(Thethaovanhoa.vn) - Thành phố Hà Nội sẽ hướng tới xây dựng thêm nhiều bến xe mới tại các vùng cửa ngõ Thủ đô trong thời gian tới.
Đây là một trong những nội dung được đề cập trong Quyết định số 1218/QĐ-UBND về Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phê duyệt.
Theo đó, phạm vi quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Nội có xem xét sự tác động, ảnh hưởng (luồng, tuyến) từ các khu vực lân cận có liên quan trong vùng Thủ đô. Khu vực nghiên cứu chính tại đô thị trung tâm (từ Vành đai 4 trở vào).
Đáng chú ý tại quy hoạch này, các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4, theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. Từng bước thay thế các bến xe khách hiện có nằm sâu trong nội đô.
Đối với các bãi đỗ xe công cộng được bố trí tại các khu dân cư, khu chức năng xây dựng tập trung mật độ cao, đảm bảo cự ly đi lại hợp lý từ 300m đến 600m, thuận lợi kết nối giao thông.
Đối với các bến xe khách liên tỉnh hiện có trong khu vực đường Vành đai 3 gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có.
Về lâu dài, các bến trên sẽ được thay thế bằng bến Đông Anh, bến Cổ Bi và Vành đai 4 (bến Nội Bài, bến Phùng, bến phía Nam...). Đặc biệt để hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội quy hoạch thêm nhiều bến xe.
Cụ thể, bến xe phía Bắc tại khu vực giao giữa đường Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hạ Long với đường Võ Văn Kiệt, huyện Sóc Sơn, diện tích khoảng từ 5 – 7ha; bến Đông Anh tại khu vực giao giữa Quốc lộ 3 với đường Vành đai 3 Bắc Sông Hồng, diện tích 5,3ha; bến phía Đông Bắc (Cổ Bi - Gia Lâm) tại khu vực giao giữa quốc lộ 1A với Quốc lộ 5, diện tích 10,4ha.
Ngoài ra, bến phía Nam tại 2 khu vực gồm khu vực Duyên Thái nằm giữa quốc lộ 1A cũ với đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, (Thường Tín) và khu vực Ngọc Hồi nằm phía Nam khu công nghiệp Ngọc Hồi (Thanh Trì) với tổng diện tích khoảng 11ha. Bến Yên Nghĩa (Hà Đông) hiện có, diện tích khoảng 7,0ha; Bến phía Tây tại nút giao đường Vành đai 4 với Đại lộ Thăng Long (Hoài Đức) diện tích khoảng 5 - 7ha.
Tại huyện Đan Phượng được bố trí 2 bến gồm bến Phùng tại khu vực giao giữa đường Vành đai 4 với QL32, diện tích khoảng 8 - 10ha; tại khu vực giao đường Tây Thăng Long với Vành đai 4, diện tích khoảng 10ha. Còn tại Phủ Lỗ (Sóc Sơn) được quy hoạch bến xe tại khu vực giao giữa đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long với Quốc lộ 3 cũ, diện tích khoảng 10ha.
- Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
- Hà Nội chưa có quy hoạch thật nhưng đất đã 'sốt'
Bến Yên Viên (Gia Lâm) tại khu vực nút giao giữa đường Quốc lộ 1A cũ với QL3 mới, diện tích khoảng 10ha. Cũng tại huyện này, ở khu vực nút giao Quốc lộ 1A với Quốc lộ 5 được quy hoạch bến xe diện tích 10ha.
Tại quận Hoàng Mai, khu vực nút giao đường Vành đai 3 với đường ra cảng Khuyến Lương, có diện tích khoảng 3,5ha. Bến phía Nam tại khu vực nút giao giữa Vành đai 4 với Quốc lộ 1A địa phận huyện Thanh Trì, diện tích 10ha. Bến phía Tây Nam tại phía Nam Quốc lộ 6 thuộc huyện Quốc Oai, diện tích khoảng 6ha.
Tại quy hoạch này, thành phố cũng đề ra các giải pháp kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống bến, bãi đỗ xe; ưu tiên, khuyến khích việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng thông minh để tận dụng, khai thác tối đa quỹ đất hiện có.
Mạnh Khánh/TTXVN
Tags