(Thethaovanhoa.vn) - Sau hai vòng bỏ phiếu của các nghị sĩ đảng Bảo thủ trong cuộc đua vào vị trí tân lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đều giành chiến thắng với nhiều số phiếu ủng hộ nhất. Với lợi thế này, cựu Ngoại trưởng Anh Johnson là gương mặt sáng giá nhất cho chiếc ghế Thủ tướng Anh.
Ứng cử viên Johnson chiến thắng liên tiếp sau hai vòng bỏ phiếu
Kể từ sau khi Thủ tướng Anh Theresa May chính thức từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với việc rời bỏ cương vị người đứng đầu chính phủ vào ngày 7-6 vừa qua, chính trường Anh trong những ngày qua đã hoàn toàn xoay quanh cuộc đua trở thành chủ nhân mới của nhà số 10 phố Downing. Đây được xem là một cuộc đua kịch tính nhất trong đảng Bảo thủ từ trước đến nay với 13 ứng cử viên đã công khai tuyên bố tham gia.
Trong cuộc bỏ phiếu vòng 1 bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với ghế Thủ tướng Anh diễn ra ngày 13-6 vừa qua, với 114 trên tổng số 313 phiếu bầu, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã dẫn đầu. Những ứng cử viên khác đứng sau ông Johnson là Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt được 43 phiếu, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove được 37 phiếu.... Trong khi đó, các ứng cử viên đã không đủ số phiếu bầu để trụ lại sau vòng 1 là cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ tại Hạ viện Anh Andrea Leadsom, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, Bộ trưởng Việc làm và Trợ cấp Esther McVey và nghị sĩ Mark Harper.
Tiếp đó, tại vòng II cuộc bỏ phiếu ngày 18-6, ông Johnson tiếp tục nhận được nhiều số phiếu ủng hộ nhất tại cuộc bỏ phiếu vòng 2 của các nghị sĩ đảng Bảo thủ trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh với 126 phiếu, cao hơn vòng 1 là 12 phiếu.
Người có số phiếu ủng hộ tăng mạnh nhất tại vòng này là Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Rory Stewart với số phiếu tăng gần gấp đôi, từ 19 phiếu vòng 1 sang 37 phiếu ở vòng 2. Ứng cử viên duy nhất bị loại vòng bỏ phiếu lần 2 là cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, do chỉ nhận được 30 phiếu, ít hơn số phiếu quy định tối thiểu 3 phiếu.
Như vậy, cuộc đua trở thành Thủ tướng nước Anh sau hai vòng bỏ phiếu đã được thu hẹp chỉ còn 5 ứng cử viên và cựu Ngoại trưởng Boris Johnson vẫn tiếp tục dẫn dầu cuộc đua.
Bình luận về kết quả bỏ phiếu vòng 2 của đảng Bảo thủ, nghị sĩ Gillian Keegan cho rằng ứng cử viên Rory Stewart đã có bước tiến ngoạn mục là do đã đưa ra được một "kế hoạch thực tế" đối với vấn đề Brexit và kết quả vòng 2 cho thấy vẫn "có đất cho những chính trị gia trung thực". Trong khi đó, nghị sĩ Johnny Mercer, một trong những người ủng hộ cựu Ngoại trưởng Johnson, cho biết hài lòng với kết quả vòng 2 dù thừa nhận cuộc đua trở thành Thủ tướng nước Anh vẫn "chưa kết thúc".
Theo kế hoạch, năm ứng cử viên còn lại sau vòng 2 sẽ tiếp tục có thêm các cuộc bỏ phiếu trong tuần này. Những ứng cử viên có số phiếu thấp nhất sẽ bị loại dần, để hai ứng viên được nhiều ủng hộ nhất sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại đại hội toàn thể gồm 160.000 đảng viên đảng Bảo thủ dự kiến vào ngày 22-6 tới để chọn ra lãnh đạo mới cho đảng Bảo thủ và cũng là Thủ tướng Anh, thay cho bà Theresa May. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố 4 tuần sau ngày bỏ phiếu.
Nhiều lợi thế
Trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson có được sự ủng hộ mạnh mẽ trong các đảng viên Bảo thủ trên toàn quốc cũng như nhóm nghị sĩ ủng hộ Brexit cứng tại hạ viện và nhóm nghị sĩ "Ở lại" có quan điểm tự do.
Cuộc chạy đua ông Boris Johnson đã nhận được cú hích đáng kể sau khi cựu ứng viên tham gia chạy đua vào vị trí này là Bộ trưởng Y tế Matt Hancock vừa tuyên bố ủng hộ ông Johnson trở thành tân Thủ tướng Anh. Tuyên bố ủng hộ ông Boris Johnson của ông Matt Hancock, một nhân vật thuộc phe gần gũi châu Âu, đã gây bất lợi cho đối thủ nặng ký nhất của ông Boris là Bộ trưởng Môi trường Michael Gove. Ông Gove đang nỗ lực thu hút sự ủng hộ của những nghị sĩ thuộc phe ủng hộ EU bằng cách đưa ra những lập luận chỉ ra những nguy hiểm của Brexit không thỏa thuận và cho rằng quyết định quay sang ủng hộ ông Boris Johnson của Bộ trưởng Y tế Hancock là điều đáng “thất vọng”.
Trong khi đó, bất chấp việc ông Boris Johnson nhận được nhiều sự chỉ trích của báo giới Anh khi ông từ chối tham gia tranh luận trực tiếp trên truyền hình tối 16-6 cùng 5 ứng viên là các ông Michael Gove, Jeremy Hunt, Sajid Javid, Dominic Raap và Rory Stewart, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson vẫn được xem là ứng cử viên triển vọng nhất. Ông cũng bỏ qua nhiều hoạt động trong chiến dịch vận động tranh cử của chính mình. Chính sự “lạnh lùng” này của ông Johnson khiến các đối thủ càng phải dè chừng.
Chính vì bỏ qua nhiều hoạt động trong chiến dịch vận động tranh cử nên hiện nay, dư luận nước Anh vẫn chưa rõ kế hoạch hành động trong chiến dịch vận động tranh cử của ứng cử viên Boris Johnson ra sao. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt đã đề nghị ông Boris Johnson đối mặt với các đối thủ khác trên diễn đàn công khai. Ngay cả Bộ trưởng Y tế Hancock, người vừa tuyên bố ủng hộ ông Boris Johnson cũng cho rằng ông Boris Johnson nên tham gia tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Trong khi đó, dù chỉ trích đối thủ Boris Johnson, 5 ứng cử viên còn lại vẫn thừa nhận ông chắc chắn sẽ là một trong hai ứng cử viên tham gia vòng bỏ phiếu cuối cùng của các nghị sĩ đảng Bảo thủ trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh.
Hiện nay, các “lá bài” tranh cử của ứng cử viên Boris Johnson vẫn chưa lộ diện. Nhưng trong khi các ứng cử viên khác đang đưa ra quan điểm về Brexit với mong muốn giành nhiều sự ủng hộ cho mình, thì ông Boris Johnson vẫn chứng tỏ sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU bằng bất cứ giá nào. Ứng cử viên sáng giá này cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU vào đúng hạn chót 31-10 tới, bất chấp việc có hay không có thỏa thuận.
Dự báo không ít chông gai
Mặc dù, ứng cử viên sáng giá Johnson cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU vào đúng hạn chót 31-10 tới, bất chấp việc có hay không có thỏa thuận, nhưng chẳng có gì bảo đảm ông Johnson sẽ thuyết phục được EU đàm phán lại để nước Anh có một thỏa thuận Brexit tốt hơn, nhất là liên quan đến “kế hoạch dự phòng” nhằm tránh thiết lập biên giới cứng trên đảo Ireland bởi EU khẳng định sẽ không tái đàm phán thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đã đạt được hồi tháng 11-2018 bất kể ai là nhà lãnh đạo mới của Anh.
Nhiều nghị sĩ Bảo thủ lo ngại nếu ông Johnson không tìm kiếm được những điều khoản thay thế khả quan hơn, kế hoạch của ông nhằm đưa nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31-10 mà không cần thỏa thuận sẽ bị quốc hội phủ quyết. Điều này đồng nghĩa với việc những vấn đề gai góc của nước Anh hiện tại xoay quanh Brexit vẫn không được giải quyết và London sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tổ chức bầu cử sớm hoặc trưng cầu dân ý về Brexit lần hai. Mặc dù vậy, nhiều nghị sĩ Bảo thủ đã phải thừa nhận rằng một nhân vật có quan điểm Brexit đến cùng như ông Boris Johnson là cần thiết để đưa đảng Bảo thủ khỏi tình trạng rối ren. Ông Boris Johnson có thể là một "canh bạc mạo hiểm", nhưng nhiều khả năng sẽ thể hiện được sự linh hoạt để đưa nước Anh khỏi tình trạng bế tắc hiện tại.
Lịch sử hai trăm năm của đảng Bảo thủ - đảng chính trị lâu đời nhất nước Anh - luôn có những bất ngờ. Trong cuộc đua giành chức lãnh đạo đảng Bảo thủ năm 2016, ông Boris Johnson từng là ứng cử viên sáng giá nhất nhưng sau đó lại bị chính người phụ trách chiến dịch tranh cử của mình khi ấy là ông Michael Gove vượt lên. Hiện tại dù ứng cử viên Johnson đang dẫn đầu sau cả hai vòng bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ và thủ tướng Anh, song ông Michael Gove cũng là đối thủ đáng gờm nhất đối với cựu Ngoại trưởng Johnson nhờ những thành tích chính trị nổi bật trên các chức vụ khác nhau, từ Bộ trưởng Giáo dục đến Bộ trưởng Môi trường.
Dù lãnh đạo mới của nước Anh là ai thì cũng vẫn sẽ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn của nước Anh, đó là một đất nước cùng một đảng cầm quyền chia rẽ vì Brexit; mối quan hệ căng thẳng với một EU đang nắm nhiều lợi thế. Với những khó khăn này, tiến trình đưa nước Anh rời khỏi EU khó dự báo hơn bao giờ hết. Mọi kịch bản từ một cuộc chia tay trong đổ vỡ vì không thỏa thuận, cho đến trì hoãn vô thời hạn hoặc thậm chí đảo ngược tiến trình Brexit vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.
TTXVN/ Ngọc Quyên (tổng hợp)
Tags