Là fan ruột của báo Thể thao và Văn hóa (TT&VH) từ khi còn là một cậu bé ở tuổi lên 7, nghệ sĩ guitar Trần Tuấn Hùng của ban nhạc Bức Tường nay cũng đã sắp bước sang tuổi 50. Anh vui vẻ nhận mình vừa là fan ruột nhưng cũng là fan… già của TT&VH.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi về 40 năm TT&VH, anh không chỉ tiết lộ về một thời mình “chuyên” đi lân la các sạp báo để đọc ké các ấn phẩm báo chí, chỉ bỏ tiền túi mua Thể thao & Văn hoá mà còn nhớ lại một quãng tuổi thơ với nhiều niềm vui thú mà đến giờ vẫn luôn sống động trong kí ức của anh.
* Chúng ta đang trên hành trình trở lại năm 1982. Anh thấy cuộc sống xung quanh của mình thời đó diễn ra như thế nào?
- Không biết với người khác như thế nào, nhưng tôi thấy được sinh ra vào thời điểm ấy đúng là “hoàn hảo”!(cười): Đất nước đã kết thúc chiến tranh, hòa bình cùng với những sự hội nhập, du nhập kinh tế, văn hóa một cách chậm chạp.
Tuổi niên thiếu của tôi trải qua thập niên 80 với những sự yên bình, với những thứ mà trẻ em ngày nay không có. Đó là sự khám phá một cách tự nhiên thế giới xung quanh mình, sống và chơi cùng với những hoạt động tập thể, những giao tiếp trực tiếp và chủ động với bạn bè xung quanh…
Từ những đêm cùng đám bạn cắp theo cái ghế gỗ đi ra khu đất đầu xóm để xem chiếu bóng mà vài tháng mới có một lần, hay tập trung ở nhà người hàng xóm xem một trận bóng qua chiếc tivi đen trắng 14 inch, hít hà mùi mực in trên một tờ báo mới ra lò mới thấy dễ chịu làm sao!
Thật sự những điều đó rất quí giá và ấm áp khiến cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn không giải thích được mấy câu hỏi của cậu con trai, ví dụ như: “tối nay nếu mất điện thì làm sao mà ngủ được bố nhỉ?”. Vì điều này tôi không nhớ nổi là do ngày xưa mát hơn, hay do sự thích ứng của cơ thể khi mùa Hè thường không có điện và tất nhiên là làm gì có điều hòa nhiệt độ.
* Người lớn mỗi khi nhắc đến 2 chữ “bao cấp” thường là nghĩ về một thời khó khăn về điều kiện sống, về kinh tế, cái thời mà phải xếp hàng mới đến lượt từ đồ ăn thức uống chứ chưa nói gì đến cả tờ báo. Nhưng có lẽ báo không kịp mua cũng không sợ bằng mất lượt đổi tem phiếu, anh có nghĩ thế không?
- Tất nhiên rồi, thời nào cũng cần phải có cái ăn rồi mới nghĩ tới chuyện khác. Tôi còn nhớ ngày ấy ở khu tập thể, mọi người ngoài việc xếp hàng mua gạo, thịt thì còn phải xếp lượt để hứng nước. Có những đêm 3 giờ sáng, anh em tôi cũng phải xuống bể nước công cộng để xếp lượt rồi gánh lên tầng 3, thậm chí chuyện xô xát vì tranh giành quyền lợi trong xếp hàng cũng xảy ra khá thường xuyên. Tuy vậy, tôi vẫn thấy đó là những khoảng thời gian rất vui vẻ và đầy ắp kỷ niệm.
Với thế hệ 7x như chúng tôi thì những năm 80 là quãng thời gian lớn lên cả về thể chất lẫn tinh thần, không thể nào quên những ngày Hè đi thả diều, đá bóng cùng lũ bạn và vô số hoạt động khác.
Những thông tin về văn hóa, thể thao luôn là thứ hấp dẫn nhưng rất thiếu thốn, dẫn đến chúng tôi luôn phải tìm kiếm bằng nhiều cách khác nhau, từ việc mày mò làm ăng-ten để bắt những kênh tivi của đài Liên Xô, dò sóng radio nghe Tây Du Ký… Nhưng đặc biệt sách, báo là thứ mà gắn bó với tôi nhiều nhất. Tôi thường xuyên la cà ở cửa hàng bán sách báo gần nhà để xin đọc ké, nhưng riêng TT&VH thì xin tiền mua đều.
"Nhìn thấy một phần con người mình ở TT&VH" Tôi yêu thích TT&VH bởi tôi tìm thấy niềm vui và nhìn thấy một phần con người mình ở trong đó. Hồi đó, tôi có những ước mơ linh tính kiểu như là: "Có một ngày nào đó mình sẽ xuất hiện trên tờ áo này không nhỉ?" Đến sau này, khi TT&VH lập ra Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến thì cũng lại xuất hiện suy nghĩ: "Bức Tường của mình khi nào sẽ nhận giải?" (cười) (Nghệ sĩ guitar Trần Tuấn Hùng) |
* “Cho tôi một vé về 1982” - anh nghĩ gì về chủ đề này của báo Thể thao & Văn hóa trước kỉ niệm 40 năm thành lập tờ báo?
- Chắc chắn ai cũng muốn chuyến du hành về tuổi thơ, cho dù xấu, đẹp, buồn hay vui thì tuổi thơ luôn là nơi để lại nhiều ký ức và những sự rung cảm đầu tiên trong cuộc đời. Cảm ơn báo Thể thao & Văn hóa với ý tưởng này và những món quà ý nghĩa từ trước tới nay.
* Cũng với chủ đề này, là một độc giả ruột của báo, nếu được quay trở lại năm 1982, anh mong muốn được đọc lại bài báo (chủ đề của bài báo) nào nhất?
- Lần đầu tiên tôi đọc TT&VH là khoảng năm 1984, do bố mang về và mua liên tục trong nhiều năm kể từ đó trở đi. Tôi đặc biệt thích các bài viết về bóng đá quốc tế mà thời đó đang có màn so tài của 2 ngôi sao Platini và Maradona, với những câu chuyện về họ khiến tôi mê mẩn cho đến Mexico 86.
Năm 1982 tôi cũng được xem một số trận bóng đá Espana, nhưng thú thực là chỉ phân biệt được đội áo trắng và đội áo đen (tivi đen trắng) và chưa có nhiều hứng thú lắm. Đến năm 1984 khi diễn ra EURO mà Pháp của Platini lên ngôi thì tôi mới thực sự chú ý và yêu thích.
* Những bài báo bóng đá viết về những cầu thủ mà anh hâm mộ thời đấy đã hấp dẫn anh như thế nào?
- Thời đó không có thứ gì khơi gợi nhiều hơn là những bài báo về các cầu thủ, các đội bóng khi các ấn phẩm khiến người đọc hình dung rõ ràng về những câu chuyện bên trong và ngoài sân cỏ, những thông tin mà chỉ có các nhà báo giỏi mới cập nhật, dịch và đưa nhanh nhất tới độc giả.
Hồi ấy, tôi có một sở thích khá đặc biệt là sưu tầm ảnh các cầu thủ bóng đá. Những ảnh này được cắt ra từ báo TT&VH, từ các tờ chuyên san bóng đá khác như Bóng đá Long An, Sông Bé,… Có rất nhiều ảnh đẹp được in trên 2 mặt 1 trang báo và rồi phải kỳ công ngồi tách đôi tờ đó ra để lấy được cả 2. Mỗi bức ảnh đều được ghi chép nội dung ở dưới cẩn thận về tên tuổi, thời gian và các dữ liệu liên quan, thật tiếc là quyển tập “quý giá” đó đã bị thất lạc.
* Đến giờ này, anh có còn đi mua báo và được cô bán báo chào đón như bữa nào anh kể không? Giờ đây, người ta đọc trên điện thoại đỡ nhọc hơn là trên báo giấy và thường nếu là báo giấy, phải là có gì liên quan đến mình thì mới tìm mua và giữ…
- Hàng báo tôi hay mua cũng đã đóng cửa từ mấy năm nay rồi, và đã rất lâu rồi tôi không mua báo giấy nữa. Điều này diễn ra tự nhiên cũng như việc thương mại điện tử đang dần thay thế cách kinh doanh cũ. Tôi cho rằng đó là một sự tất yếu của thời đại và chúng ta cần thích nghi, tìm phương thức phù hợp nhưng không thay đổi bản chất của sự cung cấp thông tin đến với bạn đọc, nhanh và thật nhất!
- Nghệ sĩ Trần Tuấn Hùng: Bức Tường lên Billboard là 'một liều thuốc tăng lực cực mạnh'
- Guitarist Trần Tuấn Hùng: Khi Bức Tường khát khao được trở nên lớn lao
- Guitarist Trần Tuấn Hùng của Bức Tường: Chúng tôi vẫn thế, yêu cái đẹp, sống thật
* Nếu có một cánh cửa thần kì mong để quay về những năm 80, điều gì khiến anh cảm thấy hứng thú và muốn quay lại để sống trong cảm giác, tâm trạng đấy?
- … Tưởng tượng đứng chờ ở hàng bán báo, đón trên tay một tờ báo mới ra lò phát hành cách đây gần 40 năm nó cũng gợi mở ra rất nhiều cảm xúc khó tả! Tôi nghĩ đến một bản in đen trắng trên nền giấy ngà, mực hơi lem nhem, cùng lúc đó trên loa phát thanh đang có giọng tường thuật trực tiếp trận bóng của Thể Công…
* Cảm ơn sự chia sẻ của anh!
"Có rất nhiều ảnh đẹp được in trên 2 mặt 1 trang báo và rồi phải kỳ công ngồi tách đôi tờ đó ra để lấy được cả 2" (Nghệ sĩ guitar Trần Tuấn Hùng) |
Lam Anh
Tags