(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Hà Nội: Y tế cơ sở quá tải do nhân viên mắc COVID-19 và gia tăng F0
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 5/3 đến 18 giờ ngày 6/3, Hà Nội ghi nhận 29.577 ca F0, trong đó có 11.957 ca tại cộng đồng; 17.620 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 546 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai có 1.756 ca; Đông Anh có 1.714 ca; Sóc Sơn có 1.705 ca; Hoài Đức có 1.589 ca; Nam Từ Liêm có 1.585 ca...
Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 398.208 ca.
Số ca F0 tại Hà Nội tăng nhanh, trong khi nhiều cán bộ, nhân viên y tế cũng mắc COVID-19, ảnh hưởng rất lớn đến việc đáp ứng y tế cho người dân. Thực tế có thể dễ dàng bắt gặp các trường hợp F0 đi xin giấy xác nhận F0 tại các Trạm y tế hay hỏi mua thuốc tại các hiệu thuốc. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh ra cộng đồng.
Cũng như ở nhiều phường, xã, cán bộ Ủy ban nhân dân cũng như ở trạm y tế bị bệnh nhưng vẫn phải làm việc tại nhà, hoặc trong phòng riêng tại Trạm Y tế chứ không được nghỉ. Việc tăng cường nhân viên y tế giữa các phường là khó khăn, do trong lúc dịch bùng phát thì phường nào cũng quá tải.
Để khắc phục, các địa phương căn cứ tình hình thực tế để bố trí công việc cho phù hợp. triển khai kết hợp làm trực tuyến với trực tiếp; huy động thêm đoàn thanh niên và giáo viên mầm non hỗ trợ tham gia chống dịch…; ứng dụng công nghệ thông tin, lập nhóm zalo để các trường hợp F0 có thể khai báo, trao đổi, chia sẻ, tiếp cận thông tin.
Theo các chuyên gia y tế, nhân viên y tế mắc COVID-19 đã phải dồn lực làm việc liên tục trong thời gian dài, sinh hoạt thất thường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc điều trị. Do đó cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho nhân viên y tế, các địa phương thiếu hụt nhân lực y tế cũng cần thông báo kịp thời với cấp trên để có sự tăng cường, điều động kịp thời.
Hà Nội áp sát mốc 30.000 ca COVID-19/ngày, gần 12.000 ca cộng đồng
Sở Y tế Hà Nội tối 6/3 thông tin trong 24 giờ qua TP phát hiện thêm 29.577 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, cao hơn hôm qua gần 5.000 ca, trong đó có 11.957 ca cộng đồng.
Bệnh nhân COVID-19 mới phân bố tại 546 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (1.756); Đông Anh (1.714); Sóc Sơn (1.705); Hoài Đức (1.589); Nam Từ Liêm (1.585);
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới cho Sở Y tế để kịp thời tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố.
Riêng với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với phòng y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng liên quan tiếp tục rà soát các trường hợp chưa tiêm đủ liều vaccine, đồng thời tuyên truyền, vận động những người từ chối tiêm vaccine cần thực hiện tiêm chủng.
"Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm vào công tác tiêm chủng vaccine, đẩy nhanh tiếm độ tiêm chủng mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong quý I/2022", Sở Y tế Hà Nội nêu rõ.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tới người dân, đặc biệt, quan tâm đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine.
Số mắc mới tăng vọt lên 142.136 ca; Bắc Giang và Hoà Bình bổ sung 60.000 F0
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế ngày 6/3 cho biết số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt lên 142.136 F0; Bắc Giang và Hoà Bình bổ sung thêm 60.000 F0; Trong ngày có hơn 65.000 bệnh nhân khỏi; 87 ca tử vong.
Thông tin các ca COVID-19 mới:
- Tính từ 16h ngày 05/3 đến 16h ngày 06/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 142.136 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 142.128 ca ghi nhận trong nước (tăng 10.348 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 92.874 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (29.578), Bắc Ninh (8.355), Nghệ An (7.579), Hải Phòng (5.154), Hưng Yên (3.904), Phú Thọ (3.694), Sơn La (3.559), Nam Định (3.459), Bình Dương (3.442), Hải Dương (3.363), Lạng Sơn (3.341), Quảng Ninh (2.959), TP. Hồ Chí Minh (2.879), Hòa Bình (2.877), Vĩnh Phúc (2.794), Tuyên Quang (2.741), Bắc Giang (2.697), Thái Nguyên (2.682), Đắk Lắk (2.680), Ninh Bình (2.460), Hà Nam (2.396), Thái Bình (2.270), Hà Giang (2.212), Bình Phước (2.202), Yên Bái (2.178), Quảng Bình (2.133), Điện Biên (2.105), Cao Bằng (2.018), Đà Nẵng (1.972), Lào Cai (1.955), Cà Mau (1.903), Bình Định (1.889), Lai Châu (1.806), Khánh Hòa (1.485), Phú Yên (1.296), Thanh Hóa (1.280), Bắc Kạn (1.150), Bến Tre (1.071), Lâm Đồng (925), Quảng Trị (918), Đắk Nông (884), Hà Tĩnh (821), Bà Rịa - Vũng Tàu (739), Tây Ninh (617), Quảng Ngãi (469), Trà Vinh (456), Bình Thuận (420), Vĩnh Long (403), Quảng Nam (354), Thừa Thiên Huế (328), Kon Tum (305), Bạc Liêu (235), Đồng Nai (212), Long An (137), Kiên Giang (121), Cần Thơ (116), An Giang (51), Đồng Tháp (50), Ninh Thuận (26), Hậu Giang (14), Tiền Giang (9).
- Ngày 06/3/2022, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 26.349 ca và Sở Y tế Hòa Bình đăng ký bổ sung 33.695 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-1.481), Sơn La (-669), Khánh Hòa (-617).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+4.564), Hải Phòng (+4.556), Bắc Ninh (+1.194).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 117.379 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.434.700 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 44.893 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.427.225 ca, trong đó có 2.678.630 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (550.920), Hà Nội (395.034), Bình Dương (311.860), Bắc Ninh (143.536), Quảng Ninh (125.401).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 65.445 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.681.447 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.208 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.315 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 465 ca
- Thở máy không xâm lấn: 108 ca
- Thở máy xâm lấn: 312 ca
- ECMO: 8 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 05/3 đến 17h30 ngày 06/3 ghi nhận 87 ca tử vong tại:
+ TP. Hồ Chí Minh (1) ca từ các Ninh Thuận chuyển đến.
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (11), Đắk Lắk (7 ca trong 02 ngày), Đà Nẵng (6), Nghệ An (5), Thái Nguyên (5), Gia Lai (4 ca trong 02 ngày), Bình Thuận (3), Đồng Nai (3), Hải Dương (3), Quảng Bình (3), Quảng Ngãi (3 ca trong 02 ngày), Thanh Hóa (3), Bắc Giang (2), Bắc Ninh (2), Đắk Nông (2), Hà Giang (2), Hà Nam (2), Hải Phòng (2), Lâm Đồng (2), Phú Thọ (2), Phú Yên (2), Trà Vinh (2), An Giang (1), Bình Định (1), Bình Dương (1), Đồng Tháp (1), Hòa Bình (1), Lạng Sơn (1), Nam Định (1), Ninh Bình (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 96 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.813 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 34.357.405 mẫu tương đương 80.124.769 lượt người, tăng 150.501 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 05/3 có 284.876 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 197.571.534 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 180.553.036 liều: Mũi 1 là 70.855.922 liều; Mũi 2 là 67.645.331 liều; Mũi 3 là 1.498.712 liều; Mũi bổ sung là 14.213.253 liều; Mũi nhắc lại là 26.339.818 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.018.498 liều: Mũi 1 là 8.742.674 liều; Mũi 2 là 8.275.824 liều.
Quảng Bình: Thêm 2.161 ca mắc mới COVID-19, nâng F0 toàn tỉnh đến nay lên 38.125 ca
Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 5/3 đến 6 giờ ngày 6/3), Quảng Bình ghi nhận thêm 2.161 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1.676 ca cộng đồng, 3 ca tử vong. Số F0 toàn tỉnh từ trước tới nay 38.125 ca.
Hiện 21.597 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi; 15.032 trường hợp đang điều trị tại nhà; 693 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Đến nay tỉnh này đã ghi nhận 47 bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Đồng Nai: Biến chủng Omicron đã xâm nhập, lây lan nhanh trong cộng đồng
Báo Sức khỏe & Đời sống thông tin: TS.BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết kết quả giải trình tự gene của Viện Pasteur TP HCM ngày 5/3 cho thấy, cả 10 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 của Đồng Nai gửi lên đều là biến chủng Omicron. Như vậy, có thể khẳng định chủng virus đang lây lan tại Đồng Nai chủ yếu là biến chủng Omicron. Vì vậy, dự báo tốc độ lây lan dịch bệnh sẽ cao trong thời gian tới.
Trước đó ngày 22/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy 10 mẫu bệnh phẩm dương tính với COVID-19 ngẫu nhiên trong cộng đồng thuộc nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh để gửi Viện Pasteur TP HCM giải trình tự gene xác định biến thể của virus SARS-CoV-2.
Theo Bộ Y tế, biến chủng Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP. Hà Nội và TP HCM thay thế dần biến thể Delta.
Theo báo cáo của TP. Hà Nội biến chủng Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%);
Tại TP HCM biến chủng Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen.
Số ca mắc mới tăng, dịch COVID-19 tại Việt Nam đã đến giai đoạn là 'bệnh lưu hành'?
Theo Bộ Y tế, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến chủng không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Tuy vậy dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn 'bệnh lưu hành'.
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, trong báo cáo công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 5/3, đề cập đến nội dung liên quan đến 'bệnh đặc hữu', Bộ Y tế cho biết 'bệnh lưu hành' còn được một số chuyên gia gọi là 'bệnh đặc hữu'.
Đây là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Khái niệm này hướng đến tỉ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.
Bộ Y tế cho biết, 'bệnh lưu hành' có 4 tiêu chí cụ thể như sau:
Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh
Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh
Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định.
Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.
Trong nước, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao trên dưới 100 trường hợp mỗi ngày, cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh Dại hoặc Sốt xuất huyết, Sởi... Đây là những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Hiện nay, các chuyên gia và các quốc gia đang thảo luận và đề xuất coi bệnh COVID-19 là 'bệnh lưu hành' (endemic). Về vấn đề này, Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) nhận định đối với bệnh COVID-19 tại Việt Nam, cụ thể:
Thứ nhất, trong nước, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố, tuy vậy dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn 'bệnh lưu hành'.
Thứ hai, tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đo và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Thứ ba, số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây ( hiện theo thống kê ngày 5/3 của Bộ Y tế trung bình 7 ngày qua là 97 ca/ngày- PV)
Thứ tư, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ. Ví dụ như biến chủng Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến chủng này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.
Như vậy, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là 'bệnh lưu hành' và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch COVID-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh COVID-19 là 'bệnh lưu hành' khi thời điểm thích hợp.
Biến thể 'Omicron tàng hình' lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành, thay thế dần Delta
Báo Sức khỏe & Đời sống thông tin: Ca COVID-19 mới có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết tỉnh thành trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là trên 131.000 ca), số ca tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trong ngày 5/3, cả nước có 38 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc COVID-19 từ 1.000- 25.000 ca, gồm: Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (25.013), Bắc Ninh (7.161), Nghệ An (6.460), Sơn La (4.228), Phú Thọ (3.864), Hưng Yên (3.818), Bình Dương (3.608), Nam Định (3.536), Lạng Sơn (3.251), Quảng Ninh (2.998), TP. Hồ Chí Minh (2.984), Đắk Lắk (2.916), Vĩnh Phúc (2.805), Hòa Bình (2.799), Thái Nguyên (2.792), Tuyên Quang (2.747), Bắc Giang (2.573), Ninh Bình (2.525), Quảng Bình (2.338), Yên Bái (2.278), Thái Bình (2.240), Cao Bằng (2.212), Hải Dương (2.182), Bình Phước (2.158), Hà Nam (2.146), Khánh Hòa (2.102), Hà Giang (2.081), Điện Biên (2.051), Đà Nẵng (1.967), Lào Cai (1.945), Bình Định (1.894), Cà Mau (1.732), Lai Châu (1.709), Gia Lai (1.481), Quảng Trị (1.183), Thanh Hóa (1.099), Lâm Đồng (1.060), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.024),
Theo báo cáo của Bộ Y tế về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, ngày 5/3, so với tháng trước, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên cả nước tăng 197,9%, số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỉ lệ tử vong/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%).
Phân bố tỉ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2/2022 so với tháng trước: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.
Theo báo cáo của TP. Hà Nội biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%);
Tại TP HCM biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen. Tuy nhiên do tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%).
Biến thể BA.2, còn được gọi là "Omicron tàng hình" đang lây lan trên 82 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây tăng lên chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron.
Biến chủng này lây lan nhanh hơn, tuy nhiên ít làm tăng nặng hơn. Các sinh phẩm xét nghiệm hiện nay vẫn đang có hiệu quả trong công tác phát hiện.
Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang trong phòng, chống dịch Covid-19
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính từ 16 giờ ngày 4/3 đến 16 giờ ngày 5/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 131.817 ca mắc mới, trong đó 37 ca nhập cảnh và 131.780 ca ghi nhận trong nước (tăng 6.212 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 88.572 ca trong cộng đồng).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 26.566 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.616.002 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.249 ca.
Trong ngày, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong, trong đó nhiều nhất là Hà Nội có 12 ca, Quảng Ninh 8 ca, Đà Nẵng 7 ca... Còn lại hầu hết các địa phương đều có từ 1-2 ca tử vong.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 97 ca/ngày.Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.726 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca mắc.
Hà Nội ghi nhận 25.013 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.407 ca tại cộng đồng; 15.606 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 541 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố.
Theo thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội cập nhật đến 9 giờ ngày 4/3, thành phố Hà Nội có 326/579 (chiếm tỷ lệ khoảng 56%) xã, phường, thị trấn có dịch ở cấp độ 3 (tức "vùng cam"). Ngoài ra, có 66 xã, phường, thị trấn có dịch ở cấp độ 1 (tức "vùng xanh"); 187 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2 (tức "vùng vàng"). Trong tuần này, thành phố Hà Nội chưa ghi nhận địa phương nào có dịch ở cấp độ 4.
Các quận, huyện, thị xã có số lượng xã, phường, thị trấn "vùng cam" nhiều nhất gồm: Sóc Sơn có 21 đơn vị; Thường Tín, Chương Mỹ cùng có 19 đơn vị; Đông Anh có 18 đơn vị; Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa cùng có 15 đơn vị; Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Thanh Oai cùng có 13 đơn vị.
Nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp
Ngày 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì Phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo, theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thủ tướng cho biết, trên phạm vi toàn quốc, dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, nhất là sau khi biến thể Omicron thâm nhập.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá những vấn đề đặt ra khi số ca mắc tăng cao, cũng như những vấn đề mới, đột xuất cần lưu ý, quan tâm để có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp; đề xuất bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là vấn đề về thuốc, vaccine phòng COVID-19.
Chuẩn bị sẵn sàng với dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo với biến chủng Omicron, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang; nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp phòng, chống dịch tốt, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, từng bước bình thường hóa với dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “đa mục tiêu”: Tiếp tục ngăn chặn lây lan, tập trung kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế; giải quyết, chăm lo các vấn đề an sinh xã hội; bảo đảm giữ vững quốc phòng-an ninh.
Bộ Y tế nhận định, đến nay dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca/ngày, cao nhất hơn 125.000 ca/ngày).
So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%. Số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%, vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm 0,8% so với tháng trước.
- Chuyên gia quốc tế: 'Covid-19 sẽ tiếp tục nhưng đại dịch gần kết thúc'
- Dịch Covid-19: Không xông cho trẻ, không dùng thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định
- TP.HCM: Việc học trực tiếp của học sinh thay đổi tuỳ theo tình hình dịch bệnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, số ca mắc trong thời gian gần đây tăng lên chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron (đã xuất hiện ở gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ), chiếm gần 90% tổng số các mẫu phát hiện ở trong nước. Các sinh phẩm xét nghiệm hiện nay vẫn đang có hiệu quả trong công tác phát hiện. Vaccine hiện nay đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện.
Vì vậy, việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron là có nên vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng. Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị COVID-19 như điều trị bệnh nhân thông thường. Đặc biệt, trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp 5K + vaccine + thuốc điều trị và ý thức người dân, rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch...
PV/TTXVN
Tags