(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 6/7, các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn TP Hà Nội năm 2015.
Có 19 đường phố đặt tên mới, trong đó 9 đường, phố mang tên địa danh, 4 đường phố mang tên di tích lịch sử, 6 đường phố mang tên danh nhân, có 3 phố điều chỉnh kéo dài.
Quận Tây Hồ có 2 đường phố gồm Phố Nguyễn Đình Thi là đoạn từ ngã ba giao cắt đường Thanh Niên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng đến ngã ba giao cắt phố Trích Sài. Phố Trịnh Công Sơn là đoạn từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến giao với dốc ngã ba đê Âu Cơ.
Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông đã chính thức được đặt tên đường phố trên địa bàn quận Cầu Giấy. Phố Mạc Thái Tổ là đoạn đường từ ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt phố Trung Kính. Phố Mạc Thái Tông là đoạn đường từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính, tiếp nối phố Vũ Phạm Hàm.
Nhiều năm trước UBND thành phố Hà Nội lần đầu trình HĐND xem xét việc đặt tên tuyến phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông cho hai tuyến phố cũ trên địa bàn quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, do tuyến phố giới thiệu gần phố Duy Tân là không hợp lý nên sau đó có tờ trình rút việc đặt tên hai vị vua Mạc cho hai tuyến phố.
Năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tiếp tục đề xuất đặt tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông cho hai đoạn đường trên địa bàn quận Cầu Giấy. Đề xuất này dựa trên sự thống nhất của Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố và sự đồng thuận của các cơ quan chức năng có liên quan. Hội đồng tư vấn có sự tham gia của đầy đủ các cơ quan từ: Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng Di sản quốc gia Việt Nam, Viện Sử học, Viện Khoa học lịch sử quân sự, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… trải qua hơn 10 phiên họp bàn ở nhiều cấp độ khác nhau.
Di tích Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Thực tế, tên hai vị vua Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông đã được đặt tên đường phố ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Cụ thể, Mạc Đăng Dung được đặt tên đường ở 9 tỉnh, thành phố như: Đường ở thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi; đường ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang; đường ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đường ở quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng; ở Thành phố Hồ Chí Minh… Mạc Đăng Doanh được đặt tên đường cho đường ở quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng và đường ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Lật lại lịch sử cho thấy, do những hạn chế lịch sử, triều Mạc bị các sử quan phong kiến xếp vào hàng “ngụy triều”. Do cái nhìn sai lệch chủ quan của các sử gia phong kiến, suốt một thời gian dài, việc ghi chép, nghiên cứu cũng như đánh giá, nhìn nhận về Vương triều Mạc, thời đại Mạc không đầy đủ, thiếu chân thực. Tuy vậy, trong hàng chục năm qua, nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu về triều Mạc liên tục diễn ra để có cái nhìn toàn diện, khách quan về Vương triều Mạc. Hầu hết, các nhà nghiên cứu sử học đều cho rằng, nhà Mạc không phải là “ngụy triều”, Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông có những đóng góp nhất định cho sự phát triển trong lịch sử.
Như vậy, sau nhiều thăng trầm, tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông đã được thông qua kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV.
Phạm Mỹ
Tags