(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/1, hai nhà lập pháp Thụy Điển đã đề cử nữ sinh 17 tuổi, nhà hoạt động vì môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg, và phong trào biểu tình toàn cầu "Ngày thứ Sáu vì tương lai" được trao giải Nobel Hòa bình 2020.
Trong thư gửi Ủy ban Nobel Na Uy, hai nghị sỹ đảng cánh tả tại Thụy Điển là Jens Holm và Hakan Svenneling nêu rõ: "Greta Thunberg là một nhà hoạt động vì môi trường, và lý do chính cô xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình là mặc dù tuổi còn trẻ nhưng cô đã cố gắng hết sức để khiến các chính trị gia nhận biết cuộc khủng hoảng khí hậu".
Theo hai nghị sỹ này, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra các cuộc xung đột mới và cuối cùng dẫn tới chiến tranh. Do đó, hành động để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng là hành động kiến tạo hòa bình.
Hai nghị sỹ trên cho rằng nếu không có Greta Thunberg và phong trào "Ngày thứ Sáu vì tương lai" thì vấn đề khí hậu không bao giờ nằm trong chương trình nghị sự ở mức như hiện nay.
Những người có tư cách đề cử ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình gồm những người đã từng được trao giải này, một số giáo sư đại học, các nhà lập pháp và các bộ trưởng chính phủ trên khắp thế giới, các thành viên đương nhiệm cũng như cựu thành viên trong Ủy ban Nobel Na Uy. Giải này thường được trao vào tháng 12 hằng năm. Theo quy định, các đề cử phải được trình Ủy ban Nobel Na Uy vào ngày 1/2. Ủy ban này không bao giờ tiết lộ danh tính người được đề cử, song những người đề cử được phép công bố lựa chọn của họ.
Năm ngoái, nữ sinh Thunberg đã được nêu tên là một nhân vật có thể giành giải Nobel Hòa bình 2019. Tuy nhiên, giải thưởng này đã được trao cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed ghi nhận những nỗ lực của ông trong việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài với nước Eritrea láng giềng.
Mặc dù vậy, Greta Thunberg đã vinh dự được trao giải thưởng hòa bình dành cho trẻ em vì những nỗ lực kêu gọi chống biến đổi khí hậu tạo hiệu ứng tích cực trong giới học sinh toàn cầu và đã được tạp chí Time bình chọn làm Nhân vật của Năm 2019.
Thunberg đã trở thành biểu tượng hoạt động chống biến đổi khí hậu của giới trẻ toàn cầu sau sự kiện cô quyết định nghỉ học và ngồi bên ngoài trụ sở Nghị viện Thụy Điển từ ngày 20/8/2018 đến ngày 9/9/2018 (ngày bầu cử) để yêu cầu chính phủ giảm lượng khí thải carbon theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trong năm 2019, Thunberg đã tổ chức các cuộc tuần hành hàng tuần với khẩu hiệu "Thứ Sáu vì tương lai", tạo cảm hứng cho hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên xuống đường yêu cầu chính phủ hành động. Phong trào học sinh, sinh viên tuần hành vì khí hậu do cô khởi xướng đã lan khắp thế giới.
Minh Châu/TTXVN
Tags