Sự việc kịp thời chấn chỉnh
Một phụ huynh có cháu học lớp 3A8, trường tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội phản ánh: “Cháu tôi kể rất nhiều bạn bị cô giáo dán băng dính vào miệng suốt cả giờ học vì lỗi nói chuyện riêng. Sau khi các phụ huynh phản đối, đầu tiên cô giáo cãi, sau lý giải là phương pháp sư phạm”. Ngay sau đó, giáo viên này đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc.
Trao đổi với PV, chị Trần Hồng Hạnh, trưởng ban Phụ huynh lớp 3A8 cho biết: “Hai con trai sinh đôi của tôi học trong lớp kể rằng: “Hôm nay con bị phạt. Con nói nhiều quá và gác chân lên ghế vì thế cô giáo đã dán băng dính vào miệng con”. Cả hai cháu đều bị dán băng dính. Cô giáo đã gọi điện cho tôi kể về sự việc và xin lỗi tôi cũng như một số phụ huynh khác có con bị dán băng dính trong ngày hôm đó”.
“Khi nhận được điện thoại xin lỗi của cô giáo với 5- 6 phụ huynh học sinh có con bị dán băng dính nhiều phụ huynh chia sẻ rằng đây là hành động bộc phát của cô nên thống nhất là góp ý chứ không tổ chức thành cuộc họp”, chị Trần Hồng Hạnh cho biết.
Trường Tiểu học Hoàng Liệt. Ảnh: LV
Ngày 6/12, PV đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Liệt và được xác nhận có sự việc này xảy ra như lời phụ huynh phản ánh. “Cô Phùng Hồng Anh được giao tạm là giáo viên chủ nhiệm lớp 3A8. Cô Hồng Anh tốt nghiệp CĐ Sư phạm Hải Dương năm 2015 và là 1 trong 8 giáo viên mới được nhận thử việc tại trường từ năm học 2016- 2017”, bà Bích Hạnh cho biết.
Tại đây, bà Bích Hạnh đưa ra đơn xin nghỉ việc của cô Hồng Anh và báo cáo của trường gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, phòng giáo dục quận Hoàng Mai vào chiều ngày 5/12/2016. Cụ thể, sự việc diễn ra vào chiều ngày 23/11, cô giáo Phùng Hồng Anh, trong khi dạy có nhiều học sinh mất trật tự, nhưng vì chưa có kinh nghiệm, cô đã dán băng dính vào miệng một số em nói chuyện riêng. Khoảng ít phút sau cô đã trấn tĩnh lại và xin lỗi các em học sinh. Tối cùng ngày đi làm về cô đã gọi điện cho Trưởng ban phụ huynh học sinh của lớp và từng phụ huynh có con bị phạt xin lỗi về việc làm của mình.
Ngày 23/11/2016, cô Phùng Hồng Anh cũng làm đơn xin thôi thử việc tại trường. “Mặc dù nhận được sự chia sẻ, thông cảm của các cha mẹ học sinh trong lớp, nhưng sau sự việc xảy ra, tôi thấy mình thật có lỗi và tự bản thân thấy mình cần phải kiềm chế. Tôi cần phải có thêm thời gian suy nghĩ lại việc mình đã làm và cần phải học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, học hỏi giáo viên lâu năm để có kinh nghiệm trước khi giảng dạỵ”, cô Hồng Anh viết.
Dù sự việc diễn ra từ hàng chục ngày trước đó nhưng đến nay mới được phản ánh lại. Giải thích về điều này bà Bích Hạnh cho biết, ngay ngày hôm sau khi sự việc diễn ra, trường đã họp hội đồng sư phạm toàn trường và có báo cáo về phòng giáo dục quận Hoàng Mai. Trường được chỉ đạo đây là giáo viên thử việc và chỉ dừng lại ở việc làm báo cáo sự việc tới phòng giáo dục.
Theo biên bản của trường gửi Sở GD – ĐT Hà Nội, Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai, vào 11 giờ ngày 24/11, Ban giám hiệu nhà trường đã họp thống nhất và đã nghiêm túc rút kinh nghiệm cho cô giáo về sự việc nêu trên. Yêu cầu cô rút ra bài học cho bản thân, phải nghiêm túc thực hiện đạo đức nhà giáo. Đồng thời đồng ý cho cô giáo Phùng Hồng Anh nghỉ dạy thử việc tại trường và báo cáo với phòng GD – ĐT quận. Đến ngày 5/12/2016, nhà trường đã hoàn thiện và bố trì bàn giao hồ sơ cho cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hồng vào chủ nhiệm chính thức lớp 3A8.
“Sau khi biết cô Hồng Anh nghỉ việc, nhiều phụ huynh đã đến nói chuyện với tôi cần đánh giá về cả quá trình của cô Hồng Anh là một giáo viên nhiệt huyết, có tâm, được học trò yêu mến. Do đó nên giữ cô lại giảng dạy. Nhưng trước khi đồng ý cho cô Hồng Anh nghỉ việc, tôi cũng kiên quyết rút kinh nghiệm với cá nhân cô Hồng Anh cũng như Hội đồng sư phạm toàn trường. Đến nay, đã có giáo viên thay thế cô Hồng Anh chủ nhiệm lớp 3A8”, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh nói.
Bình luận về hành động này bà Nguyễn Thị Bích Hạnh khẳng định đây là hành động không chấp nhận được trong môi trường sư phạm. Là giáo viên cần phải biết kiềm chế với hành động của học sinh. “Mặc dù được phụ huynh yêu mến giữ lại giảng dạy nhưng tôi vẫn quyết định để cô nghỉ việc. Bởi hành động của cô đã làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục Thủ đô, quận Hoàng Mai và trường. Ngay khi nhận quyết định làm hiệu trưởng từ tháng 2/2016, tôi đã chỉ đạo rất rõ trong các Hội nghị cán bộ viên chức, trong xây dựng kế hoạch năm học về việc không vi phạm đạo đức nhà giáo”, bà Bích Hạnh nhấn mạnh.
Trả lời PV trước việc để một giáo viên thử việc tạm chủ nhiệm lớp, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh cho biết, năm học vừa rồi trường trong tình trạng thiếu giáo viên bởi xung quanh là 12 tòa chung cư cao tầng mọc lên thì có tới 9 tòa nhà đi vào hoạt động khiến số học sinh tăng vọt. Nếu năm ngoái là hơn 1.800 em, sau mấy tháng hè, lên hơn 2000 học sinh, tăng 13 lớp. Trong khi sĩ số mỗi lớp trung bình từ 50- 55 học sinh. Nắm bắt được tình hình này trường đã liên tục đề nghị với phòng giáo dục quận bổ sung giáo viên. Trong quá trình chờ bổ sung giáo viên, nhà trường buộc phải thử việc các giáo viên trẻ. Trong 8 giáo viên trẻ thì có 3 giáo viên được giao tạm đứng chủ nhiệm lớp. Khi việc này được sắp xếp thì nhờ những nỗ lực của phòng giáo dục trường mới có thêm 5 giáo viên biên chế về.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Nội gọi điện trực tiếp tới lãnh đạo trường tiểu học Hoàng Liệt và yêu cầu nhà trường báo cáo cụ thể về sự việc. Và khẳng định sẽ làm rõ sự việc.
Tags