Khi Hà Nội FC quá mạnh, người ta cứ hy vọng họ… bớt mạnh đi để cho đội khác có cơ hội. Nhưng lần này, mọi thứ có vẻ đáng lo vì đội bóng hùng mạnh nhất V-League không chỉ thất vọng về mặt kết quả mà còn mất đi những gì mà họ từng có.
Nếu chỉ xét thành tích tại V-League thì tình hình cũng chưa quá tệ vì Hà Nội FC vừa có trận thắng đầu tiên trong mùa trước B.Bình Dương, một đội đang dần quay trở lại đỉnh cao. Nhưng thực tế thì đầu mùa bóng đến nay, họ đã thua đến 7 trận (4 tại AFC Champions League) và chỉ thắng được 2. Hà Nội FC ghi được 9 bàn trên mọi đấu trường nhưng thủng lưới đến 23. Không có con số nào để lạc quan cả.
Tất nhiên là Hà Nội FC vẫn có thể không lao dốc. Mùa 2021, họ từng thi đấu khá tệ, suýt phải rơi vào nhóm play-off trụ hạng nếu mùa bóng đó không bị hủy, và đó cũng chẳng phải lần đầu mà Hà Nội FC chơi thất thường trong giai đoạn đầu mùa.
Nhưng tình hình bây giờ khác trước rất nhiều. Nếu trước đây, vấn đề nằm ở phong độ hoặc cảm hứng, khao khát chiến thắng bị vơi đi trong một thời đoạn ngắn, nên chỉ cần xốc lại tinh thần thì mọi thứ vẫn ổn nhờ yếu tố nội lực cùng khả năng ứng biến của các HLV vốn hiểu rõ CLB.
Bây giờ thì sao, trên sân bóng ở trận gặp Bình Định vẫn là Văn Quyết, Hùng Dũng, Tấn Trường, Thành Chung, Duy Mạnh…, chẳng có ai mới mẻ cả. Những con người đó vốn là biểu tượng của giai đoạn hưng thịnh nhất của Hà Nội FC, nhưng về cơ bản họ đã…già hoặc ở bên kia phần đỉnh cao của sự nghiệp. Tất nhiên là họ vẫn thuộc nhóm các cầu thủ hàng đầu V-League nhưng vấn đề đặt ra là "những dòng máu trẻ" ở đâu trong khi đó chính là điểm mạnh nhất, thứ làm nên một Hà Nội thống trị V-League suốt từ 2010 đến nay.
Văn Quyết hiện còn thi đấu thì tốt cho cá nhân anh, một cầu thủ chuyên nghiệp mẫu mực, nhưng xét ở góc độ phát triển đội bóng thì một cầu thủ mang tính biểu tượng suốt gần chục năm trời không ai thay thế thì không ổn.
Biểu tượng thì vẫn là biểu tượng, nhưng lẽ ra phải ít ra sân hơn, làm điểm tựa tinh thần nhiều hơn, vì có là gì đi nữa cũng phải đến lúc từ giã sân cỏ. Văn Quyết còn thi đấu miệt mài hết trận này qua trận khác, chẳng qua vì Hà Nội FC chưa tìm ra một biểu tượng nào khác sau khi Quang Hải rời đi.
Cũng vì sự cũ kỹ của nhân sự mới dẫn đến sự bế tắc về khía cạnh chiến thuật khiến cho Hà Nội FC thay đổi HLV xoành xoạch. Chu kỳ thành công của Hà Nội FC gắn liền với 2 HLV là Phan Thanh Hùng và Chu Đình Nghiêm. Cả 2 nhà cầm quân này đều có "đội bóng riêng" của mình nên cũng tạo ra những phong cách chơi bóng mang tính bản sắc, ổn định. Trong khi đó, với Hà Nội FC hiện nay, có thay bao nhiêu HLV đi nữa cũng vậy.
Xét cho cùng thì sóng sau đè sóng trước, Hà Nội FC không thể cứ ở trên đỉnh mãi. Nhiều đội bóng đang thể hiện tham vọng sẵn sàng lật đổ họ và điều đó tốt cho sự phát triển chung của nền bóng đá. Nhưng nếu là câu chuyện đua tranh thì chẳng nói làm gì, đằng này sự sa sút của Hà Nội FC đến từ nội tại của họ. Nghĩa là họ yếu đi thấy rõ chứ không phải vì các đội khác mạnh hơn.
Còn nữa, trước đây Hà Nội FC và HAGL là 2 đội bóng được yêu mến, ngưỡng vọng vì khả năng cung cấp cầu thủ trẻ. Giờ thì 2 biểu tượng ấy đều thoái trào ở cái điểm quan trọng nhất: Lực lượng kế thừa. Trong bối cảnh đó, các CLB khác lại đang mạnh hơn không phải vì nội lực mà là do mua sắm cầu thủ. Xu hướng đó không hẳn là tốt nếu chúng ta nhìn đến sự khổ nhọc đến mức liều lĩnh của HLV Troussier trên ĐTQG. Cái sự thoái trào này mới thực sự đáng ngại.
Tags