Hà Nội mong muốn hợp tác và sẵn sàng chào đón với tất cả các nhà đầu tư

Thứ Bảy, 27/06/2020 18:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 27/6/2020, Hội nghị “Hà Nội 2020-Hợp tác Đầu tư và Phát triển” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị chính là cầu nối, đưa các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với thành phố Hà Nội nói riêng, đến với Việt Nam nói chung.

 Việt Nam có dự án FDI đầu tiên vào đường cao tốc

Việt Nam có dự án FDI đầu tiên vào đường cao tốc

Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ sẽ là dự án đường cao tốc đầu tiên có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hình thức BOT.

Hà Nội nằm trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI   

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học-công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Về kinh tế, mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích, 8,5% dân số nhưng Hà Nội là một động lực phát triển hàng đầu của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, hiện đóng góp 16,7% GDP và  gần 19% tổng thu ngân sách của cả nước.   

Nhờ những cải cách mang tính đột phá, với tinh thần lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ, từ năm 2016 đến đầu tháng 5-2020, thành phố có hơn 107.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng hơn 1,3 triệu tỷ đồng (hiện trên địa bàn thành phố có hơn 290.000 doanh nghiệp đang hoạt động). Trong 2 năm liên tiếp 2018-2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn đạt hơn 23,7 tỷ USD, gấp 3,97 lần so với giai đoạn 2011-2015.   

Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, thành phố vẫn có 11.830 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 170,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được 3,5 tỷ USD. Nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn đã và đang triển khai kế hoạch đầu tư hợp tác của mình tại Hà Nội như: Sumimoto, Nidec, AEON…   

Một trong những lý do khiến Hà Nội được các nhà đầu nước ngoài tư lựa chọn là vì có cơ sở hạ tầng tốt, các khu công nghiệp hoàn thiện với nguồn nhân lực chất lượng cao, giao thông thuận lợi với sân bay quốc tế; các đường cao tốc, kết nối các cảng biển quốc tế… Trong những năm qua, thành phố đã huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển du lịch, đưa Thủ đô trở thành một trung tâm kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã hoàn thành hoặc đang thi công, như: đường Nhật Tân-Nội Bài, mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, đường Nghi Tàm, đường vành đai 2 (cầu Vĩnh Tuy-ngã Tư Sở), cầu vượt hồ Linh Đàm...   

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất

Cùng với đó, trong thời gian qua, thành phố đã nỗ lực nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư thông qua việc cải cách về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu như năm 2015, Hà Nội chỉ đứng thứ 9 cả nước về chỉ số cải cách thủ tục hành chính thì 3 năm gần đây, Hà Nội đã vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; nếu năm 2012, Hà Nội xếp vị trí 52/63 tỉnh về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thì đến nay đang đứng vững ở vị trí thứ 9/63. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI của Hà Nội, có một số chỉ tiêu đạt cao như: chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số năng động-tiên phong, chỉ số cải cách hành chính... Thể hiện đây chính là môi trường kinh doanh hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.   

Nằm trong dòng chảy hội nhập kinh tế của một thế giới phẳng, Hà Nội đã chủ động, tích cực trong quan hệ hợp tác quốc tế. Tham gia các diễn đàn hợp tác đa phương một cách có chọn lọc, Hà Nội xem đây không chỉ để trao đổi, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp đối với các thách thức chung hiện nay mà còn tranh thủ gặp gỡ, kết nối với các đối tác quốc tế nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư phát triển cho Thủ đô.   

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu. Ảnh: Văn Điệp

Một loạt các sự kiện kinh tế đối ngoại quy mô lớn do Hà Nội chủ trì hoặc đăng cai tổ chức trên địa bàn như: Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng; Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN; Diễn đàn cao cấp và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2018… là cơ hội để Hà Nội giới thiệu cơ hội tiềm năng hợp tác, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, khẳng định cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố về tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Hà Nội.   

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, cùng với những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Hà Nội đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; tiếp tục triển khai các giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến với thành phố.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc. Ảnh: Thống Nhất

Phát huy hiệu quả dòng vốn FDI  

Sau 30 năm thu hút FDI, khu vực FDI với ưu thế về vốn, công nghệ đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Nguồn vốn FDI chiếm khoảng 10-15% trong tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của Thủ đô trong những năm qua (trung bình đạt 7,11%), giúp Hà Nội hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế toàn cầu, tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực và đa dạng hóa xuất khẩu. Đồng thời, tạo thêm việc làm cho hơn 270.000 lao động trẻ, tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng ngành, làm động lực cho các doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.   

Khu vực FDI cũng đã góp phần xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại, với các công trình thương mại, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu biểu như: Tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Keangnam cao 72 tầng; Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng Lotte cao 65 tầng; Trung tâm thương mại Aeon MALL và các khách sạn 5 sao quốc tế như: Metropole, Hilton, Sheraton… đã góp phần đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố được xếp hạng có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.   

Trong số các dự án FDI đầu tư vào Hà Nội thời gian qua có rất nhiều dự án áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong nhiều ngành kinh tế quan trọng, như viễn thông, điện tử, công nghiệp sản xuất phụ tùng và lắp rắp sản xuất ôtô, hóa chất, xây dựng quản lý khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, y tế giáo dục chất lượng cao, sản xuất hàng tiêu dùng chế biến thực phẩm… Đặc biệt, một số công nghệ viễn thông, sản xuất thiết bị điện tử, dịch vụ khách sạn đã vươn lên ở mức tiên tiến so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.  

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến giao quyết định chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất

Định hướng thu hút FDI theo chiều sâu, gắn với mục tiêu phát triển bền vững   

Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã 3 lần liên tiếp tổ chức Hội nghị “Hà Nội- hợp tác đầu tư và phát triển”. Tổng số dự án thu hút đầu tư vào Hà Nội là 148 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 514.208 tỷ đồng. Các dự án đã được thành phố trao quyết định chủ trương đầu tư đang được triển khai. Đến nay chưa có dự án nào phải dừng hoặc chấm dứt.   

Năm nay là năm thứ tư Hà Nội tổ chức “Hà Nội- hợp tác đầu tư và phát triển”. Theo Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Võ Tuấn Anh, việc tổ chức Hội nghị sau khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi là thông điệp mạnh mẽ của thành phố Hà Nội trong kiên trì thực hiện chỉ đạo của Trung ương về thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội; khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư; kết quả của Hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội và cả nước trong năm 2020 mà còn cho những năm tiếp theo.   

Qua Hội nghị, thành phố tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020; đây cũng giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2020, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.   

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Ảnh: Văn Điệp

Tại hội nghị, thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: Nhà ở-đô thị; du lịch-dịch vụ; cụm công nghiệp; trụ sở văn phòng; văn hóa-xã hội; tài chính - ngân hàng. Đồng thời, thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó có 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước, 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài.   

Hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành thành phố “Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, thành phố thông minh, sáng tạo, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngay tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung công bố danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD) trong các lĩnh vực: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; công viên; giáo dục, dạy nghề, bệnh viện; môi trường, xử lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị, logistics, công viên phần mềm.   

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, để chủ động đón các nhà đầu tư lớn, trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội, thành phố Hà Nội chọn 3 khâu đột phá là cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hà Nội lấy việc xây dựng thành phố thông minh làm nội dung trọng tâm để thu hút đầu tư, tạo cú hích cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của thành phố trong thời gian tới.   

Bên cạnh đó, thành phố xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng, bao gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, giao thông, khu đô thị thông minh; lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến thực phẩm; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến, sử dụng ít năng lượng hoặc năng lượng tái tạo; lĩnh vực, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, logistics. Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (tập trung vào 3 khu vực lớn là: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản-Hàn Quốc), các tập đoàn lớn để giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của thành phố Hà Nội.   

Cùng với chủ trương đề ra, thành phố tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, tăng cường phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương để giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng và các nội dung liên quan, cụ thể hóa quyết tâm đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn.  

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, với kết quả đạt được trong thời gian qua, cùng với lợi thế riêng có của mình, Thủ đô Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn. Thành phố sẵn sàng chào đón và mong muốn hợp tác với tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức, hiệp hội, các tỉnh, thành phố trong nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ, trên thế giới để cùng phát triển bền vững. Thành công của các doanh nghiệp chính là thành công của thành phố.

Minh Duyên

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›