(Thethaovanhoa.vn) - Sau một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại trường học, vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn trường học càng được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, đưa ra các giải pháp tăng cường phối hợp nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Khó quản bếp ăn nhóm trẻ gia đình
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, hiện nay, an toàn thực phẩm đối với nhóm trẻ gia đình trên địa bàn Hà Nội là vấn đề khó kiểm soát. Số trường mầm non tư thục xuất hiện nhiều. Mặc dù đây đều là những cơ sở được cấp phép nhưng việc quản lý đối với những cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn. Lý do là những cơ sở này sử dụng địa điểm có sẵn, không phải xây dựng với mục đích nuôi dạy trẻ, nên bếp ăn chưa được chú trọng.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học, Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hằng năm đều đưa công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn bán trú vào kế hoạch năm. Ngoài bếp ăn mầm non công lập, các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các cơ quan chức năng còn đặc biệt quan tâm đến an toàn thực phẩm ở nhóm trẻ mầm non tư thục. Những cơ sở đảm bảo điều kiện thì mới cho nấu ăn còn cơ sở nào không đảm bảo thì bắt buộc phải lấy từ những trường lân cận.
Theo ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ (Hà Nội), quận đang quản lý 74 nhóm trẻ tư thục. Các nhóm trẻ có từ 30 đến dưới 50 học sinh, nằm rải rác trên địa bàn, nhiều cơ sở nằm ở rất sâu trong khu dân cư. Nếu mỗi năm rà soát 1 lượt, quận cũng gặp khá nhiều khó khăn.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm ở bếp ăn của nhóm trẻ công lập, UBND quận yêu cầu lãnh đạo nhóm trẻ tiếp cận nguồn thực phẩm sạch theo cơ quan chuyên môn quận giới thiệu, đồng thời sử dụng phần mềm quản lý xác định khẩu phần ăn trực tuyến. Thông qua đó, quận hoàn toàn đánh giá được dinh dưỡng cho trẻ em trong nhóm trẻ công lập. Các nhóm trẻ do mức thu học phí không cao nên rất dễ bị lấy những thực phẩm không đảm bảo an toàn vào trường học, nếu không được kiểm soát.
Phối hợp quản lý
Với 2.793 trường học có bếp ăn bán trú, hằng ngày, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ trung bình trên 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1 - 4 bữa trong ngày, tùy theo từng trường. Số lượng suất ăn lớn nên ngộ độc thực phẩm hoàn toàn có thể xảy ra nếu các khâu từ lựa chọn thực phẩm đến chế biến không đảm bảo.
Gần đây một vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại trường Mầm non Xuân Nộn, huyện Đông Anh (Hà Nội). Tại buổi họp đánh giá của Sở Y tế Hà Nội và UBND huyện Đông Anh, các cơ quan chức năng cho biết, chỉ trong 2 ngày, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra đối với 18 cơ sở, với 29 loại thực phẩm đã được cung cấp."Tại mỗi quận, huyện cơ quan chức năng đều rà soát hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp, sau đó rà soát, kiểm tra thực tế. Các cơ sở lớn thì nguy cơ để xảy ra ngộ độc là rất hãn hữu. Các nhà trường đều có thể kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào. Nếu cơ sở không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, chế biến ban đầu, các trường phải dừng hợp đồng ngay lập tức”, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ nói.
Theo ông Trần Ngọc Tụ, 1 lavabo thực hiện xét nghiệm để tìm được vi khuẩn nhanh nhất cũng phải mất 24 giờ, còn lại phải đến 36 giờ. Các xét nghiệm nhanh dư lượng hóa chất thực hiện mất 45 phút. Bất kỳ thực phẩm nào mà các trường nghi ngờ đều có thể lưu lại, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho đơn vị. Đối với thực đơn, cơ quan chức năng khuyến cáo hạn chế sử dụng các món ăn có nguy cơ ngộ độc như: Bánh dày, bánh ngọt có kem, nộm…
“Không nên để các gia đình mang bánh ngọt đến trường để tổ chức sinh nhật cho các con, bởi nhà trường không thể kiểm soát được bánh đó như thế nào. Nếu xảy ra ngộ độc tại trường, nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Tụ lưu ý.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm các cấp. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; nêu cao trách nhiệm của Ban giám hiệu, của phụ huynh trong vấn đề này. Đặc biệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm trong các bếp ăn trường học. Các trường học cần chú trọng đến cơ sở vật chất tại các bếp ăn trường học. Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học, việc thanh tra kiểm tra sẽ có sự phối hợp với ban phụ huynh.
“Việc truy suất nguồn gốc thực phẩm vào trường học phải được siết chặt hơn nữa. Như vụ ngộ độc thực phẩm tại trường mầm non Xuân Nộn, huyện Đông Anh vừa qua, cơ sở sản xuất bánh ngọt gây ngộ độc chỉ có một vài công nhân, dây chuyền sản xuất đơn sơ nên việc để xảy ra nhiễm khuẩn vào thực phẩm là điều không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra" - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Tuyết Mai
Tags