Trong khuôn khổ triển lãm “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo Hà Nội năm 2022”, sáng ngày 11-12, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà nêu rõ, cuộc hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó đề xuất giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Trang, đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) đã phổ biến các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số theo Quyết định số 3457/QĐ-UBND (Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025) và Đề án 4889 (Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019-2025).
Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hội, hiệp hội, viện nghiên cứu sẽ có cơ hội nhận được các gói hỗ trợ, như: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số; hỗ trợ các gói chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mức độ chuyển đổi số; triển khai Gói chuyển đổi số hướng đến thị trường toàn cầu (Go Digital - Go Global); kết nối, hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; thúc đẩy hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số của thành phố...
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC) cũng giới thiệu các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam mà NIC đang thực hiện, bao gồm: Hỗ trợ về công nghệ; hỗ trợ tài chính gọi vốn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ về cơ chế chính sách.
Chia sẻ kinh nghiệm bước đầu thành công trong công cuộc chuyển đổi số, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, từ chỗ một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, Rạng Đông đã vươn lên tăng trưởng bình quân 15-18%/năm giai đoạn 2020-2022. Có được kết quả này, theo ông Nguyễn Đoàn Kết, là nhờ Rạng Đông đã xác định chuyển đổi tư duy, nhận thức, chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mô hình kinh doanh, vận hành để thích ứng với thời đại công nghệ 4.0. Đây chính là động lực mới tạo nên bước phát triển đột phá, đưa Rạng Đông chủ động thích ứng với các điều kiện kinh tế, phát triển thương hiệu số, thúc đẩy giá trị số, tạo một vị thế xứng đáng tại Việt Nam cũng như trên trường quốc tế.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Khương Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Dịch vụ hạ tầng Cloud, FPT Smart Cloud (Tập đoàn FPT) đã giới thiệu giải pháp Cloud - một trong 3 nền tảng công nghệ sau đại dịch được ứng dụng nhiều trong các doanh nghiệp; PGS. TS Phạm Văn Hải, Trường Công nghệ - Thông tin Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã cho thấy những thách thức và cơ hội trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Qua đó cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Kết luận hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cảm ơn các ý kiến đóng góp, qua đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước có các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.