Bánh chưng "mụ" là cái bánh chưng xinh xinh cho tất cả trẻ nhỏ trong nhà. Nhà nào gói nhiều bánh chưng mụ có nghĩa là nhà ấy "phúc" dày. Vậy nên tiếng lành đồn xa. Những nhà hiếm muộn rất mong được đến chúc Tết các gia đình gói nhiều bánh chưng mụ.
1. Chả biết chỗ nhà các bác thế nào chứ Hà Nội quê em xưa, luộc bánh vỉa hè là chuyện thường. À mà giờ vẫn vậy. Cứ sát Tết là lại thấy bập bùng những bếp luộc bánh chưng trên vỉa hè phố. Và tất nhiên là rất rộn ràng.
Ở Hà Nội, mỗi số nhà thường có dăm ba hộ gia đình với vài chục nhân khẩu nên đến cuối năm, bỏ qua mọi xích mích xóm giềng mà rủ nhau gói bánh chung, luộc bánh chung. Sau năm 1954 rồi 1975, cán bộ, bộ đội, công nhân viên... các nơi đổ về cùng gia đình vợ con. Họ ken dần chặt vào phố nên ngày hiếm hẳn những khoảng sân trong. Nơi ấy mới là đẹp nhất để luộc bánh chưng Tết.
Vậy là qua ông Công ông Táo, phố bắt đầu bập bùng những bếp luộc bánh chưng. Và thường túm lại dăm bảy cái bếp củi ở một chỗ. Thanh niên trai gái ông bà cha mẹ trẻ nhỏ cứ chuyện ran nói cười. Tập trung luộc một chỗ thế mà tiện. Hai người có thể trông được một dãy nồi. Cứ thế mà thay nhau tranh thủ chạy nốt những việc cuối năm.
Trời rét cóng như hôm nay mà rửa lá, đãi đỗ, vo gạo thì buốt lắm nhỉ? Trước, là hồi bé ấy, tôi toàn theo bà ngoại với mẹ ra máy nước công cộng ngồi xem rửa lá. Gạo và đỗ thì phải ngâm nước mưa. Nước mưa cũng để luộc bánh. Việc gói bánh thì được bà nội và bố đảm nhận. Bố khứa nhẹ vào sống lá rồi tước rượt một cái là xong rồi soạn lá lớp ngoài lớp sẵn cho từng cái bánh. Chuẩn bị và luộc nồi bánh mới mệt và lâu chứ gói bánh thì nhanh. Không dám nói sai, bố tôi chỉ tốn 20 giây đến 30 giây một cái. Nhưng ông cứ nhẩn nha thỉnh thoảng trà thuốc kéo dài thời gian. Ai thích bánh gói khuôn thì thích. Tôi thích bánh gói vo thôi.
Thích nhất là kiểu gì mỗi đứa trẻ cũng được người lớn gói cho cái bánh chưng xinh! Luộc xong móc tay sợi lạt buộc thêm tòong teng chạy đi khoe cả xóm. Nhà tôi hồi đó gọi là bánh chưng "mụ" theo truyền thống gia đình. Cái tên hay với ý nghĩa đẹp như thế mà giờ không thấy ai nhắc đến nữa nhỉ?
Đấy là cái bánh chưng xinh xinh cho tất cả trẻ nhỏ trong nhà. Từ đứa mới đẻ đến đứa đã "trứng cá má đào", con cháu trong nhà đứa nào cũng được bánh chưng mụ. Bánh chưng mụ là cái "bánh chưng phúc". Nhà nào gói nhiều bánh chưng mụ có nghĩa là nhà ấy "phúc" dày. Những nhà gói bánh chưng mụ thường gói nhiều hơn đám trẻ trong nhà, để dành tặng cho những đôi vợ chồng mới cưới hay những gia đình đang mong tin vui. Ấy là tặng "phúc" cho nhau. Vậy nên tiếng lành đồn xa. Những nhà hiếm muộn rất mong được đến chúc Tết các gia đình gói nhiều bánh chưng mụ. Đấy! Cứ nghĩ cái bánh chưng xinh đơn giản là bánh gói cho trẻ con nó thích mà không phải. Ấy còn là chuyện lớn hơn, chuyện ăn ở của người với người.
2. Mãi rồi cũng lơ mơ hiểu vì sao món Hà Nội lại ngon. Cái ngon Hà Nội có một thứ hương vị đặc biệt. Ấy là cái nhớ. Tự nhiên tôi nhớ đến một loại bánh chưng kiểu cổ, rất ngon và thơm: Bánh chưng gấc.
Bánh chưng gấc Hà Nội có một kiểu thưởng thức khá lạ. Là dùng với trà. Khách đến chúc Tết. Gia chủ pha một phẩm trà đậm rồi nhâm nhi cùng. Tết đến nhà nhau, không gặp bữa nhưng vẫn mời nhau được miếng bánh. Không khề khà chén rượu nhưng bánh chưng gấc lại rất đẹp cho một cuộc trà Xuân.
Đã gấc thì ắt phải ngọt. Nhưng bánh chưng gấc hồi đó cũng có đôi phương. Một phương là áo nếp gấc, nhân đậu xanh ngào với mỡ gà, ở giữa là thịt lợn nạc. Một phương nữa là áo nếp gấc, nhân đậu xanh ngào đường, lại lật sật mỡ gáy thái hạt lựu sên đường với hạt dưa. Phương thứ hai này có lẽ đã thất truyền để nên cái nhớ cho bọn u hoài khóc những cái ngon.
3. Năm ngoái, nhà tôi cũng gói bánh chưng cho trẻ con nó thích mà cuối cùng bọn nó chỉ cư xử ngoại giao tí cho ông vui thôi. Cũng lôi nhau ra vỉa hè luộc bánh mà chúng nó coi như việc của "liên hiệp quốc". Gói cho bọn nó cái bánh chưng con thì cũng chỉ thích thú trong 30 giây. Người lớn vừa mệt vừa chán.
Tôi phát hiện ra điều này. Những người giữ được đúng khẩu vị ngày xưa của Hà Nội, lại là những người Hà Nội đi xa Hà Nội. Các cô các chú theo ông bà họ sang Pháp năm 1954 lại giữ chuẩn thức nấu và vị hồi ấy luôn. Người Hà Nội di cư thường giữ gìn tốt hơn đa số người còn ở lại. Vậy nên nhiều gia đình đã chuyển hẳn vào Nam rồi nhưng những ngày sát Tết vẫn bay ra Hà Nội mà gửi gắm người quen mà luộc bánh vỉa hè. Chuyện đó thật vui vẻ ấm áp như người ta được về quê vậy.
Trong mưa Xuân phơi phới, bạn bè cũ gặp nhau quây quần gói cả trăm chiếc bánh mà luộc chia nhau. Ăn có được mấy miếng đâu, nhưng ấy là cái tình, cái nghĩa. Vỉa hè giờ toàn dùng đá cao cấp nên ai cũng sợ rộp vỡ hơn xưa. Thế là phải lót một lượt cát ẩm, xếp một lượt gạch lên trên cho phẳng phiu rồi mới bắc kiềng, dóm bếp. Vẫn phải kiếm cho được bao trấu khô mà dóm mà ủ. Để rồi vần thêm nồi cá kho trám trắng. Để vùi mấy củ sắn củ khoai, dí dủm câu chuyện đêm khuya. Này mày, nhớ ngày xưa thằng A thằng X nó mê con K thế nhỉ?! Lại hi hí cười với nhau. Thằng X còn đọc cả thơ Thạch Quỳ nữa chứ. Gì mà… "Trời đã tết, khói xanh mờ bụi nước/ Góc vườn con hoa mận đã đơm khuy/ Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về". Thế là chuyện hôm nay lại ầng ẫng bâng khuâng.
Những chiếc bánh được vớt ra, rửa sạch trong những thau nước sạch ngay bên vỉa hè. Bánh được rửa sạch sẽ thì kê từng cặp ngay ngắn vuông vức sát nhau trên một tấm phản con. Rồi bên trên là một tấm gỗ phẳng nữa. Những chiếc cối đá cũ được vần lên, chèn nén cho bánh dền và vuông vức. Cặp bánh đẹp nhất được dâng lên tổ tiên. Bà nội tôi thường nhuộm một mớ lạt màu hồng cánh sen. Bánh bày trên ban thờ sẽ được cởi lạt, gói thêm một lượt lá dong xanh mướt ở ngoài và vấn những cọng lạt hồng. Lạt hồng, lá xanh… ấy là bảng màu dân gian ngày Tết.
Vậy nên những cặp bánh chưng theo chân bạn bè về phương Nam, bao giờ cũng có thêm những cọng lạt hồng mang màu Xuân ký ức. Chứ Hà Nội có gì đâu mà buộc chặt. Cho người xa mỗi năm mỗi về ngày sát Tết. Để cùng người cũ luộc bánh vỉa hè.
Tags