(Thethaovanhoa.vn) - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết, ngành y tế sẽ áp dụng tối đa công nghệ thông tin và tự động hóa trong quy trình tiếp nhận, khám bệnh, quản lý hồ sơ bệnh án...
Theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện có 5.313 bác sỹ (gồm cả bác sỹ tuyến bệnh viện trung ương, bộ, ngành tham gia khám chữa bệnh), nhưng so với chỉ tiêu đề ra vẫn còn thiếu 1.177 bác sỹ.
Trong năm 2015, ngành y tế Hà Nội có kế hoạch tuyển dụng 898 bác sỹ, đào tạo liên thông 91 bác sỹ, ký hợp đồng với khoảng 300 bác sỹ đang làm việc tại các cơ sở xã hội hóa đặt tại các cơ sở y tế công lập; đồng thời phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội, Viện đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng đào tạo bác sỹ y học dự phòng hệ liên thông cho toàn ngành để bù vào số lượng bác sỹ còn thiếu hụt. Bên cạnh đó, ngành cũng đã lên kế hoạch tăng thêm 386 giường bệnh gồm cả giường kế hoạch cho các bệnh viện công lập, giường xã hội hóa và tư nhân. Với số giường bệnh này, ngành y tế giảm được tối đa người bệnh nằm ghép.
Ngành y tế kiện toàn và nâng cao năng lực, chất lượng công tác khám chữa bệnh; cải cách hoạt động của khoa khám bệnh nhằm nâng cao chất lượng, giảm thời gian tiếp cận dịch vụ y tế, tránh thủ tục rườm rà gây phiền hà cho người bệnh; quy hoạch, bố trí, sắp xếp khoa khám bệnh liên hoàn, hợp lý đảm bảo thuận lợi cho người bệnh khi khám bệnh, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng hoặc các thủ tục hành chính. Ngành tăng cường quản lý bệnh ngoại trú, nhất là người bệnh mắc bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp…) và các bệnh đã ổn định.
Bên cạnh đó, ngành triển khai hẹn khám bệnh theo giờ qua điện thoại hoặc qua mạng internet với người bệnh không phải đối tượng cấp cứu để chủ động phân bổ thời gian khám hợp lý, giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi và để đơn vị chủ động việc tăng cường cho khoa khám bệnh. Xây dựng định hướng, kế hoạch phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại chuyên khoa đầu ngành và tại các đơn vị mạng lưới, tiến hành khảo sát, lựa chọn những kỹ thuật phù hợp để chuyển giao cho tuyến dưới.
Cùng với việc phát triển kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, nghiên cứu khoa học ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào công tác chăm sóc và điều trị người bệnh, ngành y tế thực hiện đa dạng hóa các mô hình dịch vụ khám chữa bệnh, phát triển mô hình điều trị ban, ngành, dịch vụ chăm sóc tại nhà. Các bệnh viện thực hiện phong trào “Bệnh viện vệ sinh” đảm bảo cho người bệnh, nhân viên y tế được khám chữa bệnh trong môi trường bệnh viện tiện nghi, vệ sinh, xanh, sạch, đẹp và giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm; xây dựng “Bệnh viện không khói thuốc”. Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, đảm bảo tuân thủ các quy định, quy trình, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết, ngành khuyến khích các cá nhân, tập thể, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư phát triển các dịch vụ y tế nhằm đa dạng hóa các dịch vụ khám chữa bệnh, đảm bảo tiện lợi cho người bệnh và nâng cao đời sống của cán bộ y tế. Mặt khác, ngành y tế sẽ áp dụng tối đa công nghệ thông tin và tự động hóa trong quy trình tiếp nhận, khám bệnh, quản lý người bệnh nằm viện, quản lý hồ sơ bệnh án, tiến tới áp dụng bệnh án điện tử; thí điểm áp dụng thực hiện khám chữa bệnh và quản lý hồ sơ bệnh nhân bằng bệnh án điện tử thông qua mã số nhận dạng riêng.
Ngành y tế đã phát động trong toàn ngành thực hiện phong trào “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; duy trì hoạt động đường dây nóng, công khai số điện thoại đường dây nóng ở các nơi để người dân tiếp cận, giải quyết kịp thời các ý kiến thắc mắc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh. Ngành y tế Hà Nội thực hiện cải cách hành chính, tiến hành cung ứng 10 dịch vụ công trực tuyến và công bố công khai 144 thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của ngành để tạo thuận lợi cho người dân.
Tuyết Mai (TTXVN)
Tags