(Thethaovanhoa.vn) - Tin từ Sở Y tế Hà Nội, liên quan đến vụ việc trao nhầm trẻ sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì vào năm 2012, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, chấn chỉnh công tác giao nhận trẻ sơ sinh và yêu cầu rà soát trong toàn ngành.
- 3 năm sau vụ trao nhầm trẻ sơ sinh: Hai gia đình quyết định không đổi lại con
- Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân vụ trao nhầm con ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì
Theo báo cáo của Bệnh viện, nhận được thông tin về việc trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì năm 2012 từ ngày 23/3/2018, Bệnh viện đã tiến hành điều tra hồ sơ bệnh án, sổ ghi chép thông tin của kíp trực để xác minh sự việc.
Theo đó, tại thời điểm ngày 1/11/2012, bệnh viện đã tiếp đón 2 sản phụ là chị Phùng Thị Thu Hiền, sinh năm 1989 (ở thôn Vân Trai, xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội), vào viện 22 giờ 30 phút ngày 31/10/2012, chuyển dạ đẻ thường lúc 7 giờ 10 phút ngày 1/11/2012. Chị Hiền sinh cháu trai nặng 3100 gram.
Sản phụ thứ hai là chị Vũ Thị Hương, sinh năm 1983 (ở thôn Phú Mỹ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội) vào viện 16 giờ ngày 31/10/2012, chuyển dạ đẻ thường lúc 6 giờ 50 phút ngày 1/11/2012, chị Hương sinh cháu trai nặng 3800 gram. Con chị Hiền đang nuôi tên là Phùng Thanh H., con chị Hương đang nuôi tên là Đoàn Nhật M.
Qua kết quả giám định ADN (theo công văn của Viện khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát -Bộ Công an trả lời anh Phùng Giang Sơn), chị Phùng Thị Thu Hiền là mẹ đẻ của Đoàn Nhật M. với xác suất 99,99%, anh Phùng Giang Sơn (chồng chị Hiền) là cha đẻ của Đoàn Nhật M với xác suất 99,99%, chị Vũ Thị Hương là mẹ đẻ của Phùng Thanh H với xác suất 99,99%.
Trước vụ việc trên, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 104/SYT-NVY ngày 9/7/2018 chỉ đạo Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì báo cáo làm rõ sự việc và xử lý vi phạm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình 2 cháu để giải quyết sự việc.
Về phía Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, bệnh viện đã kiểm tra hồ sơ bệnh án, sổ ghi chép của nhân viên y tế và đã xác định kíp trực trực tiếp tiếp nhận, điều trị, chăm sóc và giao nhận trẻ cho 2 sản phụ trên đã để xảy ra nhầm lẫn trong quá trình trao trẻ sơ sinh cho gia đình của 2 sản phụ Hiền và Hương. Bệnh viện đã yêu cầu kíp trực viết tường trình diễn biến sự việc và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân.
Bệnh viện đã nhận trách nhiệm sai sót và đã họp hội đồng chuyên môn, tiến hành kỷ luật kíp trực gồm y sỹ Vũ Thị Thanh Mai thôi không tham gia trực chuyên môn, không đỡ đẻ, không tắm bé và chăm sóc sơ sinh, quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách, quyết định kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách trong Đảng; hộ sinh Nguyễn Thị Đức thôi không tham gia trực chuyên môn, không đỡ đẻ, không tắm bé và chăm sóc sơ sinh, quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách; bác sỹ Ngô Hồng Quảng yêu cầu rút kinh nghiệm trong việc đôn đốc các thành viên kíp trực thực hiện đúng quy chế chuyên môn.
Đồng thời, bệnh viện đã rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn, kỹ thuật của bệnh viện, đặc biệt là quy trình chuyên môn trong chuyên ngành sản khoa và các quy trình khác có liên quan để tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh như thực hiện nghiêm túc việc đánh số mẹ, con ngay sau khi trẻ được sinh ra, khi trao trẻ cho người nhà phải hỏi rõ quan hệ và có xác nhận của sản phụ, có ký nhận vào sổ giao nhận trẻ; tổ chức tập huấn ngay, tập huấn lại và quán triệt việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật chuyên môn; thực hiện nghiêm túc quy chế thường trực, quy chế cấp cứu, các quy chế chuyên môn trong bệnh viện.
Bệnh viện chịu toàn bộ chi phí đi lại, làm xét nghiệm ADN và một số chi phí khác liên quan đến việc giám định AND và theo đề xuất của anh Phùng Giang Sơn, bệnh viện đã thanh toán là 47.551.000 đồng. Bệnh viện đã gặp 2 bên gia đình nhận khuyết điểm, lắng nghe nguyện vọng, tìm hiểu và hòa giải để 2 cháu sớm được đoàn tụ với bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, do trong quá trình hoà giải với 2 bên gia đình, có nhiều điểm chưa thống nhất trong đó có việc đề nghị mức bồi thường tổn thất quá cao, vượt quá khả năng của đơn vị nên bệnh viện đã có công văn gửi Toà án nhân dân huyện Ba Vì xem xét giải quyết vụ việc theo pháp luật.
Đoàn công tác của Sở Y tế đề nghị Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì tiếp tục gặp gỡ, trao đổi phối hợp cùng với 2 gia đình hoà giải để thống nhất phương án giải quyết, với mục tiêu đưa các cháu đoàn tụ với bố mẹ đẻ; chấp nhận thoả thuận bồi thường tổn thất tinh thần cho 2 gia đình trên cơ sở các quy định của pháp luật; phối hợp với phòng tư pháp huyện trong việc hoàn thiện các quy trình thủ tục tư pháp cho 2 gia đình sau khi có kết luật của toà án.
Để công tác giao nhận trẻ sơ sinh các cơ sở y tế đảm bảo đúng quy định, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn, kỹ thuật của cơ sở y tế, đặc biệt là quy trình chuyên môn trong chuyên ngành sản khoa và các quy trình khác liên quan đến việc tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh; thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa, chữa bệnh tại bệnh viện và các tiêu chí quy định về đảm bảo xác định chính xác người bệnh trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, ban hành kèm theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ Y tế.
Tiêu chí D2.4. đảm bảo xác định chính xác người bệnh khi cung cấp dịch vụ; tổ chức tập huấn ngay, tập huấn lại và quán triệt việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật chuyên môn, thực hiện nghiêm túc quy chế thường trực, quy chế cấp cứu, các quy chế chuyên môn; giao cho đầu ngành sản phụ khoa là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giám sát các đơn vị thực hiện quy trình kỹ thuật sản khoa, tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh. Nếu đơn vị để xảy ra các vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Sở Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.
Được biết, hôm nay, ngày Chủ nhật (15/7), hai gia đình sẽ tổ chức bữa cơm gia đình bàn bạc cụ thể về việc đoàn tụ của các con để sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý thay đổi tên họ và làm thủ tục nhập học cho các con.
Tuyết Mai (TTXVN)
Tags