Ngày 31/7, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, các dịch bệnh như sốt xuất huyết Dengue có xu hướng tăng trong những tuần gần đây khi xuất hiện thêm ổ dịch mới, một số khu vực có ổ dịch cũ diễn biến dịch phức tạp.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC), trong 4 tuần vừa qua, có thêm 697 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố ghi nhận 1.114 ca mắc (không có trường hợp tử vong), gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 285/579 xã, phường, thị trấn. Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Thành phố đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.
Trước tình hình đó, thành phố tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và cơ sở y tế; thường xuyên giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao.
UBND thành phố Hà Nội cho biết thêm, trong tháng 7, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố tiếp tục giảm mạnh. Cộng dồn từ đầu năm đến 18 giờ ngày 23/7/2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận 19.500 ca mắc COVID-19, không ghi nhận trường hợp tử vong. Tính từ đầu mùa dịch, Hà Nội ghi nhận 1.656 nghìn ca mắc COVID-19, trong đó, có 1.346 người đã tử vong, chiếm 0,08% tổng số người mắc.
Ngoài ra, bệnh tay chân miệng giảm 64 ca so với tháng trước, trong tháng 7, thành phố ghi nhận 179 ca mắc, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 961 ca mắc, không có trường hợp tử vong.
Cũng trong tháng 7, thành phố ghi nhận 103 ca mắc mới thủy đậu, cộng dồn từ đầu năm tới nay, Hà Nội ghi nhận 1.878 ca mắc, không có trường hợp tử vong. Các dịch bệnh khác như dại, sởi và viêm não Nhật Bản, ho gà... được kiểm soát tốt, không ghi nhận ổ dịch.
Ngành Y tế Thủ đô tăng cường tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh, dấu hiệu nhận biết, cách phòng bệnh để người dân biết, tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, ngành tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và cộng đồng.
Sở Y tế đã chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở chủ động làm tốt các hoạt động như: Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch; diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường; phun hóa chất tại khu vực ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức về điều trị bệnh; phân tầng, phân tuyến điều trị tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người bệnh; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền đáp ứng đầy đủ khi số bệnh nhân gia tăng.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngành Y tế huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, đoàn thể và nhân dân cùng tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh; triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm "4 tại chỗ" đồng bộ, hiệu quả, hạn chế thấp nhất hậu quả do dịch bệnh gây ra ngay tại cơ sở.
Bà Trần Thị Nhị Hà khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, lơ là với bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu, hiệu quả là diệt muỗi, loăng quăng, phòng muỗi đốt.
Tags