người bạn Mỹ, GS C. Michele Thompson của Đại học Nam Connecticut.

Thác là thể phách, còn là tinh anh

Học giả Trần Quốc Vượng qua đời năm 2005 ở tuổi 71 trong sự thương tiếc của đông đảo bạn bè, đồng nghiệp và học trò. Sinh thời, ông dành mối quan tâm cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của đất nước chứ không chỉ thiên vị cho một miền (dù ông quê ở Hà Nam). Như chuyện nhân quả, hội thảo 17/8 quy tụ nhiều nhà nghiên cứu đến Hà Nội từ nhiều miền, tất cả đều bày tỏ lòng kính trọng với cố GS.

Đồng nghiệp và học trò tôn vinh Trần Quốc Vượng ngay từ tên hội thảo lấy ý từ câu thơ “Thác là thể phách, còn là tinh anh” của đại thi hào Nguyễn Du. Đây là cụm từ trân trọng và chính xác dành cho nhà khoa học khi không chỉ các công trình nghiên cứu của ông còn để lại giá trị mà tinh thần và tư tưởng của ông vẫn ảnh hưởng đến các học trò thế hệ sau.


Cố GS Trần Quốc Vượng (trái) và bạn ông, GS Phan Huy Lê, khi phát biểu tại tọa đàm hôm 17/8.

Trong 4 người bạn của “Bộ tứ huyền thoại Lâm, Lê, Tấn, Vượng (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng)” của nền khoa học xã hội Việt Nam, GS Trần Quốc Vượng qua đời trước hết, vào năm 2005. GS Phan Huy Lê, người duy nhất còn khỏe mạnh trong bộ tứ đến dự hội thảo sáng 17/8, buồn bã nhắc lại điều này. “Cuộc sống ngày càng cô đơn dần” – ông chia sẻ.

GS Lê nói về người bạn quá cố: “Không ai có thể bắt chước Trần Quốc Vượng, bởi phong cách của anh rất độc đáo, con người đầy tài hoa, nhiều khi cũng bỗ bã khiến người ta bực bội. Nhưng điều quan trọng nhất tôi muốn nói về anh là tài trí. Từng có một lời nhận xét của nhiều học giả rằng: Vượng rất sắc, Tấn rất sâu, Lê rất chắc”.

“Đó là nhận xét chính xác. Anh Vượng luôn có thái độ phản biện đến cùng, đó chính là tiền đề của khoa học để tìm ra cái mới”.

GS Dương Trung Quốc nhắc lại Đại hội 2 của Hội sử học Việt Nam năm 1988, GS Trần Quốc Vượng - thầy của ông - năm đó mới 54 tuổi đã tự nhận mình thuộc lớp già và tự rút để nhường chỗ cho lớp trẻ. Đó là hành động khiến học trò vô cùng cảm động và thấm thía bài học lớn của thầy về sự đổi mới. “Thế này mà là đổi mới à? Sao không cho lớp trẻ vào?” - GS Quốc nhớ mãi lời của người thầy.

Một người “dám nói sự thật”

GS Vượng “dám nói sự thật, công khai tranh luận và bảo vệ đến cùng quan điểm bằng các luận điểm khoa học và khách quan”. Trong hội thảo, TS Trần Đức Anh Sơn, một người con xứ Huế, nhấn mạnh công lao nghiên cứu của người thầy với xứ Huế và nhà Nguyễn – những chủ đề quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông.

Trần Quốc Vượng (1934-2005) là nhà khoa học uy tín của Việt Nam về các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, văn hóa… Ông từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức về lịch sử và văn hóa Việt Nam, từng là Phó Tổng Thư ký Hội Văn hóa Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Ông được trao tặng Giải thưởng Hố Chí Minh về Khoa học Công nghệ năm 2011.

Các đầu sách nghiên cứu quan trọng của GS: Theo dòng lịch sử, Việt Nam khảo cổ học, Văn hóa Việt Nam: Tìm tòi và suy ngẫm, Việt Nam: Cái nhìn địa - văn hóa. Bên cạnh hội thảo Còn là tinh anh là triển lãm ảnh và tư liệu Dặm dài đất nước về cuộc đời ông của nhóm sưu tầm Nguyễn Hữu Thiết, Ngô Vương Anh, Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Văn Kự…

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›