Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị hướng dẫn công tác coi thi Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2023-2024, phổ biến tới toàn bộ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo 30 quận, huyện, thị xã, Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông, lãnh đạo 201 điểm thi về các nội dung như: chuẩn bị cơ sở vật chất, công tác coi thi và chế độ báo cáo trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đánh giá cao sự tích cực, nỗ lực chuẩn bị điều kiện tổ chức kỳ thi của cơ quan chức năng, địa phương và các điểm thi. Công tác chuẩn bị tại các địa phương nơi đặt điểm thi đã hoàn tất; tất cả quận, huyện, thị xã đều có phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh an toàn, cung cấp điện, nước, y tế, giao thông, an toàn vệ sinh… kịp thời ứng phó với vấn đề bất thường về thời tiết, dịch bệnh, y tế...
Ông Trần Thế Cương đề nghị, cán bộ tham gia phục vụ kỳ thi nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm vững văn bản hướng dẫn, quy chế thi để đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, minh bạch, chất lượng. Các điểm thi chủ động làm việc với Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh cấp quận, huyện, thị xã và chính quyền địa phương về công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho điểm thi; phân luồng giao thông, giải tỏa ùn tắc trước điểm thi; dự kiến phương án bảo vệ, nhất là phòng thi sát nhà dân, tường rào không đảm bảo…; đề xuất phương án phòng, chống cháy nổ, mưa lũ, ngập úng, mất điện, công tác y tế đảm bảo an toàn cho điểm thi trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Hướng dẫn về công tác coi thi, ông Nghiêm Văn Bình, Phó trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) đề nghị các điểm thi thực hiện nghiêm túc, đầy đủ hướng dẫn của Sở, thường xuyên cập nhật thông tin từ Ban Chỉ đạo thi, kịp thời báo cáo vấn đề phát sinh. Khi phát hiện tình huống bất thường cần bình tĩnh xử lý, tuyệt đối không được làm thí sinh hoang mang, ảnh hưởng tới chất lượng bài thi và quyền lợi của thí sinh trong kỳ thi.
Về cơ sở vật chất tại các điểm thi, bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, để phục vụ kỳ thi, Sở đã điều động 590 cán bộ thanh tra, trong đó có 553 thanh tra chính thức, 47 thanh tra dự phòng. Từ ngày 29/5 đến ngày 7/6, Sở thành lập 19 tổ đi kiểm tra 201 điểm thi, trong đó có 113 điểm thi tại trường Trung học phổ thông, 88 điểm thi tại trường Trung học cơ sở. Bà Đoàn Thị Kiều Oanh cho biết thêm, tại thời điểm kiểm tra, còn một số điểm thi chưa hoàn thiện điều kiện về cơ sở vật chất, song theo báo cáo từ các điểm thi này, hiện đã chuẩn bị đầy đủ theo đúng yêu cầu để đảm bảo kỳ thi an toàn, minh bạch, công bằng.
Tại hội nghị, Công an TP. Hà Nội cũng hướng dẫn các cán bộ coi thi nhận diện về một số thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử hiện nay.
Theo Công an TP. Hà Nội, về các thiết bị gian lận thi cử, hàng năm Bộ Công an và Công an Thành phố đều có kế hoạch để rà soát, phát hiện, nắm tình hình, xử lý việc buôn bán, lưu hành các thiết bị này. Công an Thành phố cũng xâm nhập vào các hội nhóm hướng dẫn sử dụng thiết bị, hội nhóm tổ chức gian lận thi cử và đã xử lý nghiêm minh nhiều trường hợp, tuyên truyền, cảnh báo đến người dân. Tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng có nhiều thiết bị tinh vi, nhỏ gọn khó phát hiện…
Công an TP. Hà Nội đã hướng dẫn cán bộ coi thi các dấu hiệu chung để phát hiện các thiết bị này trong phòng thi, cách nhận diện các thiết bị này có thể được gắn trong các vật dụng được mang vào phòng thi (bút, đồng hồ, thắt lưng, cúc áo…).
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 vào các trường công lập không chuyên của Hà Nội diễn ra ngày 10 - 11/6. Học sinh làm ba bài thi gồm: Ngữ văn (120 phút), Toán (120 phút) và Ngoại ngữ (60 phút). Với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn. Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Ngày 12/6, thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 thuộc các trường Trung học phổ thông chuyên và có lớp chuyên sẽ làm bài thi các môn chuyên. Theo đó, sáng 12/6, thí sinh thi các môn: Ngữ văn, Toán, Tin học, Sinh học, mỗi bài thi 150 phút (từ 8 giờ - 10 giờ 30 phút); tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn (môn thay thế), mỗi bài thi 120 phút (từ 8 - 10 giờ). Chiều 12/6, thí sinh thi các môn: Vật lý, Lịch sử, Địa lý, mỗi bài thi 150 phút (từ 14 - 16 giờ 30 phút); Hóa học, tiếng Anh, mỗi bài thi 120 phút (từ 14 - 16 giờ).
Tags