(Thethaovanhoa.vn) - Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu Di tích - Thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, đến ngày 11/2, mọi công tác chuẩn bị đón khách trong ngày mở cửa trở lại (ngày 16/2) đã sẵn sàng.
Năm nay, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương phấn đấu đón gần 1 triệu lượt người tham quan, huy động khoảng 4.000 đò tham gia chở khách.
Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, các phương tiện xuồng, đò đều phải khử khuẩn, bố trí nước rửa tay, hành khách ngồi trên phương tiện đảm bảo giãn cách, bằng cách giảm bớt số lượng người được chở, khách ngồi một chiều.
Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm xuồng, đò gắn động cơ hoạt động trái phép trên các dòng suối, trường hợp chở quá số người quy định, không có giấy phép hoạt động; nghiêm cấm phương tiện bán hàng rong trên suối Yến.
Ban Quản lý các đền, chùa trong Khu Di tích - Thắng cảnh Hương Sơn cùng đơn vị liên quan hướng dẫn du khách về tham quan di tích, tham gia hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo quy định. Nơi thắp hương, nến, hóa sớ đảm bảo an toàn, làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ.
Đồng thời, Ban Quản lý các đền, chùa hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, không đặt tiền lễ, tiền công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định.
- Hà Nội cho phép mở cửa đón khách trẩy hội chùa Hương
- Thực hiện nghiêm túc việc dừng tổ chức lễ hội Chùa Hương
Để phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm, không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch…lực lượng chức năng sẽ kiểm soát chặt những điểm kinh doanh dịch vụ, đặc biệt không đổi tiền lẻ trong khu vực di tích.
Huyện Mỹ Đức yêu cầu tuyệt đối không được bố trí điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, đoạn đường hẹp, không cho bán hàng lòng lề đường giáp tường chùa Thiên Trù lối lên ga cáp treo số 1, khu vực sâu không an toàn, trước cổng Nam Thiên Môn lối lên chùa Thiên Trù, sân động Hương Tích, khu vực sân cổng động Hương Tích...
Huyện cũng cấm việc quảng cáo bằng loa đài và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực di tích. Chủ hộ trực tiếp kinh doanh hàng ăn uống phải được tập huấn và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn toàn thực phẩm theo quy định. Các cửa hàng phải có tủ bảo quản thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt các loại trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với việc ngăn ngừa tệ nạn trộm cắp, cờ bạc, gây rối trật tự công cộng, hoạt động mê tín dị đoan và hoạt động gây mất an ninh, trật tự, lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, phân luồng giao thông, không để xảy ra ùn tắc, xử lý trường hợp sử dụng xe mô tô bám đuổi, chèo kéo khách…
Ban tổ chức niêm yết công khai phí thắng cảnh, giá xuồng, đò và giá trông giữ phương tiện ô tô, xe máy. Phí tham quan thắng cảnh và phí bảo hiểm là 80.000 đồng/người/lượt (người già, trẻ em… là 40.000 đồng/người/lượt). Giá dịch vụ xuồng, đò tuyến Hương Tích là 50.000 đồng/người cho cả lượt vào - ra; tuyến Long Vân - Tuyết Sơn là 35.000 đồng.
Khách đến tham quan, trẩy hội chùa Hương phải tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế.
Đinh Thuận/TTXVN
Tags