(Thethaovanhoa.vn) - GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, cho biết: GS Trần Văn Khê “vẫn còn những băn khoăn về âm nhạc dân tộc nước nhà...”. Ông băn khoăn về sự “đứt mạch” âm nhạc truyền thống, hay bị nhạc Tây, nhạc Hàn lấn át...
Dù đã sống ở Paris ngót nửa thế kỷ, nhưng GS Trần Văn Khê vẫn nhất quyết trở về quê hương để cống hiến những năm tháng cuối đời cho nền âm nhạc dân tộc. Ý nguyện của GS Trần Văn Khê đã thành hiện thực khi về nước, ông được lãnh đạo TP.HCM cấp cho căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh), vừa là nơi lưu giữ các tư liệu âm nhạc, vừa là nơi gặp gỡ đồng nghiệp và “truyền lửa” cho thế hệ trẻ yêu âm nhạc dân tộc.
Buồn vì việc dạy nhạc cho học sinh
Theo lời anh Huỳnh Văn Tươi, trợ lý của GS Trần Văn Khê, thì chuyện xảy ra trong thời gian GS thực hiện dự án Âm nhạc học đường do UNESCO tài trợ để thử nghiệm dạy nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học TP.HCM. Khi một cô giáo đưa cho GS Trần Văn Khê xem giáo trình âm nhạc của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được giảng dạy chính thức ở các trường tiểu học trên toàn quốc, ông đã khá buồn và băn khoăn.
Bởi việc giảng dạy chủ yếu dựa vào phương pháp dạy nhạc của phương Tây, mở miệng học nốt nhạc đầu là: Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, mà không bao giờ nghe nhắc tới: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống...
Các bài hát được đưa vào giáo trình, chủ yếu là những bài hát thiếu nhi do các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác.
Trong các giáo trình âm nhạc đó, những tên tuổi âm nhạc dân tộc cũng không được nhắc tới, trong khi đó, hầu hết là dẫn chứng các nhạc sĩ phương Tây, những nhạc sĩ nổi tiếng như: Mozart, Chopin... Như vậy, phải chăng Việt Nam không có nền âm nhạc đáng nói, đáng tự hào, đáng học?
GS Hoàng Chương kể lại rằng: “Tôi quen biết GS Trần Văn Khê từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước và ông nhận tôi là em kết nghĩa. Mỗi lần về nước, GS Trần Văn Khê thường nhờ tôi tổ chức giới thiệu nghệ thuật hát bội (tuồng) cho ông ghi âm và quay video.
Tôi từng sang Paris và đã đến thăm nhà GS Trần Văn Khê tại tầng 9, trong một ngôi nhà cao tầng ở ngoại ô Paris. Nhà cửa khá chật chội, bởi toàn bộ tầng lầu rộng lớn biến thành kho sách và kho tư liệu khổng lồ. Sách và băng đĩa nhạc được GS sưu tầm tích lũy suốt 50 năm đã chiếm hết chỗ sinh hoạt của ông. Nhà bếp hầu như không nấu nướng vì GS không có thì giờ.
Ông sống độc thân suốt 50 năm, dường như tất cả thời gian và tâm huyết ông dành cho việc nghiên cứu âm nhạc và quảng bá nghệ thuật dân tộc VN trên khắp năm châu. Ông không chỉ giảng dạy mà còn sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc của những nước châu Á, châu Phi, để tìm ra những mối tương đồng với âm nhạc Việt Nam.
Từ vốn kiến thức đồ sộ của mình, GS Trần Văn Khê như một kho từ điển sống về âm nhạc, ông đã có tới 7 tập sách hồi ký về cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình”.
Vui vì còn những người “tiếp lửa”
Cuộc sống hội nhập mang đến nhiều dòng âm nhạc hiện đại, mới mẻ, hấp dẫn, khiến nhiều loại hình âm nhạc dân tộc bị tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường, thưa vắng người nghe...
Là một nhà nghiên cứu sâu về âm nhạc dân tộc, GS Trần Văn Khê cho rằng: “Không chỉ bảo tồn, chúng ta cần phải có những hành động cụ thể để phát huy âm nhạc dân tộc. Âm nhạc dân tộc chưa đến được với các bạn trẻ, thanh thiếu niên thì coi như thiếu một phần sức sống”.
Chính vì thế, cách đây gần 20 năm, khi hát xẩm chỉ còn nghệ nhân Hà Thị Cầu trên hành trình cô độc, GS Trần Văn Khê đã xin học bổng từ GS Trần Thanh Vân, rồi quỹ Ford để Mai Tuyết Hoa bước tiếp con đường hát xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Vốn là một cán bộ nghiên cứu của Viện Âm nhạc, vừa chơi thạo đàn nhị lại có giọng hát, nhờ học bổng từ GS Trần Văn Khê xin được, Mai Tuyết Hoa đã quyết tâm gắn bó với những câu xẩm, đồng thời nghiêm túc trong công việc để truyền lại cho thế hệ trẻ loại hình nghệ thuật mà hôm nay ít người biết đến.
Hiện nay, Mai Tuyết Hoa là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc. Chị xúc động nói: “GS Trần Văn Khê đã gần bước tới tuổi một trăm, đã hoàn thành sứ mệnh cao cả cho dân tộc, nhưng chẳng mấy ai trong nhóm Xẩm Hà thành chúng tôi muốn đón nhận tin dữ, bởi vẫn còn một lời hẹn, đó là sẽ tổ chức một buổi giao lưu để trò thể hiện những câu xẩm, thầy nói những câu chuyện xẩm tại tư gia ở TP.HCM. Vậy mà một buổi như thế không thể trở thành hiện thực”.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Phó ban biên tập - NXB Âm nhạc, thành viên nhóm Xẩm Hà thành, từng có nhiều cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với GS Trần Văn Khê chia sẻ: “GS Trần Văn Khê đã từng đến phố Hàng Ngang để xem chiếu xẩm của nhóm chúng tôi, dù ông phải di chuyển bằng xe lăn. GS cũng không ngần ngại trò chuyện, giao lưu với khán giả về nghệ thuật hát xẩm.
Ngày 11/8/2006, GS là người dẫn chương trình bằng tiếng Pháp trong đêm giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Nhà hát Lớn. Nhóm Xẩm Hà thành chúng tôi từng vào Sài Gòn thăm nhà ông. Khỏi cần phải nói, ai cũng biết GS Trần Văn Khê như một biểu tượng đối với những người hoạt động âm nhạc, là bậc thầy của hầu hết các nhà hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam dù chẳng mấy ai trong số đó được học ông trực tiếp. Đối với tôi, ông là một người thầy uyên bác mà giản dị”.
Sáng nay, 29/6, lễ động quan GS Trần Văn Khê diễn ra lúc 6h. Linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Tro cốt của GS sẽ được đưa về thờ tại nhà 32 Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. |
An Như
Thể thao & Văn hóa
Tags