(Thethaovanhoa.vn) - Đột nhiên người thân của bạn bị tê khắp các đầu ngón chân, tay, co quắp toàn bộ cơ thể, kèm theo khó thở. Rất có thể người thân của bạn đang bị hạ Canxi máu. Vậy bạn sẽ làm gì trong trường hợp khẩn cấp đó?
Bài viết sau đây giúp chúng ta hiểu thêm về căn bệnh hạ Canxi máu, cách xử trí cũng như
phòng ngừa bệnh.
Các nguyên nhân làm hạ canxi máu:
- Thiếu vitamin D dẫn đến cơ thể giảm khả năng hấp canxi.
- Thức ăn thiếu canxi.
- Hấp thu kém trong những bệnh như cắt đoạn ruột, hội chứng kém hấp thu.
- Giảm canxi do nguyên nhân tâm lý như giảm albumin huyết thanh, tăng phosphate máu hoặc do dùng thuốc kích thích beta 2 kéo dài.
- Bệnh lý thận: Bệnh lý ống thận, suy thận… dùng thuốc lợi tiểu kiểu furosemid quá nhiều gây tăng đào thải canxi.
- Các rối loạn nội tiết: Suy tuyến cận giáp trạng, tăng tiết calcitonin trong ung thư tuyến giáp...
Dấu hiệu nhận biết:
- Xuất hiện những cơn co giật toàn thân.
- Tê bì đầu chi, lưỡi, quanh miệng, kèm cảm giác lo âu, co thắt các cơ ở đầu chi, các cơ co bóp không tự chủ làm cho cơ thể đau đớn khi cử động.
- Các cơ thanh quản bị duỗi cứng làm cho thanh quản hẹp lại gây hiện tượng khó thở, suy hô hấp.
- Đau bụng kiểu chuột rút, rối loạn nhịp tim.
- Hạ canxi kéo dài sẽ gây đục thủy tinh thể ở người lớn, và gây chậm tăng trưởng, còi xương ở trẻ nhỏ.
- Thông thường cơn hạ canxi cần có những kích thích mới biểu hiện rõ, ví dụ như cãi nhau, tức giận, buồn bã, căng thẳng, mệt mỏi hoặc cảm sốt...
Các bước sơ cứu người bị hạ canxi máu
Bước 1: Khi gặp trường hợp bị hạ canxi máu thì những người xung quanh phải hết sức bình tĩnh, trấn an người bệnh, sau đó cho bệnh nhân nằm nghỉ nơi thoáng mát.
Bước 2: Dùng tay vỗ nhẹ vào hai bên má để bệnh nhân có thể tỉnh táo. Nếu như bệnh nhân ngất trong một khoảng thời gian dài thì nên bấm huyệt nhân trung ở vị trí mũi và miệng để bệnh nhân nhanh chóng tỉnh lại.
Bước 3: Giữ cho đường thở bệnh nhân được thông thoáng. Khi bệnh nhân có lên cơn co giật, dùng gạc hoặc vật cứng để vào giữa hai hàm răng bệnh nhân để không bị cắn vào lưỡi.
Bước 4: Nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị
Phòng ngừa chứng hạ canxi máu:
- Thực hiện chế độ ăn đủ canxi bằng cách ăn nhiều tôm, cua, cá, ốc, vừng, đậu nành, mộc nhĩ, rau ngót và các loại sữa tươi…Cố gắng ăn ít nhất 1 tuần 1 lần các món tôm nguyên vỏ, ốc, hến và các loại sò để bổ sung lượng canxi.
- Cắt giảm cafe, rượu và muối vì những chất này thường kìm hãm khả năng hấp thu canxi.
- Mỗi ngày nên dành ít nhất 10 đến 20 phút để tắm nắng vào sáng sớm (vào 9h - 9h30 sáng mỗi ngày) để giúp cơ thể hấp thụ được nhiều Vitamin D qua da, đồng thời tăng cường việc ăn các thực phẩm có dầu thực vật để hấp thu Vitamin D tốt hơn.
- Tuyệt đối không nên nhịn đói để phophate trong cơ thể không bị giảm, gây hạ canxi.
- Chỉ nên dùng viên canxi bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ.
- Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.
- Để biết thêm thông tin, truy cập website www.hoanmycuulong.com.
Nguyễn Thị Kim Thi
(Điều dưỡng khoa Cấp Cứu và Điều Trị Trong Ngày – BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long)