Hà Nội FC thua trận thứ 5 liên tiếp trên các mặt trận, HAGL chính thức thay tên và có thể sẽ chuyển luôn cả chủ trong thời gian tới, 2 thực thể có tính trụ cột của V-League suốt 2 thập niên qua đang ở trong những hoàn cảnh khó khăn. Dù khác nhau về hình thức nhưng có vẻ như lại cùng bản chất khi họ tự khoác lên mình chiếc áo quá rộng, giờ phải nặng nhọc cởi ra.
Vũ Văn Thanh vừa chuyển sang CAHN, đã có ngay danh hiệu vô địch V-League đầu tiên của sự nghiệp. Các đồng đội cùng thời ở HAGL trước đây như Nguyễn Văn Toàn, Hồng Duy đang khoác áo Nam Định cũng có thể làm được điều tương tự khi được chơi bóng ở CLB có tham vọng rất rõ ràng. Không biết sự ra đi của họ hồi năm ngoái có phải đã dẫn đến việc HAGL chính thức đổi tên với sự tham gia của một đối tác mới hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là dù họ có ở lại, thì HAGL cũng sẽ chẳng khác hoàn cảnh hiện tại.
Có thể sự hợp tác giữa HAGL và đối tác mới trong lĩnh vực bóng đá cũng giống như với Thaco ở mảng nông nghiệp và bất động sản, tức là đối tác sẽ chịu trách nhiệm tài chính và nắm quyền kiểm soát. Cũng như trường hợp với Thaco, hôm công bố tên mới của CLB, gương mặt bầu Đức có phần nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng. Không phải là tài chính, thì cũng là vừa cởi ra một chiếc áo quá rộng, nặng nề đã lỡ mặc.
Đó là chiếc áo "bóng đá đẹp", một khái niệm vừa cụ thể nhưng cũng rất trừu tượng. Cho dù bầu Đức cho phép "đá đẹp, xuống hạng cũng được" nhưng thực tế thì HAGL nhiều năm qua, ngoài mùa giải 2021, thì đá chưa đẹp mà cửa xuống hạng thì luôn cận kề.
Từ một lứa cầu thủ có tài năng và phẩm chất cá nhân tốt, ý tưởng của HAGL không tồi, và trong một giai đoạn nhất định, đó chính là xung lực để bóng đá Việt Nam tìm đến đỉnh cao dưới thời HLV Park Hang Seo. Nhưng vì chẳng có thứ bóng đá nào "đẹp và bất chấp chuyện xuống hạng" cả nên càng đi, HAGL càng trở nên kiệt sức. Về cơ bản, chiếc áo ấy quá rộng so với một đội bóng ở Việt Nam và HAGL không thể là ngoại lệ.
May mà HAGL chưa xuống hạng để bầu Đức có thể cởi bỏ chiếc áo ấy bằng việc trao cho đối tác mới trách nhiệm đưa HAGL trở lại với những cuộc đua bình thường, giàu tính cạnh tranh dù có thể sẽ không còn bóng đá đẹp nữa.
Thực tế thì với tiềm lực hiện nay, HAGL có muốn đá đẹp cũng không được, nhưng để đưa HAGL trở lại với giai đoạn 20 năm trước thì vẫn còn có thể, nếu đối tác mới, một ngân hàng, có tham vọng làm bóng đá.
Hà Nội FC thì ngược lại hoàn toàn. Họ vẫn là đội bóng có lối chơi cuốn hút, nhưng giờ đây, không chỉ có mình họ làm được điều đó. 5 thất bại liên tiếp trên mọi đấu trường, đặc biệt là ở sân chơi AFC Champions League, đã "lột sạch" mọi thứ. Không như HAGL, tham vọng của Hà Nội FC dường như hơi lớn quá mức so với một đội bóng V-League. Tất nhiên, cũng như "bóng đá đẹp" của bầu Đức, thì cái ý tưởng vươn tầm châu Á của bầu Hiển không có gì sai cả. Vấn đề nằm ở chỗ nó không phù hợp với một CLB Việt Nam.
Nghĩa là sao? Nói đơn giản là môi trường của V-League chưa đạt đến mức để thúc đẩy các ý tưởng đó. Ví dụ như Hà Nội FC, họ thống trị làng cầu nội địa suốt bao nhiêu năm thì đương nhiên phải nghĩ đến chuyện tiến ra châu Á.
Nhưng vấn đề là sự thống trị đó không đến từ việc họ quá mạnh mà do các quá ít đội bóng mạnh như họ ở sân chơi V-League. Sự vượt trội, quá tầm của Hà Nội FC là so với V-League chứ không hẳn họ đạt đến một đẳng cấp châu lục.
V-League thiếu sự cạnh tranh, thì Hà Nội FC càng thiếu đi không gian mài giũa trình độ và đẳng cấp của mình. Điều đó không thể chỉ cần thay HLV nội bằng HLV ngoại và mua các ngoại binh chất lượng là giải quyết được.
Đó là những gì mà HAGL đã nếm trải. Họ không thể đá đẹp nếu chất lượng của người không ở trình độ tương đương. HAGL hiện tại, chỉ là một đội bóng tìm đường trụ hạng ở mỗi mùa giải, không tham vọng và cũng chẳng có ý tưởng cụ thể nào trong cách làm bóng đá. Sự mông lung của HAGL chẳng khác gì Hà Nội FC cả, chỉ vì họ vội mặc trên mình một chiếc áo quá rộng so với hoàn cảnh hiện tại của V-League.
Tags