(Thethaovanhoa.vn) - HAGL có thể thua SLNA, cũng chuyện bình thường. Nhưng để thua “lấm lưng trắng bụng” đến 3 bàn không gỡ, thêm vào đó là lối đá nhợt nhạt, vô hồn thì đúng là cám cảnh cho đội bóng phố Núi.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Người ta đã chờ đợi rất nhiều ở trận đấu giữa SLNA và HAGL ở vòng 13 V-League. Cũng phải thôi, bởi nhiều lý do. Xem cuộc so giày của 2 lò đào tạo trẻ nức tiếng ra sao? Chờ đợi HLV Lee Tae Hoon và các học trò có giải được “lời nguyền” trên sân Vinh hay không? Bởi trong lịch sử HAGL với 15 lần làm khách đến thành Vinh thì họ thua 10 lần, có 4 trận hòa, duy nhất 1 lần trọn vẹn niềm vui 3 điểm. Nhưng những sự chờ đợi ấy đã tan biến nhanh như bong bóng.
"Tuần trăng mật" của ông Lee Tae Hoon cũng nhanh như thế, không thể lâu hơn. Sau vài trận hanh thông, bây giờ ông Lee đang dần dẫm vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm. HAGL cứ đá kém là thay tướng, thay riết thành quen, trong cái vòng luẩn quẩn. 15 mùa V-League, HAGL trải qua 12 đời HLV, một con số đáng để giật mình suy ngẫm.
VIDEO: Bàn thắng và Highlighs SLNA 3-0 HAGL, V-League 2019 vòng 13
Những vấn đề của HAGL vẫn là câu chuyện cũ. Cầu thủ nội hay trên tuyển nhưng về CLB lại đá ậm ừ. Ngoại binh thiếu chất lượng. Đội bóng không có sự ổn định ở vị trí cầm quân. Loay hoay giữa chuyện đá đẹp hay đá thực dụng.
Dù lý do gì chăng nữa thì vấn đề của HAGL tại V-League là lứa trẻ được kỳ vọng, khi đốt giai đoạn lên chơi giải đấu cao nhất nước nhà đã không được dẫn dắt theo cách bài bản và chuyên nghiệp nhất. Đó có phải là sự lãng phí và thui chột cho tài năng của họ?
Nói gì thì nói, 5 mùa ăn cơm V-League và không biết bao nhiêu trận khoác áo ĐTQG lẫn U23, nhưng mãi không tiến bộ. Đừng trách ai cả. Lỗi ở chính HAGL và có trách, trách chính bản thân họ. Những câu hỏi vì sao và như thế nào, luôn được đưa ra, nhưng việc đi tìm lời giải thực tế nhất lại vẫn chưa có.
Thành tích 7 điểm sau 3 trận cầm quân của HLV Lee Tae Hoon đã khiến họ khấp khởi. Vận chỉ đổi được vài trận rồi đâu lại vào đấy. Đúng thời điểm kỳ vọng nhất, HAGL lại bắt đầu hụt hơi. Riết rồi thành quen.
Có thể họ đã hết khổ nhưng khó thì vẫn còn, triền miên. Trận thua trước SLNA đã phơi bày hết tất cả những vấn đề của HAGL. Hẳn nhiên, chính bản thân họ nhận rõ vấn đề đó. Còn giải quyết ra sao và như thế nào thì câu hỏi treo lơ lửng
Vấn đề cũ và câu hỏi không mới
Ông Lee đã cố gắng đập đi làm lại, theo cách chơi của riêng ông. HAGL đã cho thấy những thực tế hơn khi tiếp cận trận đấu. Biết mình biết người, chứ không còn hồn nhiên dồn lên mọi lúc mọi nơi như trước.
Nhưng những hạn chế và khiếm khuyết về con người không dễ để cho ông Lee ngày một ngày hai định hình và làm theo ý muốn. Ở thời điểm HAGL chơi coi được trước Thanh Hóa, Nam Định hay Viettel, lúc đó đã có những dấu hỏi đội bóng phố Núi thực sự chuyển mình, hay đó chỉ là may mắn khi đối thủ khủng hoảng. Rất nhanh, hết lượt đi, câu trả lời dần sáng tỏ.
Hàng thủ rò rỉ vẫn là vấn đề muôn thuở. Văn Sơn và Đức Lương không thể gánh vác trọng trách bịt kín hàng thủ. Bộ đôi cầu thủ này đá như mơ ngủ trong trận gặp SLNA. Họ liên tục chuyền hỏng, liên tục để mất bóng cũng như không thể bao quát cả kèm người, chọn vị trí khi tham gia phòng ngự. Hậu vệ đá như thế, thủ môn Sietsma có giỏi đến mấy cũng đành chôn chân, khi đối phương đánh vỗ mặt.
HAGL chơi kém trong một vài trận thì đã đành. Nhưng cứ đá như thế từ mùa này sang mùa khác thì đúng là ngán ngẩm. Câu chuyện công làm thủ phá cứ như cơm bữa. Trong 4 mùa gần đây, HAGL đã thay đến 6 ngoại binh cho vị trí trung vệ của mình. Còn Trần Minh Vương cùng Triệu Việt Hưng ở tuyến giữa cũng thế, tranh chấp kém, hoàn toàn thua thiệt ở những tình huống đấu tay đôi với đối phương.
Văn Toàn đá rất tốt kể từ đầu mùa, nhưng chỉ mỗi mình cầu thủ này cũng khó kéo cả đội lên. Huống hồ bây giờ Văn Toàn đã dần bị đối thủ bắt bài và phong tỏa. Khi số 9 không có những quả leo biên và dốc vào trong, lúc đó Chevaughn Walsh đành lạc lõng và đói bóng. Cách chơi của tiền đạo người Jamaica gần như không có được sự kết nối rõ ràng nào với những đồng đội còn lại.
Bao giờ phố Núi thật sự chuyển mình
HAGL thì khác. Có thể tư duy và quan điểm làm bóng đá của họ là “riêng một góc trời”. Hệ quả tất yếu là cầu thủ nội dạn dày kinh nghiệm vắng bóng. Ngoại binh thì thay xoành xoạch mỗi mùa. Đó cũng là ví dụ điển hình về công tác chọn lựa con người ở trung tâm Hàm Rồng.
Có thể thấy, những thay đổi về vị trí huấn luyện bắt nguồn từ thượng tầng của đội bóng đã tác động rất lớn đến việc kết cấu, tổ chức, hoạt động và thi đấu. Nói gì thì nói, con người vẫn là yếu tố tiên quyết, để cho ra những phương án tiếp theo.
Sợi dây liên kết nhân sự, từ HLV, cầu thủ cùng các bộ phận liên quan của HAGL vẫn chưa phải tốt nhất. Khi không có được khâu tổ chức và hỗ trợ hiệu quả như thế, đương nhiên những con người thực thi nhiệm vụ cụ thể gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và định hình lối chơi.
Cái ngày bầu Đức tuyên bố mạnh miệng về mục tiêu này nọ đã qua rồi. Tình cảnh phập phù nơi đội bóng của ông cũng đã quá quen với người hâm mộ. Đá đẹp hay đá cống hiến là quyền của HAGL, chẳng ai chê hay cũng không ai ép. Còn đá không mục tiêu gì cả, khi đã mùa thứ 5 lên chơi V-League như thế, không còn khiến ai bất ngờ nữa.
HAGL, đã bao giờ “đỏ” đâu mà trông đợi sẽ “chín”.
HAGL lâu nay vẫn hay được gọi trìu mến bằng mỹ từ: “Những đứa trẻ nhà bầu Đức”. Chính họ cũng từng tự hào về điều đó, và lấy đó để trần tình cho thất bại. Đó là câu chuyện quá khứ. Nếu xét nét kỹ ra, ở V-League năm nay, Nam Định mới là đội bóng có độ tuổi trung bình thấp nhất (22,9) so với HAGL (23,3). Chỉ có điều mấy mùa rồi, những đứa trẻ đó tự bơi, tự lớn. Đúng ra, họ cần có những đàn anh lớn tuổi dìu dắt và kèm cặp mỗi lúc ra sân. Cứ nhìn vào Hà Nội FC thì thấy. Đâu phải tự nhiên mà Văn Hậu, Thành Chung hay Quang Hải cứng cáp. Họ luôn có những Văn Quyết, Thành Lương cùng những ngoại binh chất lượng đá cùng trên sân. Vừa để kết nhịp, vừa học hỏi rất nhiều. |
Trần Tuấn
Tags