(Thethaovanhoa.vn) - Như vậy là sau nhiều nỗ lực nhưng bất thành nhằm thuyết phục các nghị sỹ Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit mà chính phủ Anh đã đạt được với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối năm 2018, cuối cùng Thủ tướng Anh Theresa May đã thông báo bà sẽ từ chức vào ngày 7/6 tới. Và trong bối cảnh bà May đã nói lời chia tay với tiến trình Brexit còn đang dang dở, thì cuộc đua giành ghế Thủ tướng Anh thay thế vị trí của bà May cũng đang “nóng” lên từng ngày.
Dấu ấn mang tên “Theresa May”
Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 với việc người dân Anh quyết định “chia tay” EU, kéo theo đó là sự ra đi của Thủ tướng David Cameron, bà Theresa May đã lên nhậm chức Thủ tướng Anh với mục tiêu là dẫn dắt Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Khi lên nhậm chức, trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách Thủ tướng vào tháng 7-2016, bà May đã vạch ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng. Theo đó, bà theo đuổi mục tiêu giúp đỡ người nghèo, chiến đấu với những "bất công đang âm ỉ" trong lòng xã hội Anh. Nhưng thực tế là bà đã không đạt được nhiều thành tựu như mong đợi bởi vấn đề Brexit đã chiếm hầu hết thời gian làm việc trên cương vị Thủ tướng của bà.
Trong một thời gian ngắn khi mới nhậm chức, Thủ tướng May đã nhanh chóng giúp các phe phái trong nội bộ đảng Bảo thủ đoàn kết, sau nhiều thập niên bị chia rẽ về chính sách đối với châu Âu. Tuy nhiên, bà May sau đó đã tự đưa mình vào "ván cược" lớn bằng cách tổ chức bầu cử sớm vào tháng 6-2017, với mong muốn tăng số ghế đảng của mình tại quốc hội nhằm củng cố quyền lực của bà trong các cuộc đàm phán Brexit với EU. Song quyết định trên lại phản tác dụng, đảng Bảo thủ của bà đã bị mất thế đa số ở Quốc hội. Thủ tướng May phải liên minh với 10 nhà lập pháp từ đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland để tiếp tục nắm quyền. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng May phải mất nhiều công sức để duy trì mối liên kết giữa hai đảng Bảo thủ và DUP.
Tháng 11-2018, sau nhiều nỗ lực đàm phán, Thủ tướng May đã đạt được thỏa thuận Brexit với các nhà lãnh đạo EU. Thỏa thuận đưa ra các điều khoản về sự ra đi của Anh và thiết lập một giai đoạn chuyển tiếp gần hai năm để hai bên xây dựng mối quan hệ trong tương lai. Nhưng kể từ thời điểm này, chính trường Anh đã rơi vào tình trạng chia rẽ nghiêm trọng liên quan đến việc thông qua thỏa thuận Brexit trên.
Tính đến nay, Hạ viện Anh đã bác bỏ tổng cộng 3 lần liên tiếp đối với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May (đạt được hồi tháng 11-2018) và 12 lựa chọn thay thế cho thỏa thuận này. Dù sự chênh lệch giữa số phiếu thuận và số phiếu chống đối với thỏa thuận Brexit đã được thu hẹp lại dần sau 3 lần bỏ phiếu song thực tế là thỏa thuận này vẫn hứng chịu thất bại.
Để phá vỡ thế bế tắc đó, từ tháng 4-2019, Thủ tướng May đã đề xuất với EU gia hạn Brexit, song song với đó, bà May tiến hành đàm phán với Công đảng đối lập, và kêu gọi đoàn kết để mang lại lợi ích cho quốc gia.
Kết quả là, EU đã chấp nhận lùi thời hạn Brexit hai lần, lần đầu là vào ngày 29-3, sau đó là ngày 12-4 và hạn chót là ngày 31-10 tới Anh sẽ phải chính thức rời EU. Tuy nhiên, những nỗ lực đàm phán nhằm phá thế bế tắc giữa chính phủ và lãnh đạo Công đảng đối lập thì vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi Công đảng mong muốn duy trì mối quan hệ thương mại gần gũi với EU thì điều này lại vấp phải sự phản đối của rất nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền và đây chính là một trở ngại rất lớn trong đàm phán giữa hai bên. Chính lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn cũng luôn hoài nghi về khả năng Thủ tướng May có thể vận động nội bộ đảng Bảo thủ ủng hộ bất kỳ thỏa hiệp nào mà hai bên đạt được sau đàm phán.
Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều thành viên của đảng Bảo thủ cầm quyền kêu gọi từ bỏ các cuộc đàm phán. Đứng trước tình huống này, Thủ tướng May đã gợi ý để Quốc hội Anh biểu quyết xem có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc đi hay ở EU hay không. Động thái này như "giọt nước tràn ly", khiến một lượng lớn thành viên đảng Bảo thủ cho rằng bà May cần rời ghế trước khi vấn đề Brexit ngã ngũ.
Trước những lời kêu gọi từ chức, Thủ tướng Theresa May vẫn tiếp tục các nỗ lực và hy vọng với kế hoạch mới sẽ giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 3-6 tới. Nhưng rồi mọi cố gắng của bà đã không được như mong muốn. Ngày 24-5, bà May đã phải tuyên bố sẽ ra đi vào ngày 7-6 tới, khép lại 3 năm cầm quyền đầy sóng gió.
“Nóng” cuộc đua vào ghế Thủ tướng Anh
Quyết định từ chức của bà May khiến tiến trình Brexit vốn rất ngổn ngang lại đứng trước một khúc ngoặt mới với nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Quyết định trên đã mở đường cho đảng Bảo thủ cầm quyền bầu ra lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới. Cuộc bỏ phiếu này dự kiến được tổ chức trong tuần bắt đầu từ ngày 10-6 tới. Người kế nhiệm Thủ tướng May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm hai giai đoạn, theo đó hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên đảng Bảo thủ. Bà May sẽ là Thủ tướng tạm quyền của Anh trong suốt cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ dự kiến kéo dài khoảng 6 tuần.
Ngày 24-5, thủ lĩnh hàng đầu của đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh Brandon Lewis thông báo nước này sẽ bổ nhiệm người kế nhiệm bà Theresa May giữ chức lãnh đạo đảng này và Thủ tướng Anh trước khi Quốc hội bước vào kỳ nghỉ mùa Hè - được ấn định vào ngày 20-7 tới.
Tính đến ngày 26-5, đã có 8 nghị sĩ Bảo thủ tuyên bố tham gia tranh cử ngôi vị lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng thời sẽ làm Thủ tướng Anh gồm: Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, cựu lãnh đạo phe Bảo thủ tại Hạ viện Anh Andrea Leadsom, cựu Bộ trưởng Việc làm và Phúc lợi Esther McVey, Ngoại trưởng Jeremy Hunt, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Rory Stewart, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock.
Tuy cuộc đua chỉ mới bắt đầu song quan điểm về Brexit mà các ứng cử viên đưa ra đã bộc lộ rõ sự khác biệt trông thấy. Và không một nghị sĩ nào ra tranh cử để thay thế bà May lại muốn đảo ngược quyết định Brexit hay tiến hành trưng cầu dân ý lần hai.
- Cựu Ngoại trưởng và hiện là nghị sĩ đảng Bảo thủ Boris Johnson đang được giới phân tích Anh xem là ứng cử viên hàng đầu và đánh giá ông có trên 30% khả năng sẽ thay thế Thủ tướng May. Đến nay, quan điểm của ông Boris Johnson nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu vào ngày 31-10 tới dù có thỏa thuận hay không. Theo ông Johnson, cách để có một thỏa thuận tốt là hãy cứ dự phòng phương án không có thỏa thuận.
- Cựu Bộ trưởng đàm phán Brexit Dominic Rabb cũng được xem là một ứng cử viên sáng giá. Quan điểm của ông Rabb giống với ông Boris Johnson khi cho rằng sẽ đưa nước Anh ra khỏi EU vào cuối tháng 10 năm nay bất kể là có thỏa thuận hay không. Trong cuộc chạy đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ, ông Rabb duy trì quan điểm Brexit bằng mọi giá, vì vậy ông cho rằng cho rằng mình có thể sẽ phớt lờ ý nguyện của Hạ viện để thực hiện Brexit.
- Bộ trưởng Môi trường Michael Gove thì mô tả mình là một người ủng hộ việc Anh rời EU, nhưng sẵn sàng thỏa hiệp về thỏa thuận này nhằm kéo đảng Bảo thủ xích lại đoàn kết với nhau. Ông Gove cũng giống như hầu hết các ứng cử viên khác trong cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, nói ông vẫn giữ Brexit không thỏa thuận là một lựa chọn đặt trên bàn đàm phán với EU, nhưng không coi thời gian 31-10 là thời hạn bắt buộc phải rời EU.
- Cựu lãnh đạo phe Bảo thủ tại Hạ viện Anh, bà Andrea Leadsom, có cùng quan điểm với hai ông Rabb và Johnson về việc nhất định Anh sẽ rời EU vào 31-10.
- Cựu Bộ trưởng Việc làm và Phúc lợi Esther McVey, người được cho là cứng rắn nhất trong số các ứng cử viên, thì thẳng thừng tuyên bố bà muốn Anh dứt khoát hoàn toàn không dính dáng gì tới EU, do vậy sẽ là Brexit không thỏa thuận và cũng không cần thiết phải đàm phán lại với EU về thỏa thuận rút khỏi.
- Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết ông sẽ giữ Brexit không thỏa thuận như một lựa chọn trong khi sẽ dùng kinh nghiệm thương mại của mình để đàm phán một thỏa thuận tốt hơn cho Anh.
- Bộ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế Rory Stewart thì cho biết không theo đuổi một Brexit không thỏa thuận và nhấn mạnh họ ủng hộ việc đàm phán tìm kiếm thỏa hiệp chung. Ông Stewart tuyên bố Brexit không thỏa thuận sẽ không thể thực hiện được, là không cần thiết và sẽ gây thiệt hại cho nước Anh.
- Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, đồng quan điểm với ông Rory Stewart, cũng cho rằng người kế nhiệm bà May phải là người "cực kỳ thẳng thắn trung thực" đối với vấn đề "mặc cả đổi chác" để thỏa thuận này được thông qua tại Hạ viện. Ông Hancock cũng bác bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử sớm ở Anh để giải quyết bế tắc Brexit, cho rằng, điều này sẽ chỉ dẫn đến thảm họa cho nước Anh và có nguy cơ tạo cơ hội để lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn lên nắm quyền vào lễ giáng sinh.
- CẬP NHẬT: Thủ tướng Anh Theresa May thông báo từ chức, cựu Ngoại trưởng B. Johnson tuyên bố tranh cử
- Thủ tướng Anh Theresa May vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ngoài các nhân vật nêu trên, hiện còn có hơn chục thành viên cấp cao của đảng Bảo thủ được cho là cũng đang cân nhắc chạy đua vị trí này, bao gồm cả ngài Graham Brady - lãnh đạo Ủy ban 1922 – nhóm nghị sĩ Bảo thủ tại Hạ viện Anh không có ghế trong Chính phủ…
Nhưng cho dù ai thay thế bà May cũng sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đạt được sự “đồng thuận và nhượng bộ” tại một Quốc hội Anh chưa bao giờ chia rẽ như hiện tại, giữa Đảng Bảo thủ và Công đảng, cũng như giữa các nhóm ủng hộ “Ở lại” và “Ra đi”. Ngay cả khi Quốc hội Anh có đạt được một thỏa thuận mới về Brexit, thì vẫn còn câu hỏi lớn về việc liệu Liên minh châu Âu có đồng ý đàm phán lại hay không thỏa thuận Brexit mà họ đã phải mất gần 2 năm đàm phán mới đạt được với chính phủ của bà May.
Trọng Đức (tổng hợp)
Tags