Hà Nội không vội được đâu!

Thứ Hai, 03/11/2014 08:45 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Nhiều dự thảo luật và luật có những quy định liên quan tới hành vi ứng xử đã thất bại. Song có nên vì thế mà cộng đồng vội quay lưng với bất cứ nỗ lực nào của các nhà quản lý hướng tới ứng xử văn hóa?

Những hành vi ứng xử như: “bún mắng”, “cháo chửi”, “hoa tặc”, cầm điếu cày phân làn giao thông… sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn khi Bộ hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư của Hà Nội được ban hành. Đó là kỳ vọng của những nhà quản lý và nhiều người yêu Thủ đô khi Sở VH,TT&DL Hà Nội trình dự thảo văn bản trên lên UBND TP trong tuần qua.

Song nếu nhìn lại những văn bản pháp lý đã ban hành về quy cách ứng xử, nhiều ý kiến cho rằng mong chờ một văn bản hành chính có thể xử lý tận gốc những  “thảm họa” ứng xử ở Thủ đô là phi thực tế.

Có thể kể một vài điều luật, dự thảo luật liên quan tới hành vi ứng xử trong thời gian gần đây như sau: Tháng 5/2013, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực. Luật quy định rõ: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng đối với một trong các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại những địa điểm được phép hút thuốc lá…

Cũng trong năm 2013, dự thảo Nghị định “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” khiến dư luận xôn xao. Theo đó, dự thảo nghị định quy định mức phạt tiền cụ thể với việc cởi trần, chửi tục nơi công cộng.

Giữa năm 2014, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia được công bố. Dự thảo Luật nêu rõ: kinh doanh rượu bia có thể bị cấm bán từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

2. Hẳn nhiên, tất cả những dự thảo luật và luật trên đều xuất phát từ mục đích điều chỉnh hành vi, hướng xã hội vào trật tự, nề nếp. Song trên thực tế, trong những luật và dự thảo luật liên quan đến văn hóa ứng xử: có dự thảo luật bị người dân phản đối kịch liệt rồi treo không biết tới bao giờ, có dự thảo luật đơn vị công bố đã phải rút về, và có những điều luật gần như không vào được đời sống và “chết yểu” ngay trên giấy tờ…

Vậy chúng ta trông chờ gì ở một Bộ hệ thống quy tắc ứng xử mang tính chất như “hương ước” xưa có thể thay đổi hoàn toàn hành vi ứng xử của cộng đồng? Niềm hy vọng “lệ làng” sẽ bổ khuyết, hoàn thiện thay cho “phép vua” có là lỗi thời và viển vông?

Không hoàn toàn. Vì theo dõi kỹ hành trình xây dựng bộ hệ thống quy tắc ứng xử có thể thấy Sở đang có những bước đi chậm, chắc. Cụ thể, quá trình từ hội thảo bàn việc xây dựng bộ hệ thống quy tắc tới việc dự kiến đưa bộ hệ thống quy tắc vào đời sống kéo dài tới 3 năm (từ 2012 - dự kiến đến 2015) và qua rất nhiều giai đoạn lấy ý kiến cộng đồng. Quan trọng hơn, Sở hiểu tính chất việc làm của mình.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, PGĐ Sở VH,TT&DL Hà Nội trao đổi với người viết: “Việc đưa bộ Hệ thống Quy tắc ứng xử của người Hà Nội vào cuộc sống là rất cần thiết, song không thể nóng vội. Vì khi người dân chấp nhận Hệ thống Quy tắc ứng xử một cách khiên cưỡng đồng nghĩa với ý tưởng này thất bại”.

Quả vậy, muốn chắc thì phải từ từ, Hà Nội không vội được đâu!

Câu nói trên đúng với cả nhà quản lý và một bộ phận dư luận chưa nhìn thấy hình hài của bộ hệ thống quy tắc ứng xử đã nhanh nhảu “ném đá”.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›