Hà Nội những năm 1920 - 1945: Nơi tập trung các địa chỉ 'công nghiệp văn hóa'

Chủ nhật, 05/02/2023 19:00 GMT+7

Google News

Khái niệm "công nghiệp văn hóa" chỉ vừa mới được giới quản lý xã hội đưa ra rất gần đây. Công chúng của ta còn chưa được báo chí giảng giải cập nhật đầy đủ hàm nghĩa của thuật ngữ này. Giới học thuật cũng hầu như chưa dịch và giải cho nhau những quan niệm của Theodor Adorno (1903 - 1969), Max Horkheimer (1895 - 1973) và trường phái Frankfurt xung quanh khái niệm này.

Vậy thì "công nghiệp văn hóa" là gì, gồm những gì, tạm thời ta chưa căn vặn nhau vội. Tạm suy theo lối thông thường; đã là "công nghiệp" tất có sản xuất và tiêu thụ. Sản xuất, ví dụ việc làm ra tờ báo, cuốn sách, tất cần đến nghề in.

Nghề in ở ta khởi đầu là in bằng các bản khắc gỗ (còn gọi là "mộc bản"). Tương truyền, viên quan triều Lê là Lương Như Hộc (1420-1501) hai lần đi sứ sang nhà Minh, học được nghề in mộc bản (khắc chữ ngược lên ván gỗ thành từng trang rồi bôi mực in lên giấy), đã đem về dạy cho dân hai làng Hồng Lục và Liễu Tràng ở Hải Dương, khiến nơi đây một thời trở thành trung tâm in khắc ván ở nước ta, đã từng in khắc bộ Đại Việt sử ký toàn thư vào năm Chính Hòa thứ XVIII (1697).

Thế nhưng, theo các nguồn tư liệu khác, giới hoạt động Phật giáo ngay từ thời Lý đã nắm được kỹ thuật in khắc ván để khắc in kinh sách nhà Phật. Vậy thì Lương Như Hộc và làng nghề khắc ván Hồng Lục, Liễu Tràng cũng chỉ hoàn thiện một kỹ năng mà người Việt trước đó đã biết.

Hà Nội những năm 1920 - 1945: Nơi tập trung các địa chỉ 'công nghiệp văn hóa' - Ảnh 1.

Phố Hàng Bông xưa từng có nhiều nhà in, nhà sách. Ảnh: Tư liệu

Cho đến đầu thế kỷ XX, một phần nghề in khắc ván trở thành thương mại và hội tụ về Thăng Long, lúc này trở thành cố đô và được vua Minh Mạng đổi tên là Hà Nội (từ 1831). Các bản khắc in Truyện Kiều và nhiều loại thư tịch Hán Nôm còn lại đến ngày nay, một phần đáng kể đã được khắc in tại phường Hàng Gai. Ngày nay ta đọc thấy các học giả viết về các loại "bản kinh", "bản phường" Truyện Kiều hay các truyện nôm, thì "bản phường" chính là các bản in khắc tại các nhà xưởng đặt tại các phố Hàng Bông, Hàng Gai ngày nay.

***

Có lẽ không ngẫu nhiên mà khi việc làm sách chuyển từ in khắc ván sang sử dụng máy in nhập cảng từ Tây phương theo công nghệ in chữ rời (hoạt bản) của Gutenberg, thì các nhà in kiểu mới này ban đầu cũng thường đặt tại Hà Nội.

Đây chẳng hạn: Nhà in Đông Kinh ấn quán ghi đủ chữ Hán 東京印舘, chữ Pháp Imprimerie Tonkinoise, địa chỉ ghi chữ Pháp "80-82 Rue du Chanvre, Hanoi" chính là 80-82 phố Hàng Gai. Địa chỉ này không chỉ là nhà in mà còn là nhà sách, tức nơi xuất bản, cũng là nơi giao dịch mua bán sách.

Lần theo dọc Hàng Gai, Hàng Bông, ta sẽ thấy trước sau đã từng mọc lên cả loạt nhà in, nhà sách.

Số 1 Hàng Trống, gần điểm giao cắt 3 con phố Hàng Bông - Hàng Gai - Hàng Trống, chính là nơi đặt tòa soạn tạp chí Nam phong từ ngày thành lập (1917) đến năm 1926.

Số 3 Hàng Gai từng là nơi đặt tòa soạn Đông Dương tạp chí, tục bản (1937-39) của Nguyễn Giang.

Số 98 Hàng Gai từng là nhà in kiêm nhà sách Thụy Ký.

Số 104 Hàng Gai từng có nhà in Nhật Nam, cửa hàng kiêm đủ "ấn, thư, họa, dược phòng".

Số 115 Hàng Gai từng có nhà sách Quảng Thịnh.

Số 58 phố Hàng Bông (rue de Coton, Hanoi) những năm 1920-30 là trụ sở Nghiêm Hàm ấn quán, nơi đã đứng tên in một số tác phẩm của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Đoàn Như Khuê, v.v…

Số 61-63 phố Hàng Bông chính là nhà in Trung Bắc tân văn, một nhà in thành lập tương đối sớm và thuộc loại lớn ở Hà Nội, nơi được khá nhiều tờ báo và nhà xuất bản lựa chọn.

Số 93 phố Hàng Bông là trụ sở nhà sách, nhà in, nhà xuất bản Tân Dân nổi tiếng của Vũ Đình Long (1896-1960), có thời được giới viết văn mệnh danh là "động Tân Dân", một địa chỉ có uy tín và ảnh hưởng lớn, với các bộ ấn phẩm Tiểu thuyết thứ bảy (1934-1949), Truyền bá (1941-1945), Ích hữu (1936-37), Tao đàn (1939-1940), Phổ thông bán nguyệt san (1936-1945) tồn tại hàng chục năm, đưa ra thị trường hàng vạn bản sách báo in.

Số 97 phố Hàng Bông những năm 1930 có nhà xuất bản Hương Sơn, từng xuất bản nhiều tác phẩm của Tản Đà và nhiều tác giả khác.

Số 124 phố Hàng Bông những năm 1920-30 từng có nhà in Long Quang; nhiều tác phẩm thơ văn từng được thuê in tại đấy, ví dụ Bút quan hoài của Trần Tuấn Khải.

Số 193 phố Hàng Bông là một địa chỉ của nhà họ Dương ở Phú Thị (Mễ Sở, Hưng Yên); anh em nhà họ Dương (Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Tụ Quán) đã lấy địa chỉ này làm tòa soạn của Văn học tạp chí hồi năm 1932-1933, rồi Đông tây báo (1934-1935).

Cũng trên phố Hàng Bông, ngõ Hội Vũ, nhà số 7 từng đặt tòa soạn báo Phụ nữ của chủ nhiệm Nguyễn Thị Thảo, hồi năm 1938.

Theo đường Hàng Bông, Hàng Gai trở lại phía gần Hồ Gươm, ta sẽ phải nhớ đến một loạt địa chỉ tòa báo nhà sách.

Số 23 phố Cầu Gỗ từng là tòa soạn báo Nước Nam hồi 1938.

Số 94 phố Cầu Gỗ, Nhà xuất bản Văn Thanh, năm 1937 đã đứng tên in tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng.

Số 110 Cầu Gỗ, cũng ghi tên chữ Pháp là Rue du Pont en Bois, năm 1939 đã đứng tên in tập thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.

Con đường sát phía bờ hồ nay là Đinh Tiên Hoàng, có lúc được gọi là phố Bờ Hồ, thời Pháp từng được gọi là Boulevard du Francis Garnier; tại địa chỉ số 17 phố này từng có nhà sách Nam Ký thư quán, những năm 1920-1930 từng nổi tiếng với bộ sách Quốc học tùng san, cho ra đời các sách phiên âm ra chữ Quốc ngữ những tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thi văn đời Lê Hồng Đức, thơ văn Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Yên Đổ, Tú Xương, v.v… cạnh đó là các cuốn truyện dịch Ngọc lê hồn, Tuyết Hồng lệ sử.

Khu Đồng Xuân, nay gọi là khu "phố cổ", có thể nói, những năm 1920-1950 chính là khu vực có khá nhiều địa chỉ của in ấn, xuất bản sách báo - cũng có thể gọi là những địa chỉ của "công nghiệp văn hóa".

Phố Hàng Bồ từ những năm 1920, tại số nhà 83 đã có nhà in Kim Đức Giang.

Phố Hàng Điếu, thời thực dân còn gọi bằng chữ Pháp là Rue des Pipes, nhà số 83 phố này từng là nơi đặt nhà in Văn Lâm, từng in loại sách cho thiếu niên Hướng đạo. Cách đó không xa, đi qua khoảng rộng trước cửa chợ Hàng Da, số 26 phố Hàng Da là nơi đặt tòa soạn Nam phong thời gian cuối của tạp chí này (1926-1934).

Phố Hàng Bồ, nhà số 75 từng có nhà in Lê Cường, có lúc là nhà xuất bản, từng chủ trì tuần san Hà Nội báo, tòa soạn đặt ở phố Huế.

Phố Hàng Cót (cũng có chữ Pháp là Rue de Takou) nhà số 9 từng là nhà in, nhà xuất bản Cộng Lực của chủ nhiệm Bùi Xuân Tuy, những năm 1941-1944 từng chủ trì séries sách "Hoa Mai", theo kiểu sách "Livre Rose" của Pháp, chuyên dành cho độc giả trẻ em, với các cuốn sách của Nam Cao, Tô Hoài, và nhiều nhà văn khác.

Số 62 Hàng Cót từng là trụ sở nhà sách Đời Mới, những năm 1942-1944 từng chủ trì serie sách "truyện học sinh" của các tác giả Lê Văn Trương, Phạm Cao Củng, Thái Phỉ, Nguyễn Xuân Huy, v.v… giành cho độc giả thiếu nhi, và nhiều loại sách khác.

Đầu phố Phan Đình Phùng (từng có tên chữ Pháp Boulevard Carnot) nhà số 1 từng là nơi đặt tòa soạn ban đầu của báo Phong hóa (1932-34).

Phố Tien Stin, nay là phố Hàng Gà, số nhà 55 từng là địa chỉ của Đại Đồng thư xã (1938) do Trương Tửu và Nguyễn Xuân Tái chủ trương; đến năm 1939 ông Tái được bố là doanh nhân Nguyễn Xuân Giới cho tiền để mua nhà in 53 Hàng Gà, cùng Trương Tửu, lúc này đã là con rể cụ Giới, lập Nhà xuất bản Hàn Thuyên. Tính đến cuối 1945 Hàn Thuyên đã xuất bản gần một trăm tên sách, đáng kể nhất là sách biên khảo xã hội-nhân văn. Tháng 12/1946, doanh nhân Nguyễn Xuân Giới quyết định hiến tặng toàn bộ máy móc nhà in Hàn Thuyên cho quân đội của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; các thành viên gia đình cụ Giới theo nhà in lên Việt Bắc, trở thành cán bộ nhân viên Nhà in Quân đội.

Phố mang tên Tây Rue Emile Nolly (nay là Phạm Hồng Thái) từng có nhà in Asiatic, gọi tên Việt là Á Châu xuất bản cục.

Phố từng có tên Tây là Charbon (phố Hàng Than), số nhà 41 từng có nhà xuất bản Khuê Văn, những năm 1940s từng chủ trương xuất bản các cuốn sách mỏng gọi là "truyện học sinh" trong một serie gọi là "Tập Ngày Xanh".

Những phố xá giáp hồ Trúc Bạch cũng có không ít nhà in, nhà sách.

Phố Phó Đức Chính, thời Tây tên là Rue de Blockhaus Nord, số nhà 14 phố này những năm 1939-1943 từng là trụ sở của Hướng đạo Thẳng Tiến, chuyên soạn in loại sách "Hoa xuân" cho thanh thiếu niên có tranh minh họa của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Phố Quán Thánh, chữ Pháp gọi là Avenue du Grand Bouddha, số nhà 80 là trụ sở văn đoàn Tự Lực từ tháng 12/1934; là tòa soạn mới của báo Phong hóa (1934-35), báo Ngày nay, Nhà xuất bản Đời Nay. Trong trên dưới 10 năm hoạt động (1935-1945), nhà xuất bản này đã đưa ra công chúng trên dưới 200 tên sách với hàng vạn bản in.

Các phố phía nam Hồ Gươm thời thuộc địa bị khu "phố Tây" chiếm phần lớn diện tích, nên hơi ít địa chỉ nhà in, nhà báo, nhà xuất bản. Nhưng là ít chứ không phải không có. Chẳng hạn, số 88 Phố Huế, từ đầu năm 1936 đã được doanh gia Lê Cường đổi công năng từ cửa hiệu Hồng Khê chuyên bán thuốc lậu, chuyển sang làm nơi đặt tòa soạn tuần san Hà Nội Báo. Dựa vào cơ sở tờ tuần báo văn chương này, các nhà văn nhà báo Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư, v.v. định lập ra "văn phái phương đông", nhưng cuốn sách mang tính tuyên ngôn là Văn chương và hành động bị cấm, ý đồ lập văn phái thất bại; nhà xuất bản Phương Đông ở 88 Phố Huế chỉ kịp in mấy cuốn sách rồi tự đóng cửa.

Phố Chanceaulme, nay là Triệu Việt Vương, từng là một trong những địa chỉ đặt tòa soạn tạp chí Tri tân.

Phố cũ Sinh Từ, nay là phố Nguyễn Khuyến, số nhà 80, từng có nhà xuất bản Văn Hồng, hồi 1940-1942 từng chủ trì "loại sách tuổi trẻ", nhằm vào công chúng thanh thiếu nhi.

Phố Văn Miếu ngày nay, từng có tên phố Cao Đắc Minh, một trong những nơi đóng tòa soạn tờ tuần báo Bắc Hà, thời kỳ do nhóm Trần Đình Kim (Trần Huyền Trân) chủ trì.

***

Trên đây tôi chỉ kể sơ qua một số địa chỉ nhà in, nhà sách, nhà xuất bản, tòa soạn báo chí chữ Việt từng đặt địa chỉ trong khu vực phố xá Hà Nội những năm 1920-1950.

Nếu xếp các hoạt động in ấn phát hành sách báo là thuộc phạm vi "công nghiệp văn hóa" thì hiển nhiên các địa chỉ trên đây có thể được xem như những "di chỉ" văn hóa.

Ngày nay những địa điểm trên vẫn còn đó, nhưng công năng của chúng đã được người ta biến đổi, tùy mục đích sử dụng của các gia chủ. Phần lớn các địa chỉ kể trên, nay là nhà ở, cửa hàng, khách sạn, quán xá.

Chuyện đó không lạ. Điều đáng tiếc là hầu như không hề có một tấm bảng kỷ niệm nào gắn ở mặt tường ngoài các nơi chốn ấy để ghi rằng nơi đây đã từng là nhà in, từng là nhà sách, là tòa soạn báo, tòa soạn nhà xuất bản! Một số tòa nhà lớn nhỏ trên phố từng có lúc dính líu với việc làm sách làm báo, tức là gắn với "công nghiệp văn hóa" - như đề xuất mới gần đây của giới quản trị. Thiếu những cái biển ghi đôi dòng "lý lịch", chút tự hào quá khứ kia đành chịu ngậm cười!

Ngày đầu năm 2023

Lại Nguyên Ân

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›