Một thông tin đáng chú ý trong tuần qua: Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất tổ chức hai tuyến đường dành cho xe đạp tại các khu vực dọc sông Tô Lịch và quanh công viên Hòa Bình.
Theo đó, tuyến đường dọc sông Tô Lịch có chiều dài 2,3 km, rộng 3 mét, gồm 2 làn cho xe đạp di chuyển, cơ bản ngăn cách với phần đường còn lại bằng hàng rào cây xanh. Trong khi đó, tuyến đường quanh công viên Hòa Bình dài 5,7 km, trong đó phần đi trên vỉa hè rộng 3 mét, phần đi dưới lòng đường rộng 4 mét.
Nếu được triển khai, đây sẽ là 2 tuyến đường dành cho xe đạp đầu tiên tại Hà Nội.
Thực tế, từ vài năm nay, 2 tuyến đường này đã thu hút kha khá lượng xe đạp vào cuối tuần - giống như những con đường quanh Hồ Tây, cạnh cộng viên Thống Nhất hay khu Bách Thảo. Bởi, các không gian đẹp, tương đối vắng xe cơ giới ở Hà Nội luôn là lựa chọn cho trào lưu đi xe đạp - vốn đang phát triển mạnh những năm qua.
Đạp xe vào cuối tuần, thậm chí dùng xe đạp thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày, là điều luôn được khuyến khích ở các đô thị hiện nay. Điểm tích cực của phương tiện giao thông này ai cũng nhìn thấy: tạo cơ hội rèn luyện thể chất, hạn chế phát thải ra môi trường, phần nào giảm hỗn loạn giao thông - và cuối cùng, trong một chừng mực, giúp mỗi người có thêm sự cân bằng, thư thái trong guồng quay của nhịp sống hiện đại.
Nói cách khác, dù ra đời từ rất lâu trước ô tô hay xe máy, xu thế đi xe đạp bây giờ lại là một bước tiến tất yếu của giao thông đô thị với những yếu tố tích cực nhận về.
Bởi thế, hơn 3 tháng trước, dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng đầu tiên của Hà Nội đã ra đời với gần 1.000 chiếc xe được phân bố tại 80 điểm trạm trong thành phố. Rồi gần nhất, vào đầu tháng 11, hình ảnh Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe trên các tuyến phố để thăm Hà Nội lại một lần nữa khiến chúng ta hào hứng và hy vọng vào tương lai của dịch vụ này…
***
Có dịch vụ cung cấp xe đạp công cộng, có một lượng người khá lớn hào hứng với loại hình này, điều lớn nhất Hà Nội đang còn thiếu là những tuyến đường dành riêng (hoặc ưu tiên) cho xe đạp. Khi mà loại hình này còn phải đi chung với những phương tiện giao thông cơ giới khác, rõ ràng là một hạn chế, chưa khuyến khích người dân đạp xe, cũng như để dịch vụ xe đạp công cộng phát triển mạnh hơn.
Trước đây, năm 2014, Hà Nội cũng đã thử triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại một số trường đại học nhưng không thành công. Còn lần này, khi ý tưởng tổ chức tuyến đường riêng cho xe đạp được đưa ra, phải khẳng định đó là một nỗ lực lớn của thành phố, sau khi thiết lập dịch vụ xe đạp công cộng vào 3 tháng trước.
Để so sánh, mỗi "tuyến đường xe đạp" này lại có ưu thế riêng. Dải đường dọc sông Tô có 2 ga đường sắt đô thị đã và sắp hoàn thành, giúp người dùng có thể mang những chiếc xe đạp gấp lên tàu điện và tới đây một cách thuận tiện. Trong khi đó, tuyến đường gần quanh công viên Hòa Bình lại ôm trọn một khoảng xanh lớn mà còn có thể kết nối rất thuận tiện với đường quanh Hồ Tây, nơi vốn luôn thu hút giới đạp xe ở Hà Nội vào dịp cuối tuần.
Hy vọng, 2 tuyến đường sắp được thiết lập sẽ là "cú hích" hợp lý từ hạ tầng, để xu thế đạp xe tại Hà Nội phát triển hơn và dần thắng được tâm lý ưa cơ động, tiện dụng quanh thói quen dùng xe máy của rất nhiều cư dân đô thị.
Tags