Với cách luyến giọng đặc trưng ấy, Hà Thanh đã đẩy cảm xúc Huế, tiếng lòng Huế lên tới đỉnh điểm, tột cùng.
Danh ca có sự khiêm nhường, đem học thuật vào dòng nhạc trữ tình quê hương
Danh ca Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh năm 1937 tại Liễu Cốc Hạ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hà Thanh qua đời tại Mỹ vào năm 2014 sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư máu.
Trong giới nghệ sĩ, Hà Thanh được khán giả yêu mến nhờ tính cách hiền lành và cuộc sống trầm mặc, tĩnh tại, không bon chen. Hà Thanh dù không ồn ào, không xuất hiện nhiều nhưng luôn chiếm được vị trí riêng trong lòng người hâm mộ chính nhờ sự rụt rè, e lệ, khiêm nhường mỗi khi bước lên sân khấu.
Đương thời, Hà Thanh đi hát không nhiều, thường từ chối các lời mời diễn show, dù luôn được săn đón, trọng vọng. Cô cũng ít khi trả lời phỏng vấn và hầu như không muốn lên báo chí, truyền thông.
Nhưng Hà Thanh lại luôn được mong chờ vì cô sở hữu giọng hát hiếm thấy. Cô là ca sĩ hiếm hoi đem đến chất học thuật cao quý cho dòng nhạc trữ tình quê hương, khiến nó trở nên đẳng cấp, sang trọng như được tô thêm màu bán cổ điển, nhưng vẫn đậm chất trữ tình quê hương.
Không những vậy, cô còn thành công ở nhiều mảng nhạc khác như Slow, Ballad… Mỗi khi chạm tay vào bất cứ dòng nhạc nào, Hà Thanh cũng để lại một dấu ấn sâu đậm, đến từ chất sang trọng bậc nhất và kĩ thuật phức tạp, phong phú của cô.
Bởi vậy, sinh thời, Hà Thanh được rất nhiều nhà nghiên cứu và nhạc sĩ tài ba bậc nhất đánh giá cao như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Đông… Cô cũng trở thành bóng hồng trong mộng của nhiều thi nhân, văn sĩ.
Đến khi qua đời, Hà Thanh vẫn được nhiều người trong giới và công chúng nhớ đến, để dành tặng những lời tri ân sâu sắc. Với những điều cao quý đó, Hà Thanh đã được mệnh danh là Họa mi hót trên vai Đức Phật xứ Huế.
Tiếng hát tiêu biểu của người con gái xứ Huế
Nhiều khán giả cho rằng, Hà Thanh là nữ ca sĩ tiêu biểu nhất của xứ Huế trong cả thế kỉ 20. Cô xứng đáng với nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đắc rằng, Hà Thanh với giọng oanh vàng số 1 được xem là nữ ca sĩ tiêu biểu nhất của Huế thế kỷ 20.
Tìm cả xứ Huế cũng hiếm có nữ ca sĩ nào sở hữu tiếng hát đẹp và sang trọng bậc nhất như Hà Thanh. Chỉ cần cô cất giọng nên thôi đã toát lên sự trâm anh, đài các nhất mực.
Sở dĩ Hà Thanh có được điều đó vì cô vốn sinh ra trong một gia đình dòng dõi, có truyền thống học hành, nề nếp ở xứ Huế.
Con gái Huế vốn đã nổi tiếng nết na, thùy mị. Hà Thanh lại sinh ra trong một gia đình học thức, được giáo dục kĩ càng từ văn hóa tới cung cách, lời ăn tiếng nói, nên ắt hẳn phải vô cùng thanh tao, nhã nhặn.
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã từng "phong Huế" cho Hà Thanh khi nói rằng, vóc dáng nhỏ nhắn, thanh thoát, dịu hiền, khiêm tốn; tuy tươi mát, thân tình nhưng cũng rất e dè và chừng mực của Hà Thanh là nét tiêu biểu cho con người và phong thái của Huế.
Có thể nói, Hà Thanh chính lại đại diện điển hình nhất cho con gái Huế, từ nhân cách, thần thái tới giọng hát. Chỉ cần nhìn cô thôi cũng đủ thấy cốt cách Huế toát lên mồn một rồi.
Giống với nhiều giọng nữ cùng thời với mình như Thái Thanh, Kim Tước, Lệ Thu… do ảnh hưởng của chất nhạc tiền chiến nên Hà Thanh thường hát theo giọng Bắc.
Tuy nhiên, nếu nghe kĩ hơn những đoạn nhả chữ và phát âm của Hà Thanh, khán giả vẫn cảm nhận rõ âm sắc giọng Huế văng vẳng đâu đó, không lẫn đi đâu được.
Ở những phụ âm đầu như /s/, /tr/, /r/, dù phát âm theo giọng Bắc, nhưng trong từng đoạn nhả chữ, Hà Thanh vẫn luyến láy, thả ngữ điệu đậm chất Huế, rất tha thiết, trìu mến, thân thương. Điều này được thấy rõ nhất trong ca khúc Ai ra xứ Huế.
Và ở một số ca khúc mang âm hưởng ca Huế như Tiếng sông Hương, Hà Thanh lại phát âm chuẩn giọng Huế quê hương mình, nghe rất sang, ngọt và quý phái. Cô đổi toàn bộ thanh sắc thành thanh hỏi, thanh ngã thành thanh nặng một cách đầy tự nhiên, mượt mà, không chút vấp váp, như ăn sâu vào máu thịt.
Hà Thanh còn có biệt tài thổi hồn cảm xúc riêng của người Huế vào từng câu từng từng chữ. Chẳng hạn, khi hát ca khúc Đêm tàn bến ngự, cô chuyên chở một cách đầy đặn tâm tư người Huế vào những âm Huế đặc trưng như "soi bóng", "sầu than", "bẽ bàng", "lạt phai"… Điều này khiến người nghe như thấy rõ một xứ Huế mộng mơ hiện lên đầy cổ kính, trầm mặc và dịu dàng, với nón bài thơ, cầu Tràng Tiền, sông Hương, núi Ngự.
Ngoài việc phát âm, nhả chữ, Hà Thanh còn nổi bật ở việc sử dụng luyến láy đậm chất dân ca Huế, với cách hát nảy đầy mê hoặc.
Có thể nói, hiếm có ca sĩ nào ở Việt Nam luyến giọng ngọt và mịn như Hà Thanh. Cô luyến như đang hát ru, luyến trên messa voce cực kì tươi sáng, vang vọng một cách thuần khiết như tiếng chuông khánh, nhưng ngọt đến tái tê.
Mỗi lần nghe Hà Thanh luyến giọng, khán giả được ru hồn tới lịm cả người đi, giống như rót mật vào tai vậy.
Với cách luyến giọng đặc trưng ấy, Hà Thanh đã đẩy cảm xúc Huế, tiếng lòng Huế lên tới đỉnh điểm, tột cùng. Có thể nói, cô đã đạt tới cảnh giới vẽ xứ Huế, nói tiếng lòng Huế, tả tâm tư Huế bằng giọng hát.
Khi hát, Hà Thanh thường làm mềm giọng của mình bằng legato và messa voce, kết hợp với chất kim vang xa, khiến nó trở nên bay bổng, bồng bềnh trôi đi thững thờ như dòng sông Hương.
Tags