Bệnh nhân phải nằm ghép đôi, ghép ba; một bác sĩ phải phụ trách đến 3 bệnh nhi; nguy cơ quá tải là thực tế đang xảy ra ở một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội khi bệnh nhi liên tục nhập viện liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa với những triệu chứng nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho…
Khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho 90 - 120 trẻ, chủ yếu từ 0-5 tuổi, còn lại số trẻ lớn hơn (từ 5-14 tuổi) chủ yếu mắc sốt xuất huyết. Số bệnh nhi nhập viện năm nay tăng nhiều so với mọi năm, đặc biệt mắc các bệnh đường hô hấp chiếm 2/3.
Nguyên nhân được bác sĩ Vũ Thị Mai - Khoa Nhi cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong 2 năm qua nên việc tiêm phòng cho trẻ bị gián đoạn, chậm trễ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình không cho trẻ đi uống vitamin A đúng hẹn… đã góp phần làm hệ miễn dịch của trẻ suy yếu và mắc bệnh, thậm chí tái đi tái lại nhiều lần.
Tình trạng trẻ nhập viện gia tăng cũng diễn ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Bạch Mai trong những tháng gần đây. Trong đó, tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhi cao hơn 20 - 30% so với cùng kỳ; Bệnh viện Đa khoa Hà Đông mỗi ngày đón khoảng 100 trẻ đến khám.
Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhi phải nằm ghép đôi, ghép ba, mỗi bác sĩ phải đảm nhiệm 20, thậm chí 30 bệnh nhân… Theo đại diện khoa Nhi các bệnh viện, nguyên nhân số bệnh nhi tăng đột biến thời gian gần đây là do đang là thời điểm giao mùa dễ phát triển một số bệnh do vi khuẩn, virus.
Để đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhi, các bệnh viện đã huy động các phòng khác hỗ trợ khoa nhi; cán bộ, nhân viên y tế khoa Nhi phải túc trực xuyên đêm, cố gắng luân chuyển bệnh nhân nhanh nhưng vẫn đảm bảo điều trị cho bệnh nhi.
Đáng lưu ý, bên cạnh những bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi, viêm phế quản, còn có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, cúm và bệnh cũng nặng hơn, đau dai dẳng hơn nên điều trị sẽ lâu hơn. Triệu chứng viêm phổi do virus Adeno dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác, thường gặp ở trẻ em 6 tháng đến 5 tuổi, do đó cần phải làm xét nghiệm để có kết quả chính xác.
Để phát hiện sớm và chăm sóc điều trị trẻ đúng cách, các chuyên gia y tế khuyến cáo gia đình cần tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách sinh hoạt khoa học như ăn uống đầy đủ, ngủ sớm, cách ly trẻ có triệu chứng với bệnh truyền nhiễm; cho trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch và đầy đủ, thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho trẻ, tránh để vi khuẩn, virus xâm nhập.
Để phòng bệnh trở nặng, phụ huynh cần phải theo dõi sát các bệnh nhân tái đi tái lại nhiều lần, các bé chưa được tiêm phòng đầy đủ, các bé chưa được uống vitamin A theo đợt. Đặc biệt, phụ huynh không được tự mua thuốc kháng sinh cho con uống. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho… phải hỏi ngay các chuyên gia tư vấn, đưa trẻ đến bệnh viện để được khám chữa, cấp đơn theo đúng bệnh.
- Nguy cơ dịch bệnh bùng phát, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh biện pháp phòng dịch
- Không để dịch bệnh tay chân miệng bùng phát, lan rộng và kéo dài
Adeno là loại virus có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi. Trước những biến chứng nguy hiểm của bệnh, phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng, cần tỉnh táo để phát hiện kịp thời và phòng lây nhiễm cho trẻ.
Tuyết Mai
Tags