Sáng 17/12, trong khuôn khổ phiên thảo luận chuyên đề của Hội thảo Văn hóa 2022, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, nhu cầu, nguyện vọng của các nghệ sĩ, nghệ nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa luôn luôn được thành phố lắng nghe, tháo gỡ.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương đầu tiên đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, mục tiêu biến công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp xứng đáng cho tăng trưởng, phát triển kinh tế.
“Điều quan trọng hơn, Nghị quyết định vị thương hiệu của Thủ đô Hà Nội là một thành phố văn hóa, thành phố sáng tạo và cũng là địa phương đầu tiên của cả nước tham gia hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.
Nghị quyết 09-NQ/TU xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó xác định: Đối với phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phố là định hướng và tạo ra môi trường thuận lợi, còn chủ thể cho việc phát triển công nghiệp văn hóa là nghệ sĩ, nghệ nhân và các doanh nghiệp.
“Chính vì thế, nhu cầu, nguyện vọng của các nghệ sĩ, nghệ nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa luôn luôn được thành phố lắng nghe, tháo gỡ. Trên thực tế, thành phố làm được đến đâu thì chúng tôi đều cố gắng ở mức cao nhất, tuy nhiên, còn vướng nhiều quy định pháp luật khác ngoài phạm vi của thành phố”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Nhấn mạnh để tạo dựng thương hiệu của thành phố là phải thông qua các sự kiện, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, đó không chỉ là sự kiện của riêng thành phố, mà dần dần trở thành sự kiện thường niên và mang tính chất quốc tế. UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU với 45 nhiệm vụ, trong đó có 10 nhiệm vụ liên quan đến sửa đổi chính sách, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa phát triển hơn. Bên cạnh đó, thành phố xác định 30 sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thường niên ở trong nước và quốc tế; dành nguồn lực ở mức độ cao nhất trong khả năng của thành phố, như trong giai đoạn 2021-2025, thành phố bố trí khoảng 14 nghìn tỷ đồng để phát triển văn hóa nói chung.
“Có như vậy, chúng ta mới có điều kiện xuất khẩu văn hóa ngay tại chỗ và mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, làm cho đời sống văn hóa và thị trường văn hóa phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, thành phố mong muốn phối hợp với các nghệ sĩ, nghệ nhân và doanh nghiệp để tiếp tục có thêm những sản phẩm văn hóa mới bởi nguồn lực sáng tạo của nghệ sĩ, nghệ nhân của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung là không có giới hạn.