Gặp lại đạo diễn Đặng Nhật Minh những ngày cuối năm, ông nở nụ cười hiền, bồi hồi chia sẻ: "Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội là ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi trong năm 2023. Tôi không bao giờ quên giây phút lên nhận giải. Đó là một phần thưởng lớn và giá trị trong sự nghiệp hơn 60 năm gắn bó với Hà Nội của tôi".
1. Ở tuổi 85, dẫu những bước chân đã chậm dần nhưng người ta vẫn thấy đạo diễn Đặng Nhật Minh đến với khán giả trong những buổi chiếu phim và giao lưu về điện ảnh. Gần nhất, ông có cuộc giao lưu tại buổi chiếu phim Hoa nhài trong khuôn khổ "Tháng phim Đặng Nhật Minh: Bây giờ đã đến tháng mười" được tổ chức tại TP.HCM vào tháng 10/2023.
Hoa nhài là bộ phim đặc biệt vì nhiều lẽ với Đặng Nhật Minh. Bộ phim được ông làm khi đã ngoài 80 tuổi để khép lại sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy của mình. Đặc biệt hơn, Hoa nhài còn là bộ phim để Đặng Nhật Minh tri ân Hà Nội, mảnh đất ông có nhiều duyên nợ suốt hơn 60 năm qua.
Đó là những Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Trở về, Đừng đốt… Mỗi bộ phim như một lát cắt lịch sử về thành phố. Trước tiên là Hà Nội những năm tháng chiến tranh cam go trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" trước ngày Toàn quốc kháng chiến trong Hà Nội mùa đông năm 46, rồi đến Hà Nội nhiều biến chuyển của thời kỳ những năm 1960 trong Mùa ổi. Hay gần nhất là Hà Nội của những năm 2000 trong Hoa nhài với những xáo trộn xã hội không ngừng trong thời buổi hiện đại.
Kể ra như vậy để thấy có một lịch sử Hà Nội trong điện ảnh của Đặng Nhật Minh, thế nhưng, đạo diễn lại không dùng tác phẩm của mình để phản ánh lịch sử. Ông quan tâm nhiều hơn đến vấn đề con người. Hay nói cách khác, bối cảnh, sự kiện chỉ là cái cớ để Đặng Nhật Minh đi sâu khám phá thế giới bên trong con người, mà cụ thể ở đây là người Hà Nội.
Ông cho hay: "Trong những bộ phim của tôi, con người Hà Nội gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhất định. Họ chứng kiến sự chuyển biến trong xã hội, cho nên ở mỗi giai đoạn, tính cách của người Hà Nội khác nhau. Xã hội xáo trộn thì tính cách con người cũng thay đổi. Đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của tôi khi làm phim. Tôi quan tâm và phản ánh phía bên trong của con người hơn là cái bề ngoài, hay nói cách khác chính là thân phận con người trước vòng xoáy của thời cuộc".
"Ví dụ với phim Mùa ổi, nhiều người nói tại sao tôi không giải quyết đến tận cùng vấn đề. Đó không phải là việc của tôi. Tôi chỉ quan tâm trong hoàn cảnh xáo trộn nhà cửa ở Hà Nội sau 1954, con người Hà Nội như thế nào" - đạo diễn Đặng Nhật Minh dẫn chứng - "Tôi không phải nhà xã hội, nhà chính trị để lý giải, phân tích sự kiện lịch sử. Tôi là nghệ sĩ, mà mối quan tâm hàng đầu của người nghệ sĩ là con người".
Cũng bởi thế, suốt đời làm phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn thường tâm niệm: "Tôi làm phim để giãi bày tâm tư và để an ủi những thân phận thiệt thòi". Chọn đi sâu vào phía bên trong của con người, Đặng Nhật Minh làm ánh rạng ở mỗi nhân vật của mình những phẩm chất tốt đẹp trong những hoàn cảnh bất trắc, éo le. Đó là Lâm trong Hà Nội mùa đông năm 46, một chiến sĩ vệ quốc quân vốn là sinh viên trường luật anh dũng trong chiến đấu và cũng đầy lòng thương yêu gia đình. Hà Nội mùa đông năm 46 còn có họa sĩ Hân, cô ca sĩ Hương,… đều là những người Hà Nội hào hoa sẵn sàng hòa mình vào cuộc chiến bằng một tâm hồn yêu cái đẹp.
Còn Mùa ổi có Hòa, người đàn ông mãi mãi sống với tâm hồn của một cậu bé 13 tuổi. Hòa lành tính, chẳng bao giờ có nổi một ý nghĩ xấu xa. Ai nói gì anh cũng nghe, ai nhờ gì anh cũng làm. Anh ngoan ngoãn, lễ phép, giàu lòng tốt từ truyền thống của một gia đình gia giáo. Trong khi đó, Thủy, em gái của Hòa mang dáng vẻ của người phụ nữ Hà Nội nhẫn nhịn, dịu dàng, luôn lo lắng, chăm sóc từng chút một cho người anh mất trí của mình. Còn nữa, ông luật sư, cô con gái ông chủ nhà mới… trong Mùa ổi cũng là những con người nhuần nhị, tử tế và yêu thương.
Qua những Lâm, Hân, Hương, Hòa, Thủy,… cùng với nhiều nhân vật người Hà Nội khác trong phim của mình, Đặng Nhật Minh đã khai thác và khắc họa triệt để những tính cách đặc trưng nhất của người Hà Nội. Đó là chất Hà Nội không đổi dẫu thế thời có trăm ngàn bể dâu, dẫu thời cuộc có bom rơi đạn nổ. Cứ như thế, thế giới nhân vật cho thấy Đặng Nhật Minh có một Hà Nội của riêng mình, một Hà Nội của chủ nghĩa nhân văn thấm đẫm.
2. Để có một Hà Nội của riêng mình như thế, hẳn Đặng Nhật Minh yêu và hiểu Hà Nội đến nhường nào. Ông chia sẻ: "Mỗi người có một trải nghiệm để làm nên một Hà Nội của riêng mình".
Với Đặng Nhật Minh, Hà Nội là mảnh đất nhiều ơn nghĩa, che chở ông suốt hơn 60 năm qua. Hà Nội chứng kiến Đặng Nhật Minh trưởng thành trong nghệ thuật, làm nên con người nghệ thuật của ông. Ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến Hà Nội, mảnh đất này đã để lại trong ông những ấn tượng thật đẹp, những kỉ niệm không thể nào quên.
Có mặt tại Hà Nội sau 3 năm kể từ ngày Giải phóng Thủ đô, đạo diễn Đặng Nhật Minh nhớ lại: "Năm 1957, khi về Hà Nội, ấn tượng đầu tiên của tôi, đây là một thành phố đẹp, mang dáng dấp của nước Pháp. Hà Nội những năm đó mang ảnh hưởng của Pháp rất rõ trong kiến trúc, khi ấy, nhiều tòa nhà có kiến trúc Pháp đẹp vẫn còn tồn tại. Văn hóa Pháp vẫn còn để lại nhiều dấu ấn đậm nét tại Hà Nội trong từng gia đình, những người nói tiếng Pháp còn nhiều".
Có cha là Giáo sư Đặng Văn Ngữ, một bác sĩ đầu ngành nghiên cứu về ký sinh trùng của Việt Nam nên ngay từ những ngày đầu sống tại Hà Nội, Đặng Nhật Minh có điều kiện tiếp xúc với nhiều gia đình trí thức Hà Nội như gia đình của GS Tôn Thất Tùng, GS Hồ Đắc Di, GS Nguyễn Văn Huyên,… Tất cả cho ông hiểu thêm về những gia đình Hà Nội có nề nếp văn hóa, cũng như sự văn minh, thanh lịch vốn có của những người Hà Nội cũ.
Đặng Nhật Minh còn nhớ về những cái Tết ở Hà Nội bên gia đình. Ông bộc bạch: "Mẹ tôi mất sớm từ những ngày gia đình còn trên Việt Bắc. Cho nên, khi về ăn Tết ở Hà Nội, gia đình vắng mẹ. Tết niềm vui có nhưng buồn, nhớ cũng có. Nhớ thương vợ, cha tôi ở vậy nuôi con. Mỗi dịp Tết đến, khi cha còn sống, ông bao giờ cũng tự tay cắm hoa, thắp hương, pha trà, bày mâm cỗ trên bàn thờ, rồi mấy bố con ngồi lại với nhau để tưởng nhớ đến mẹ".
Hà Nội với Đặng Nhật Minh thân thương và gần gũi đến thế, nên những thước phim của ông về Hà Nội cũng ấm áp và chân thành như tình yêu mà ông dành cho mảnh đất này. Suốt hơn 60 năm gắn bó với Hà Nội, ông luôn làm việc hết sức mình bằng lương tâm và trách nhiệm. Và quan trọng hơn hết là một tình yêu thủy chung và vẹn nguyên qua từng năm tháng dành cho Hà Nội. Để đến giờ, dẫu không còn đủ sức lực làm phim, nhưng Hà Nội trong Đặng Nhật Minh vẫn như thể hương Hoa nhài thanh nhẹ nhưng quyến luyến, nồng nàn.
"Tết trong gia đình tôi là dịp để tưởng nhớ đến người đã khuất. Cho nên cái Tết đối với tôi không phải là những ngày vui, không phải là những ngày tưng bừng, mà là dịp lắng xuống để nhớ lại những kỉ niệm về những người thân trong gia đình đã đi xa" - đạo diễn Đặng Nhật Minh giãi bày.
Tags